Ngày 26/10, trước phiên họp cuối cùng của Ban công tác của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thông qua tất cả các văn bản và thủ tục để kết nạp Việt Nam làm thành viên thứ 150 của WTO, Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán của nước ta trong cuộc đàm phán gia nhập tổ chức thương mại đa phương này đã trả lời phỏng vấn Đặc phái viên TTXVN tại Geneva (Thuỵ Sĩ).
* Quá trình đàm phán suốt 11 năm qua để gia nhập WTO đã kết thúc với việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức buôn bán đa phương lớn nhất thế giới này. Xin ông điểm lại những mốc quan trọng trong tiến trình này và những bước đi sắp tới trong tiến trình gia nhập WTO của nước ta?
- Tháng 1/1995, Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập WTO. Ngày 31/1/1995, Đại Hội đồng họp thành lập Ban Công tác để xem xét đơn xin gia nhập WTO của Việt Nam. Ngày 30-31/7/1998, Ban Công tác họp phiên đầu tiên. Từ phiên đa phương thứ nhất đến phiên 5 thực hiện việc minh bạch hóa các chính sách kinh tế thương mại. Từ phiên thứ 6 đến phiên thứ 14 tiến hành đàm phán đa phương liên quan đến các cam kết chính sách kinh tế vĩ mô.
Song song với đàm phán đa phương, ta phải tiến hành đàm phán song phương về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ với 28 đối tác. Nước đầu tiên kết thúc đàm phán song phương là Cu-ba. Đối tác lớn đầu tiên kết thúc đàm phán song phương là Liên minh châu u (EU), vào tháng 11/2004. Nước kết thúc đàm phán song phương cuối cùng là Hoa Kỳ (31/5/2006).
Từ 25-26/10/2006, Ban Công tác họp phiên chính thức thứ 15 để thông qua tất cả các văn bản và thủ tục kết nạp. Dự kiến ngày 7/11/2006, Đại hội đồng sẽ họp và kết nạp Việt Nam vào WTO.
* Xin ông cho biết những điểm chính yếu nhất trong cam kết của Việt Nam để gia nhập WTO ? Nền kinh tế Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam được lợi gì và bất lợi gì khi nước ta trở thành thành viên WTO và thực hiện các cam kết này?
- Về đa phương, ta cam kết tuân thủ các hiệp định của WTO khi gia nhập như các nước khác. Riêng trợ cấp công nghiệp liên quan đến các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài ta được hưởng thời kỳ quá độ là 5 năm. Với quy định của WTO, ta cam kết sửa và xây dựng mới 26 luật và pháp lệnh trên tổng số hơn 100 luật và pháp lệnh phải sửa phục vụ cho cải cách hành chính và đổi mới nền kinh tế. Đến nay Quốc hội đã thông qua 25 luật và pháp lệnh, chỉ còn 1 luật sẽ thông qua trong phiên họp tháng 10 và tháng 11 năm nay.
Về nông nghiệp, Việt Nam là nước đất chật người đông, nhưng lại là nước có nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu được xếp hạng trên thế giới như gạo đứng thứ 2, hạt tiêu đứng thứ nhất, hạt điều đứng thứ 2, cà phê thứ 2, chè thứ 6, cao su thứ 4 ở Đông Nam Á, nên chúng ta cũng giống Trung Quốc phải bỏ trợ cấp xuất khẩu khi gia nhập.Nhưng ta vẫn được hưởng 10% trợ cấp trong nước, Trung Quốc chỉ được 8%.
Về thuế, mức thuế nông nghiệp bình quân 21%, công nghiệp xấp xỉ 13%, trung bình cả công và nông nghiệp xấp xỉ 14%, với lộ trình cắt giảm từ 3-7 năm tùy theo nhóm hàng.
Về dịch vụ, chúng ta cam kết 11 ngành trên tổng số 12 ngành và khoảng 100 phân ngành trên tổng số 155 phân ngành của WTO.
Gia nhập WTO sẽ tăng thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, mở ra thị trường toàn cầu cho hàng hóa và dịch vụ của ta để nhanh chóng đưa kim ngạch xuất khẩu của ta lên 100 tỉ USD trong 5-7 năm tới (hiện nay xuất khẩu của Việt Nam mới bằng 1/3 của Thái Lan và 2/3 của Philippines) ; tạo môi trường pháp lý minh bạch ổn định để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài ; chủ động tham gia vào các chính sách thương mại toàn cầu của WTO và các tranh chấp sẽ được giải quyết công bằng hơn.
Song chúng ta cũng phải mở cửa thị trường cho họ, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Những hình thức bảo hộ cũ không phù hợp với WTO phải bỏ đi và thay vào các hình thức mới theo quy định WTO. Thuế nhập khẩu giảm ít nhiều tác động đến doanh nghiêp và thu ngân sách, song được bù lại bởi tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và tăng các nguồn thu trong nước.
* Các doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan quản lý Nhà nước ta cần phải làm gì để tận dụng được các lợi thế và hạn chế đến mức thấp nhất các bất lợi khi nước ta gia nhập WTO? Với tư cách là thành viên WTO, Việt Nam có thể làm gì để thúc đẩy nhanh tiến trình vòng đàm phán phát triển Doha tiến tới một hiệp ước buôn bán toàn cầu có lợi cho các nước đang phát triển như nước ta?
- Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển của mình, tăng năng suất, giảm giá thành, đổi mới quản lý, đổi mới công nghệ và tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ cả ngoại ngữ và nghiệp vụ, tìm mọi cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ đầu tư và chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Trong chương trình Hội nghị thượng đỉnh APEC có chương trình thúc đẩy Vòng đàm phán Doha. Việc Việt Nam chủ trì Hội nghị thượng đỉnh APEC họp vào 12-19/11/2006 khi đã được kết nạp vào WTO sẽ có ý nghĩa quan trọng, góp phần tháo gỡ bế tắc của Vòng đàm phán Doha. Ông Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy sẽ tham dự hội nghị này.
* Tiến trình đàm phán gia nhập WTO đã để lại cho nước ta những kinh nghiệm gì trong đàm phán thương mại quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam?
- Nói về kinh nghiệm là hơi sớm. Song đàm phán đạt được kết quả mong muốn là do sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội ; sự phối hơp tốt giữa các bộ ngành trong công tác chuẩn bị và tham gia đàm phán ; sự kết hợp kịp thời giữa đàm phán với vận động ngoại giao trên tất cả các kênh và tranh thủ cơ hội các sự kiện lớn của từng nước để kết thúc đàm phán song phương ; có đội ngũ đàm phán có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ - đã tiến hành 100 cuộc đàm phán song phương và 15 cuộc đàm phán đa phương đạt được mức đề ra và phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
* Xin cám ơn ông đã dành cho cuộc phỏng vấn này.
Theo TTXVN
Bình luận (0)