Hai thế giới
Không nói chuyện được với chồng, bà H.M (ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phải tìm đến chuyên viên tư vấn để tâm sự: "Ông ấy nghi tôi đem tiền bạc về cho mẹ ruột, tôi nói gì ôngáấy cũng không nghe. Tôi có cảm giác như mình đang ở với người điếc". Sau đám cưới, bà cất tấm bằng ĐH Sư phạm, mở tiệm tạp hóa tại nhà. Ông chồng yên tâm đi làm vì đã có vợ ở nhà vừa trông con, vừa có việc làm. Ông giao cho vợ một khoản tiền khá lớn để làm vốn, khoán cho bà tự lo tiền chợ, tiền điện, nước...
Mấy tháng đầu, mọi việc có vẻ suôn sẻ. Nhưng cửa hàng ngày càng phình ra, bừa bộn hàng hóa, bà vợ phải tuyển thêm người bán. Tiền bán được phải chi ra để nhập hàng mới, vốn liếng lời lãi dần dần chôn hết vào số hàng tồn. Bà vợ xoay xở mượn tạm bạn bè, hàng xóm để chi xài cho các khoản trong nhà. Đến khi không còn ai cho mượn, bà mới nói với chồng. Ông không muốn nghe vợ trình bày, một mực cho rằng cửa hàng phong phú hàng hóa như vậy thì làm sao lỗ được. Trước một ông chồng "bịt tai", bà cũng dần... "câm nín".
Thương con gái vất vả, mẹ bà cho con một số tiền trả nợ, khuyên con gái thu gọn lại cửa hàng, chỉ mua bán một số mặtr hàng cho dễ quản lý. Nhưng cũng từ đó, hai vợ chồng chẳng khác gì hai người khách cùng trọ một nhà. Biết vợ có chỗ dựa từ mẹ ruột, ông chồng lại càng tin mình không nghi oan cho vợ, càng bỏ mặc vợ lo liệu các khoản thu chi trong nhà. Cũng như vợ, ông trở nên im lặng, về nhà khi đã mệt mỏi, lại càng không muốn nói, không muốn nghe. Bà vợ muốn ly hôn, nhưng lưỡng lự: "Tôi sợ các con khi khôn lớn sẽ trách mẹ, giận bố đã không đủ sức tạo ra một gia đình bình thường. Nhưng, ngay cả chuyện chia tay, tôi cũng không nói được với ông ấy".
Chị T.N (ở Q.Tân Bình, TP.HCM) thì không biết giải thích với con gái thế nào, khi con bé hỏi: "Sao ba chỉ thương con, mà không thương má?". Cô bé 9 tuổi chứng minh cho "nhận xét" của mình: "Tại con thấy ba chỉ kể chuyện với con, nghe con nói, cười với con, mua quà cho con... Còn với má thì ít lắm. Mà má cũng không nói với ba, không đòi ba dẫn đi chơi...". Nghe lời con mà chị chạnh lòng.
Không biết từ lúc nào, vì nguyên nhân gì mà vợ chồng chị bớt trò chuyện tự nhiên với nhau. Có lẽ từ ngày chị tập trung cho công ty với vai trò giám đốc, chồng chị vốn đã ít nói, lại càng kiệm lời. Nhiều khi bận công việc, chị gọi điện báo cho chồng, chưa nói hết lý do, anh đã cúp máy. Công việc nhà chị không quản nổi nên giao cho người giúp việc và đó cũng là người mà chị trò chuyện nhiều nhất khi về nhà. Nhiều khi muốn biết dạo này sức khỏe của chồng ra sao, ăn uống thế nào, chị cũng phải hỏi qua người giúp việc và cô con gái. Chị cố tìm cách nói chuyện với chồng, nhưng ông xã cứ như người... câm, chỉ ậm ừ, gật đầu, lắc đầu cho qua chuyện, rồi lảng đi chỗ khác. Chị không biết có phải anh tự ái, cho rằng mình thua vợ mà im lặng, hay vì giận vợ không còn thời gian chăm sóc gia đình, hay có điều gì khác... Nhưng, anh không nói, chị làm sao hiểu nổi?
Qua cuộc khảo sát về "bạo lực gia đình" của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội gần đây, trong 2.000 người tham gia từ 9 tỉnh thành, có 42% cho rằng nói nhiều, la mắng là một hình thức bạo lực tinh thần. 25% gia đình xảy ra loại bạo lực này, 1% có mực độ thường xuyên.
Đặc biệt, trong loại hình bạo lực này, đa số nạn nhân là... đàn ông. Nói cách khác, nếu các ông chồng dùng "tay chân" để trấn áp vợ con, thì vũ khí của các bà vợ thường là... âm thanh! Vì thế không ít ông chồng lâu ngày sinh "bệnh điếc" vì bị vợ "tra tấn".
Tòa án Q.Gò Vấp (TP.HCM) đang cố gắng hòa giải cho một cặp vợ chồng đã chung sống được gần 20 năm. Bà vợ đứng đơn, giận sôi ruột khi đọc được tin nhắn của chồng gửi cho cô bạn gái có nội dung: "Anh chỉ mong cho bà xã... khuất núi!". Bà ấm ức: "Nếu tôi không ly hôn, có ngày ông ấy cũng giết tôi".
Theo ông chồng trình bày, vợ ông một khi đã nói thì "không thể dừng lại được". Nhưng àần ông về nhà trễ, quên đón con, đưa tiền lương chậm... bà "ca" đến mức ông ù tai, nhưng p hải ráng chịu vì lỗi của ông. Rồi đến những chuyện giá điện, xăng, thịt cá... leo thang, bà cũng cằn nhằn đầy lỗ tai, như thể ông là người gây ra mọi sự. Ông thanh minh với tòa: "Lúc bực quá, tôi nhắn tin cho một cô bạn đồng nghiệp, chỉ là để trút bớt giận thôi. Vậy mà bà ấy "kiểm điểm" tôi suốt 3 tiếng đồng hồ".
Phòng "bệnh" cho nhau!
Những cặp vợ chồng "câm điếc" cứ như ở hai thế giới khác biệt, không gặp được nhau. Người gặp khó khăn khi định trình bày cho người kia hiểu thì lưỡi như bị một sợi dây trói buộc, khiến họ ngần ngại, né tránh. Nhiều bà vợ, ông chồng đã hóa "câm" vì từng trải qua những kinh nghiệm đau đớn: càng giãi bày, họ càng bị người bạn đời châm chọc, bị khinh miệt, bị khước từ... làm họ mất tự tin, trở nên khép kín. Cũng có những đe dọa ám ảnh từ người bạn đời làm họ câm nín, lặng lẽ.
Nếu "câm" làm chẳng ai hiểu "người bệnh", thì "điếc" làm họ chẳng hiểu ai. Cũng đôi lúc họ chịu nghe người kia nói, nhưng lại hiểu dưới cái nhìn chủ quan của mình. Như vậy là vẫn chưa hiểu được điều người vợ (chồng) mình muốn nói. Bởi nghe bằng tai thôi, không đủ. Cần lắng nghe bằng cả trái tim. Chỉ có trái tim yêu thương mới giúp người ta hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu hết những ý nghĩa phía sau lớp vỏ ngôn từ.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thủy, giảng viên khoa Tâm lý Trường CĐ Sư phạm TP.HCM, các ông chồng, bà vợ hãy tự mình thoát ra khỏi những thành kiến, hẹp hòi, những hoài nghe, mặc cảm để được nghe, được nói. Các bà vợ phải có ý thức "bảo vệ" cái tai của chồng, đừng chống chế kiểu "không nói không được". Vấn đề đặt ra là phải nói đúng lúc, đúng nơi, đúng chuyện. Nhưng thông tin đưa đến tai ông chồng cần được chọn lọc, kiểm soát và phải mới mẻ. Các bà vợ được ví như "đài phát thanh", nếu chỉ toàn chuyện nhàm chán, dài dòng,cũ kỹ mà lại cứ "phát" say sưa thì chắc chắn các ông sẽ tìm cách "tắt đài" hoặc giả vờ "lãng tai", chuyển dần sang "điếc".
Các bà vợ cũng có lý của mình: "Trong gia đình, toàn chuyện cơm áo gạo tiền, có gì mà hấp dẫn, mới mẻ!". Đó là cái khó, là thử thách mà các bà phải vươt qua, phải học cách "nói ngọt, lọt đến xương" để các ông chồng "ghiền" nghe vợ nói. So với các ông, các bà ít nguy cơ bị "điếc", bởi đàn bà vốn "yêu bằng tai". Hơn nữa, vì các ông chồng vốn cũng ít nói, nên các bà luôn có nhu cầu nghe... thêm. Nếu các bà vợ phòng cho chồng được bệnh "điếc", là đồng thời cũng chống được cả bệnh "câm".
Muốn các ông chồng không sa vào hiện tượng "hết chuyện nói", các bà vợ cần tạo ra nguồn cảm hứng. Điều các ông ngại nhất là khi đã nói ra "chuyện lớn", lại đụng phải nhận định "vậy mà cũng quan trọng" của vợ. Lắng nghe đã khó, khó hơn còn là cách cư xử, thái độ, nhận xét sau khi nghe.
Việc phòng chống bệnh "câm điếc" trong gia đình còn là nhiệm vụ hằng ngày của các ông chồng. Ông Trần Trung Can, cán bộ hưu trí ở P.7, Q.Gò Vấp, hay nói vui lúc gặp mặt anh em: "Tôi nói bấy nhiêu thôi, để dành sức về nhà nói với bà xã". Kinh nghiệm nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình của ông là "nói cho nhau nghe và nghe nhau nói". Ông tâm sự: "Vợ tôi không phải người hoàn hảo, có lúc cũng nói nhiều, vụng về trong cách cư xử, nhưng nếu tôi "câm điếc" cho qua, thì tôi cũng có lỗi. Sự góp ý chân thành, xây dựng của tôi đã giúp cho vợ tôi biết tự điều chỉnh, thay đổi. Bây giờ không cần nói cũng hiểu nhau, nhưng khi đi đâu xa, không nói với vợ, không nghe vợ nói, tôi lại thấy... khó ngủ".
Theo Trường Sơn/Báo Phụ nữ TP.HCM
Bình luận (0)