Vì sao sách lịch sử chưa thu hút người trẻ?

05/11/2006 21:29 GMT+7

Bạn có biết Chu Văn An là ai không?", "À… ờ, chắc là một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc?". Một bạn trẻ đã "hồn nhiên" trả lời như thế.

Ngoài các bài học lịch sử trong trường, kênh thông tin quan trọng đến bạn trẻ chính là sách. Trên thị trường sách hiện nay, sách lịch sử đang ở đâu? Có thu hút được những người trẻ không?

Nhiều nhưng vẫn thiếu

Có nhiều sách về lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử: sách danh nhân, sách lịch sử VN, sách lịch sử địa phương, sách lịch sử Đảng, Đoàn, sách về các địa điểm văn hóa lịch sử... với nhiều thể loại như: kể chuyện, hồi ký, truyện tranh, truyện có tranh minh họa,... Chỉ riêng NXB Trẻ (TP.HCM) đã có 250 đầu sách về lịch sử, NXB Kim Đồng cũng có một tủ sách chuyên về lịch sử: Tranh truyện lịch sử VN, Truyện hay sử Việt (liên kết với Công ty Phan Thị), hay tủ sách Danh nhân VN... Trong số này, đáng chú ý vì gần gũi với thiếu nhi nhất là bộ Truyện hay sử Việt, được thực hiện khá kỹ, in ấn trên giấy đẹp, màu sắc sinh động, nét vẽ tương đối mềm mại. Những câu chuyện trong bộ sách này phần lớn là dã sử được viết theo lối thắt nút mở nút khá hấp dẫn với trẻ em. 

Thế nhưng, hầu hết các đầu sách của các NXB đều na ná nhau: Cùng nói về danh nhân, lịch sử, cũng hỏi đáp... nhưng cách viết chưa thực sự hấp dẫn. Nhiều bạn trẻ cho rằng, khô khan như lịch sử đáng lý ra phải được "mềm hóa" bằng cách nào đó thì các nhà làm sách chưa thực hiện được. Cho nên, cũng khó trách người trẻ nếu họ thích đọc cái khác hơn những quyển lịch sử "dày cộp, khô như ngói".

Lỗ nhưng vẫn làm

Trao đổi với chúng tôi, đại diện các NXB có sách về lịch sử đều khẳng định mảng sách này hoặc phải bù lỗ hoặc chưa thu được lợi nhuận. Cụ thể, với Lịch sử Việt Nam bằng tranh, NXB Trẻ phải bù lỗ mỗi tập 10 triệu đồng. Đại diện NXB Kim Đồng thì cho biết tuy không bù lỗ nhưng vẫn chưa có lãi. Dù vậy, bà Quách Thu Nguyệt - Giám đốc NXB Trẻ, khẳng định: "Chúng tôi kiên trì đeo bám để đưa lịch sử đến với bạn đọc, đầu tiên là cho trường học và sau đó là cho quảng đại quần chúng. Không có lợi nhuận cũng làm". Đại diện NXB Kim Đồng, chi nhánh TP.HCM cũng khẳng định họ không nhắm đến lợi nhuận khi theo đuổi mảng sách lịch sử bởi vì số lượng bản in rất thấp, chi phí đầu tư cao mà bán lại rất chậm. Bà Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị cho biết: "Chúng tôi đầu tư cho bộ Truyện tranh sử Việt rất vất vả và không thể thu lợi nhuận nhiều như các truyện tranh đề tài khác. Nhưng vẫn cố gắng vì mong muốn trẻ em VN sẽ được học lịch sử VN một cách nhẹ nhàng, hấp dẫn".

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng dùng 50 triệu đồng tiền túi để hỗ trợ NXB Trẻ bắt đầu dự án Nam Bộ nhân vật chí. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cũng đóng góp nhiều tâm huyết vào nhiều đầu sách lịch sử. Theo bà Quách Thu Nguyệt thì Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất mong muốn đưa bộ Lịch sử VN bằng tranh vào sách giáo khoa để học sinh có thể được học lịch sử một cách hấp dẫn hơn.

Sách: có, nỗ lực của các NXB: có, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo: có. Nhưng tại sao sách chưa đến được rộng rãi bạn đọc? Câu trả lời cuối cùng quy tụ về hai vấn đề: một là chất lượng sách chưa đủ hấp dẫn bạn trẻ để có thể cạnh tranh cùng các phương tiện giải trí hấp dẫn khác, hai là việc tiếp thị sách lịch sử bằng nhiều hình thức đến bạn trẻ chưa được chú ý thực sự.

Học lịch sử bằng cải lương


Thanh Ngân trong vai Thái hậu Dương Vân Nga

Chuyện bắt đầu từ nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh. Tôi hỏi các em có biết Thái hậu Dương Vân Nga không? Lắc đầu. Hỏi có biết ông Trần Thủ Độ, bà Lý Chiêu Hoàng không? Ngờ ngợ... rồi cũng lắc đầu. Biết bà Võ Tắc Thiên không? "Dạ biết, dạ biết". Còn vua Càn Long? "Dạ biết". Vậy vua Càn Long có quan hệ gì với vua Gia Long không? "Thưa cô, đó là hai anh em". Trời! "Thưa cô, hình như đó là hai cha con". Bó tay!

Cuối cùng, hỏi các em có thích môn lịch sử không? "Dạ không". Đáp chắc nịch như 2 cộng 2 là 4.

Thế hệ chúng tôi thì khác. Chúng tôi học sử qua sách giáo khoa nhưng thật sự yêu môn sử qua một loại hình nghệ thuật đặc biệt là cải lương. Có những bài trong sách chưa dạy, mà chúng tôi đã thuộc lòng. Trên sân khấu cải lương có hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện lịch sử sinh động, xúc cảm trái tim người xem, để từ đó yêu môn sử, yêu đất nước. Cải lương chuyển tải biết bao tấm gương anh hùng liệt sĩ, biết bao tấm lòng trung kiên bất khuất, nhân tài chí sĩ, và vẽ lại những thời điểm oanh liệt lẫn đớn đau của đất nước. Từ Bà Trưng, Bà Triệu, Phùng Khắc Khoan, Ngô Thời Nhiệm, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Biểu, Hồ Quý Ly, Trần Bình Trọng... đến Hội nghị Diên Hồng toàn dân một lòng đánh giặc, hoặc bài thơ thần đánh tan quân Tống, trở thành tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước... Cải lương đã lẳng lặng truyền ngọn lửa yêu nước vào những trái tim, âm thầm đem cái mạch nguồn lịch sử chảy vào dân gian, cũng giản dị, ngọt ngào như dòng sông, con lạch nơi chốn ruộng đồng. Đôi khi ta vẫn thường đi qua dòng sông ấy, tắm mát trong nó, uống nước từ nó, nhưng vì nó quá gần gũi giản đơn nên ta không hề để tâm ghi nhận. Đến một ngày, nó không còn hiện diện, ta mới bàng hoàng. Cũng như đến một ngày, những trái tim khô cạn tình yêu lịch sử, ta mới giật mình. Thế hệ bây giờ, có được bao nhiêu em xem cải lương, trong khi kịch nói chỉ đề cập vấn đề hiện đại, còn ca nhạc thì nhồi cho các em những từ ngữ não tình, phim bộ thì phát sóng ngày đêm với lịch sử Trung Quốc, văn hóa Hàn Quốc và game online thì vẽ ra thế giới không tưởng.

Nói gì thì nói, người dân VN vẫn còn yêu sử Việt lắm, chỉ tại chúng ta chưa biết cách dạy môn sử trong nhà trường lẫn ngoài đời, khiến cho thế hệ trẻ khô cạn dần tình yêu lịch sử. Xin hãy thử quay về với cải lương, ví dụ, không cần dựng cả tuồng dài 2 tiếng đồng hồ, mà chỉ cần viết súc tích trong vòng 30-45 phút thành một trích đoạn là đủ chuyển tải một bài học lịch sử, không làm các em ngán ngẩm. Thí dụ, khán giả bây giờ chỉ cần xem trích đoạn Dương Vân Nga đã đủ hiểu giai đoạn lịch sử và nhân vật lúc ấy. Như thế để vừa giữ được hồn thiêng đất nước vừa giữ được một bộ môn nghệ thuật dân tộc.

H.K

Đừng trách người trẻ


Ảnh: Vinh Nguyễn

NSƯT Kim Xuân: "Khi tôi còn đi học, những bài học lịch sử luôn được chúng tôi quan tâm. Là công dân một nước, không thể không biết gì về lịch sử, cội nguồn dân tộc. Tình trạng "dân ta thiếu hiểu biết về sử ta" như hiện nay là thực trạng đáng buồn. Nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta -những người lớn, không nên trách cứ lớp trẻ mà hãy xem lại chính mình. Ngành giáo dục đã làm hết trách nhiệm để giới trẻ yêu lịch sử hay chưa? Những bài học lịch sử đã được làm cho sinh động, kích thích giới trẻ học hỏi chưa? Những quyển sách về lịch sử đủ hấp dẫn để cạnh tranh cùng phim ảnh hay chưa? Khi cuộc sống có quá nhiều phương tiện giải trí hay lôi kéo bạn trẻ thì chính người lớn chúng ta phải làm ra những sản phẩm văn hóa có giá trị và thực sự thu hút được bạn trẻ để các em yêu lịch sử chứ không nên nói suông mãi".

Em Nguyễn Bảo Minh Thư (ảnh), học sinh lớp 3 Trường FOSCO, đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP.HCM: "Con rất thích đọc truyện lịch sử. Con từng đọc về Hai Bà Trưng rồi. Con thấy truyện tranh về lịch sử rất hay. Con đang đọc bộ Truyện hay sử Việt. Con thích lắm. Nhưng mà con thấy truyện tranh lịch sử ít xìu à, con sợ đọc hết rồi không có cái đọc nữa".

Anh Nguyễn Công Tâm, nhà số 25C, cư xá Bà Điểm, Hóc Môn, TP.HCM: "Tôi cũng muốn mua sách lịch sử cho con gái học lớp 6 của mình đọc. Nhưng nhìn đi nhìn lại, thấy cuốn thì dày cộp, cuốn thì toàn tư liệu. Truyện tranh chỉ có vài ba bộ trong khi truyện tranh của Nhật và các nước rất nhiều, lại hấp dẫn hơn hẳn. Theo tôi, các nhà làm sách nên quan tâm nhiều hơn nữa đến mảng sách này. Vấn đề là làm thế nào để cho sách hấp dẫn, chứ không phải làm để theo chỉ tiêu".

Hạ Anh (ghi)

V.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.