Đào tạo giáo viên theo hệ thống mở

26/10/2006 22:21 GMT+7

Ngày 25.10, hơn 600 nhà giáo của nhiều thế hệ trên cả nước đã có mặt tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để cùng nhìn lại những mốc son quan trọng trong lịch sử ngành giáo dục và ngành sư phạm (SP) VN, đưa ra nhiều ý kiến để đổi mới hoạt động của trường SP trong tình hình mới.

Tại hội thảo, vấn đề về mô hình đào tạo giáo viên trong giai đoạn mới được nhiều đại biểu đặt ra. PGS-TSKH Bùi Mạnh Nhị (Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP.HCM) cho biết: "Nhiều nước tiên tiến hiện nay đào tạo giáo viên theo hệ thống mở, tính liên thông cao, yêu cầu rất cao cả về kiến thức cơ bản, chuyên môn lẫn kỹ năng SP".

Đồng tình với ý kiến này, TS Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM) nói: "Việc liên thông trong đào tạo của Trường ĐHSP TP.HCM đã có từ trước và sau đó không còn thực hiện nữa, nay nên nghiên cứu để thực hiện lại. Đào tạo "SP mở" là một xu thế cần được khuyến khích. Đơn cử như một sinh viên tốt nghiệp ở ĐH Khoa học tự nhiên hay ĐH Khoa học xã hội & nhân văn... có thể được học thêm 1 - 2 năm nữa ở ĐHSP để nhận thêm bằng ĐHSP; ngược lại, cũng nên cho phép sinh viên tốt nghiệp ĐHSP được học thêm 1-2 năm tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học xã hội & nhân văn để nhận thêm văn bằng của các trường này". TS Nghĩa còn đặt vấn đề cần có những chính sách hỗ trợ học bổng để khuyến khích sinh viên học các ngành cần thiết nhưng nhu cầu xã hội ít cần như ngành Hán Nôm, hoặc các ngành có việc làm khá vất vả như giáo dục trẻ khuyết tật, giáo dục mầm non...

PGS-TS Mạc Đường (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) đề nghị xem xét lại toàn bộ chương trình giáo dục của các bậc học và đối chiếu với các nước châu Á hiện đại, trước hết là Hàn Quốc và Singapore. Theo TS Đường, mục tiêu của sự đối chiếu này nhằm gạt bỏ những kiến thức rườm rà, bổ sung thêm những kiến thức hiện đại; làm sao chuyển đổi tâm lý học tập từ chỗ đối phó căng thẳng sang tâm lý học thoải mái để có kiến thức và năng lực thật sự. 

GS Tương Lai (nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học VN) khẳng định: "Dù nói gì thì nói, người thầy vẫn là, cần là và phải là nhân vật xã hội được kính trọng" và đặt vấn đề:  Liệu đã có ai làm một cuộc khảo sát nghiêm cẩn để đưa ra con số chính xác về lương, về thu nhập và mức sống của những thầy cô giáo đang âm thầm, nhẫn nại dạy học trên cả nước? Có bao nhiêu trong số họ sống ung dung, sung túc và bao nhiêu đang khó khăn, cùng cực? Có bao nhiêu "con sâu" và bao nhiêu con người đang âm thầm lặng lẽ sống cuộc sống thanh bạch? Tỷ lệ là bao nhiêu giữa "sâu" và người? Phân biệt được điều này là một điều được nhiều người có tâm huyết với nghiệp dạy học đặc biệt quan tâm.

Trong phần phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng nhắc lại tầm quan trọng của ngành SP sẽ được khẳng định tại hội nghị các trường SP toàn quốc được tổ chức cuối năm nay. Trong tháng 11 sẽ có nhiều hội thảo về các vấn đề lớn của ngành SP như: định hướng trong 10 năm tới; đánh giá đội ngũ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường phổ thông và các trường SP; đánh giá phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá học tập ở các trường phổ thông... Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng, trong năm 2007 sẽ xác định lộ trình tăng thu nhập cho đời sống giáo viên với mục tiêu làm thế nào cho giáo viên thực sự yên tâm dạy học có chất lượng mà không cần phải làm thêm những việc khác.   

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.