Cảnh sát New Mexico hồi giữa tháng này đã tấn công một bãi đậu rơ-moóc nhằm truy quét tội phạm ma túy. Sau khi bắt giữ một kẻ tình nghi buôn bán thuốc lắc, cảnh sát lục soát ngôi nhà làm từ chiếc rơ-moóc của người này và thu được một chiến lợi phẩm hết sức bất ngờ. Đó không phải là một bánh heroin hoặc những viên thuốc lắc đầy màu sắc mà là tài liệu có nguồn gốc từ Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos. Đáng chú ý hơn, đây có thể là loại tài liệu tuyệt mật.
Nhận thấy tính nghiêm trọng của vấn đề, cảnh sát lập tức thông báo với Cục điều tra liên bang (FBI). FBI liền lần theo dấu vết một phụ nữ có mối liên hệ gần gũi với nghi phạm bị bắt nói trên. Một quan chức FBI giấu tên cho biết người phụ nữ này là nhân viên của Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos. Theo vị quan chức, tài liệu trên được lưu dưới dạng một tập tin trong máy tính và "có vẻ chứa nội dung tuyệt mật". Bill Elwell, chuyên gia cao cấp của FBI tại văn phòng Albuquerque, New Mexico, nói rằng lệnh khám xét đã được ban hành. "Chúng tôi đang điều tra, nhưng chúng tôi có nguyên tắc là không bàn luận khi cuộc điều tra chưa kết thúc", Elwell nói.
Vụ việc xảy ra trong thời điểm những tranh cãi về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran còn nóng bỏng khiến người ta không khỏi lo ngại. Rất có thể những rò rỉ từ Los Alamos sẽ góp phần khiến tình trạng lan tràn công nghệ hạt nhân ngày càng nghiêm trọng. Người ta cũng lo ngại tài liệu mật có thể sẽ rơi vào tay khủng bố.
Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos nằm ở hạt Los Alamos, bang New Mexico, phía nam nước Mỹ. Cùng với Trung tâm Lawrence Livermore ở California, Los Alamos đảm trách việc phát triển vũ khí hạt nhân và an toàn hạt nhân của Mỹ. Phòng thí nghiệm Los Alamos là nơi đã cho ra đời 2 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi Thế chiến 2.
Đây không phải là lần đầu tiên Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos có vấn đề về an ninh. Vào năm 1999, cơ quan điều tra đã cáo buộc nhà khoa học Wen Ho Lee (Lý Văn Hòa), một người Mỹ gốc Đài Loan và là chuyên gia có tiếng của Los Alamos, đã chuyển tài liệu mật về vũ khí hạt nhân của Mỹ cho Trung Quốc. Lúc đó, cáo buộc chống lại Lee được coi là "hợp lý" bởi tình báo Mỹ tại Trung Quốc báo cáo rằng quốc gia châu Á đã biết rõ về đầu đạn W88 của Mỹ. Tuy nhiên, sau quá trình điều tra đầy trắc trở, cuối cùng ông Lee chỉ bị buộc tội tắc trách trong việc xử lý dữ liệu mật. Mới đây, Lee còn kiện ngược lại nhà chức trách và đã được bồi thường 1,6 triệu USD.
Năm 2004, Los Alamos còn trải qua một sự cố bàng hoàng nữa. Chính phủ Mỹ đã ra lệnh đóng cửa phòng thí nghiệm này sau khi bản kê khai cho thấy 2 đĩa vi tính chứa bí mật hạt nhân đã bị mất. Sau 1 năm điều tra, người ta kết luận rằng đây là sự nhầm lẫn vì trên thực tế hai đĩa máy tính nói trên không hề tồn tại. Dù thế, sự cố này cho thấy việc thống kê, phân loại và bảo mật tài liệu tại Los Alamos có nhiều kẽ hở. Sau những vụ việc đó, Bộ Năng lượng Mỹ đã triển khai chương trình 5 năm để tạo ra cơ sở dữ liệu không dùng đĩa vi tính tại Los Alamos nhằm ngăn chặn tài liệu mật chảy ra ngoài. Thế nhưng, tình trạng an ninh dường như vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Bà Danielle Brian, Giám đốc điều hành Dự án giám sát chính phủ, bình phẩm: "Chúng tôi đang hồi hộp chờ xem có điều gì thay đổi không. Có điều là khi một vài thứ có thể là tài liệu mật rơi vào tay bọn tội phạm, chắc chắn ai cũng lo". Hiện dù chưa có thông tin về mức độ "mật" của tài liệu mà cảnh sát tìm thấy ở nhà nghi can buôn ma túy, nhưng vụ việc này một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng an ninh tại các trung tâm vũ khí hạt nhân của cường quốc số 1 thế giới. (AP, Seattle Times)
Châu Minh Linh
Bình luận (0)