Từ lâu đời, các dân tộc thiểu số Mơ Năm, Ca Dong, H'Re... đã sinh sống quanh vùng cao Măng Đen này, đang bảo tồn những giá trị truyền thống đầy sắc màu văn hóa bản địa. Giữa một huyện vùng cao có độ phủ xanh 85%, trên đường khám phá vẻ đẹp lồng lộng của thiên nhiên, bất chợt bạn sẽ thấy một ngôi làng dân tộc thiểu số tọa lạc êm đềm bên lòng hồ, suối thác hoặc dòng sông. Làng với những căn nhà sàn nguyên sơ nương tựa rừng cây, có bến nước, nương rẫy kề cạnh và ngôi nhà rông truyền thống thỉnh thoảng ngân vang nhịp điệu cồng chiêng chất chứa tình cảm thiêng liêng của cộng đồng.
Đến Măng Đen, du khách dễ nhận ra một vùng khí hậu mát mẻ như ở Đà Lạt. Nét mới lạ lung linh ở Măng Đen là sự tươi tốt vẹn nguyên, không bị bàn tay con người thô bạo can thiệp vào. Hơn 4.000 ha rừng thông thanh thản nằm đan cài giữa vùng rừng nguyên sinh trùng điệp rộng hơn 100.000 ha, cùng với sông hồ và suối thác đã tạo Măng Đen thành nơi du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng lý tưởng. Huyện Kon Lông và tỉnh Kon Tum đang từng bước khéo léo giữ gìn và thêm thắt sao cho Măng Đen trở thành khu du lịch sinh thái văn hóa, xứng đáng là điểm khởi đầu của tuyến du lịch "Con đường xanh Tây Nguyên".
Hiện nay, du khách yêu văn hóa thiên nhiên từ các tỉnh Tây Nguyên và trong nước đã dần dần đến với Măng Đen. Bước đầu đã có những biệt thự mang kiểu dáng khác nhau được xây dựng trong rừng thông bên đường không xa suối, thác, sông, hồ là bao. Từ thị xã Kon Tum, đi theo Quốc lộ 24 thấp thoáng hai bên đường những núi đồi, rừng cây và sông nước chỉ 1 tiếng đồng hồ ngồi trên ô tô là đến khu du lịch sinh thái văn hóa Măng Đen. Từ nơi này, xuôi theo Quốc lộ 24 trên đường về vùng duyên hải, còn 70 km là tiếp giáp Quảng Ngãi, quê hương của núi Ấn sông Trà và những cánh đồng ruộng mía bao la.
Nguyễn Hoàng Thu
Bình luận (0)