Đầu tư gặp khó vì chậm quy hoạch

08/11/2006 16:13 GMT+7

Cơn sốt thuê văn phòng, nhà ở cao cấp trên địa bàn TP HCM đang tăng nhiệt từng ngày. Thế nhưng, tiến độ thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này chậm vì thiếu vốn, thiếu quy hoạch.

Với vị trí hấp dẫn ngay trung tâm TP, dự án xây mới Thương xá Tax của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SARTRA) đang trở thành tầm ngắm của các chủ đầu tư nước ngoài muốn liên doanh. Thế nhưng đến nay SARTRA vẫn chưa chính thức chọn đối tác nào. Một số vị trí được coi là hấp dẫn ở ngay trung tâm TP như khách sạn Eden của Saigon Tourist (đường Lê Thánh Tôn quận 1), khu Park Hyatt Đông Du và khu tứ giác Bến Thành gồm Công viên 23/9, Bệnh viện Sài Gòn... cũng được các nhà đầu tư nước ngoài “nhòm ngó”.

Hiện ở khu vực trung tâm TP HCM có khoảng 10 dự án đang có kế hoạch mời gọi liên doanh, đầu tư nước ngoài. Các dự án này chủ yếu đầu tư xây dựng các khu phức hợp, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, khách sạn, nhà hàng... Thời gian gần đây thị trường tiềm năng này vốn đã nóng nay càng thêm tăng nhiệt bởi sự có mặt của nhiều tập đoàn, công ty địa ốc có tên tuổi của nước ngoài.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm đến khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), chỉ tính từ đầu năm đến nay HoREA đã đón tiếp trên 20 đoàn doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản từ Hàn Quốc, Mỹ, Australia, Trung Quốc, Singapore, Hong Kong, Đài Loan... đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tháng 4 vừa qua, Quỹ đầu tư Indochina Capital và đại diện 30 doanh nghiệp nước ngoài đã tiếp xúc với lãnh đạo UBND TP HCM để tìm hiểu chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực bất động sản và quy hoạch...

Ông Phạm Văn Thân, Trưởng phòng Hợp tác Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM) nhận định: "Tuy các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm cơ hội đầu tư, khai thác lĩnh vực này khá nhộn nhịp nhưng đến giờ này Sở vẫn chưa nhận được hồ sơ xin cấp giấy phép nào và cũng chưa có giấy phép nào được cấp cho nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực được coi là “nóng” này. Nguyên nhân là do các điểm mà họ nhắm đến đều có vị trí đẹp, ngay trung tâm. Và do giá đất ở những vị trí “đắc địa” này quá cao nên họ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư".

Chậm quy hoạch, thiệt hại lớn

Chỉ riêng tại khu vực trung tâm TP hiện nay có trên 60 cao ốc văn phòng cho thuê (chưa kể những tòa nhà dưới 15 tầng). Thế nhưng nhu cầu thuê cao ốc, văn phòng dạng cao cấp này luôn trong tình trạng “sốt”.

Muốn đặt văn phòng tại các tòa nhà hiện đại này khách hàng phải đặt trước từ 6 tháng đến 1 năm để giành chỗ. Dự báo trong thời gian tới ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ đổ bộ vào TP và nhu cầu thuê cao ốc, văn phòng của các công ty đa quốc gia, tập đoàn nước ngoài sẽ tăng vọt. Để khai thác thị phần tiềm năng này, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đưa ra nhiều dự án.

Thế nhưng đến thời điểm này, trên địa bàn TP HCM mới có 2 dự án có tầm cỡ được triển khai xây dựng là dự án Trung tâm Văn phòng Thương mại và dịch vụ tài chính (The Financial Tower) được xây dựng tại trung tâm quận 1 với diện tích gần 6.000 m2, chủ đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco).

Dự án thứ 2 là khu phức hợp cao ốc văn phòng, căn hộ, khách sạn Kumho Asiana Plaza (100% vốn nước ngoài) trên khuôn viên đất 13.632m2, với tổng vốn đầu tư 223 triệu USD vừa được khởi công ngày 25/10.

Việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chi tiết trung tâm TP HCM là đòi hỏi bức thiết. Gần đây nhất với vụ việc gây nhiều tranh cãi và vẫn chưa có đoạn kết có nên xây dựng tòa cao ốc cao 54 tầng tại Công viên 23/9, cho thấy việc triển khai quy hoạch ở khu vực trung tâm TP quá chậm.

Cuối năm 2004, UBNDTP đã có chủ trương mời tư vấn nước ngoài tham gia thiết kế đô thị nhưng cho đến nay vẫn chưa đàm phán được với nhà tư vấn nào. Mới đây UBNDTP giao nhiệm vụ cho Sở Quy hoạch Kiến trúc TP lập kế hoạch, làm rõ diện tích quy hoạch chỉnh trang khu trung tâm TP và đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị ở khu vực này.

Hiện Sở đang chuẩn bị trình UBNDTP về các phương án đấu thầu để lựa chọn nhà tư vấn. Như vậy, nhanh lắm thì 2 năm nữa TP HCM mới biết rõ khu vực nào được xây bao nhiêu tầng, chức năng gì... Rõ ràng sự chậm trễ này sẽ dẫn đến những thiệt hại khó có thể tính toán hết được về mặt kinh tế.

(Theo Báo SGGP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.