Đền bù cây trầm hương ngang giá... cây rừng!?

27/10/2006 23:03 GMT+7

Cây dó bầu (hay còn gọi là trầm hương), cây tóc là loài cây rất hiếm ở các vùng đất thấp đồng bằng sông Cửu Long. Ở vùng Bảy Núi, An Giang nhờ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi nên người dân mới mạnh dạn trồng trầm, còn các nơi khác ít ai mạo hiểm.

Cây trầm quý hiếm thế, nhưng khi nằm trong diện được bồi hoàn chỉ được áp giá vài chục ngàn đồng/cây khiến chủ vườn kêu trời, còn bên đền bù lại cho rằng giá cỡ đó là quá... ưu đãi bởi cây trầm cũng chỉ là loại cây rừng mà thôi (?).

Được biết, ngày 24.8.2004 ông Nguyễn Bá Xồi (ngụ ấp Thuận Tiến C, xã Thuận An, huyện Bình Minh, Vĩnh Long) đã hợp đồng với một công ty chuyên trồng dó bầu hương tại TP.HCM để trồng 1.000 cây trầm giống, thời điểm đó giá trầm giống 20.000đ/cây. Ông Xồi và công ty thỏa thuận rằng công ty hùn vốn 50%, ông bỏ vốn 50%, khi cây tới tuổi công ty sẽ xuống cấy trầm. Sau một thời gian chăm sóc chu đáo, vườn trầm nhà ông Xồi phát triển tốt và tỷ lệ hao hụt là 0%. Vào tháng 12.2005 khi các cây trầm đều cao trên 2,5m thì đột ngột ông Xồi được Ban giải phóng mặt bằng Bình Minh cho biết một phần đất trồng trầm hương bị rơi vào quy hoạch xây mạng lưới điện nông thôn. Như vậy 50 cây trầm gần 2 năm tuổi của ông Xồi phải phá bỏ và tiền bù giá một cây trầm là 80.000đ/cây, tổng chi phí bồi hoàn 50 cây trầm hương là 4 triệu đồng. Ông Xồi không chấp nhận vì cho rằng giá đền bù quá rẻ. Ông được một số cán bộ huyện trả lời do cây trầm là... cây rừng nên giá đền bù chỉ vậy. Ông Xồi không đồng ý và viện lẽ rằng cây trầm là loài cây quý, trồng khoảng 5 năm là có thể cấy trầm, nếu trồng tốt cây trầm đạt đường kính 1,5 tấc là có thể cấy sớm hơn. Một cây trầm thu hoạch lần đầu có thể thu lợi hàng triệu đồng, sau đó sẽ có lợi nhuận đều đặn mỗi năm. Một số cán bộ lại cho rằng xưa nay cây trầm mọc ở vùng cao, trên núi non mới cho trầm hương, còn trầm của ông là trầm dưới đất, cho dù cây có phát triển tốt nhưng tới ngày cấy chắc gì có trầm mà đòi đền bù cao (!).

Ông Xồi ấm ức: "Tôi tức mình tại sao trầm hương là cây  quý mà giá đền bù quá bèo, còn thua mấy cây ăn trái khác. Chẳng hạn cây nhãn đền bù đã là 500.000đ/cây, tui có đề nghị áp giá cây trầm bằng cây nhãn mà mấy ổng không chịu".

Ngày 17.7, trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Viên, Phó ban Bồi hoàn giải tỏa huyện Bình Minh cho biết: "Khi áp giá bồi hoàn, đụng tới vườn dó bầu hương của ông Xồi, ai cũng lúng túng vì không biết bồi hoàn theo giá nào, áp giá cây vườn thì không được mà tính vào cây  quý hiếm cũng không xong. Trước tình cảnh tréo ngoe này huyện đã báo cáo lên Sở Tài chính tỉnh thì được trả lời phân loại đền bù cây dó bầu hương thuộc loại cây rừng. Sở cho biết cây rừng đường kính từ 3 - 6 tấc mới được đền bù theo giá đó (80.000 đồng/cây) trong đó có phần tiền công chặt phá. 50 cây dó bầu hương của ông Xồi tuy được xếp loại là cây rừng nhưng đường kính chưa tới 2 tấc nên áp giá theo khung đó thì đã có ưu đãi. Nếu ông Xồi không chịu giá bồi hoàn như trên thì ông có quyền khiếu nại tới các ban ngành khác".

Vậy thì ông Xồi biết tính sao đây ?

Bài và ảnh: Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.