Đoàn công tác xã hội BáoThanh Niên: Đến với những miền xa

10/11/2006 22:55 GMT+7

Liên tục trong các ngày từ 5 đến 9.11, đoàn công tác xã hội Báo Thanh Niên đã có mặt tại những vùng quê nghèo của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh... tiếp tục chia sẻ với người dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả cơn bão Xangsane. Tổng số tiền - hàng đợt cứu trợ này gần 500 triệu đồng.

Quảng Bình - Ngư Thủy ấm áp tình người

Ngày 7.11, tại Quảng Bình, đoàn công tác xã hội Báo Thanh Niên phối hợp với Hội LHTN tỉnh Quảng Bình đã đến xã Ngư Thủy Trung (huyện Lệ Thủy) để trao quà cho người dân nghèo 3 xã Ngư Thủy Bắc, Trung và Nam. Vùng quê nghèo ven biển từng nổi danh với đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng, bây giờ đã có phần thay da đổi thịt. Tuy vậy, đời sống của người dân cả 3 xã vẫn còn rất nghèo, đa số thanh niên đều đi làm thuê (lái bạn) cho ngư dân các tỉnh thành hoặc vào Nam tìm việc, tại địa phương chỉ còn lại phụ nữ, người già và hầu hết là thương bệnh binh. Nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào sau cơn bão Xangsane, 100 phần quà bằng tiền mặt (mỗi suất 500.000 đồng) đã được trao cho 100 hộ khó khăn, có nhà cửa bị hư hại do cơn bão của cả 3 xã Ngư Thủy và 91 bộ soong nồi Happy Cook cùng với những chai dầu gió của Công ty dược T.Ư 25 đã được trao cho 91 chị, nguyên là chiến sĩ trong đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng.


Bản Cà Chuông đổ nát sau lũ - Ảnh: VPMT

Trong hai ngày 6 và 7.11, đoàn công tác xã hội Báo Thanh Niên đã trao 200 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng), tổng giá trị 100 triệu đồng, cùng 100 bộ soong nồi , hàng trăm chai dầu gió cho đồng bào Lệ Thủy, Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Minh Hóa và 6 bộ thí nghiệm vật lý và hóa học (mỗi bộ 600.000 đồng) cho Trường THCS Hải Ninh (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh).

Quảng Trị - Về với những miền xa

Dấu vết tàn phá của cơn bão Xangsane vẫn còn hằn nguyên trong ngôi nhà quạnh quẽ của cụ bà Nguyễn Thị Vân, 70 tuổi, nằm ở cuối thôn Thượng Nguyên, xã Hải Lâm, Hải Lăng. Nhận món quà 2,5 triệu đồng cứu trợ của bạn đọc Báo Thanh Niên, bà không sao cầm được nước mắt. Toàn huyện Hải Lăng có trên 800 ngôi nhà bị xiêu vẹo, tốc mái, 12 nhà bị sập đổ hoàn toàn. Chia sẻ với những khó khăn của người dân vùng bão lũ, đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên đã đến 12 gia đình bị sập nhà nằm rải rác tại 10 xã để trao tặng mỗi nhà 2,5 triệu đồng.

Cũng với số tiền cứu trợ 30 triệu đồng, nhưng tại huyện Gio Linh, lãnh đạo huyện lại đề xuất san sẻ cho... 60 hộ gia đình vì "thiên tai đã không chừa bất kể ai" trên cái dải đất dọc ven biển này. Số tiền cứu trợ của Báo Thanh Niên tuy không lớn nhưng đã làm vơi đi phần nào khó khăn của bà con trong những ngày giáp hạt.

Vượt gần 100 km qua dãy Giăng Màn và những đường đèo quanh co của đường Hồ Chí Minh trong cơn mưa rừng tầm tã chúng tôi mới đến được bản Cà Chuông, thôn Tân Đi 3, xã A Vao, huyện Đakrông. Bản có 18 nóc nhà nhưng trận lũ quét kèm cơn bão đã làm trôi 6 nhà khiến 42 người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Giờ đây chỉ với hai bàn tay trắng, họ đã phải bắt tay làm lại từ đầu. Sau khi nước rút chính quyền huyện Đakrông đã di chuyển toàn bộ những ngôi nhà bên suối lên vùng đất cao hơn. Riêng 6 hộ gia đình bị trôi nhà, huyện đã đầu tư mỗi hộ 8 triệu đồng để làm lại nhà mới, nhưng cũng chỉ làm được khung nhà và mua tấm lợp. Với số tiền cứu trợ 40 triệu đồng của bạn đọc Báo Thanh Niên, mỗi hộ được hỗ trợ thêm 6 triệu đồng và như vậy những ngôi nhà của bà con sẽ được ấm áp hơn trong những ngày mưa gió. Nhân dịp này, theo đề nghị của địa phương, đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên cũng đã hỗ trợ mỗi hộ 500 ngàn đồng để giải quyết khó khăn cấp thời. Riêng chị Căn Kalai, 31 tuổi, chồng mất sớm, một mình nuôi 4 con dại đã được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng.

Quảng Nam - Tây Giang tràn ngập niềm vui

Sau chuyến cứu trợ đầu tiên tại huyện miền núi Tây Giang trị giá 120 triệu đồng gồm tiền - hàng, trong hai ngày 7 - 9.11, đoàn cứu trợ của Báo Thanh Niên phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Nam đã lên lại Tây Giang để chuyển đến tận tay bà con 500 suất quà trị giá 150 triệu đồng. Cùng với đợt cứu trợ lần thứ 2 Báo Thanh Niên, Tỉnh đoàn Quảng Nam cũng đã trao tặng 1.000 chiếc xe đạp tân trang đến tay các em học sinh tại các xã vùng cao của huyện Tây Giang.

Hà Tĩnh và các huyện miền núi Hà Tĩnh

Ngày 8.11, một đoàn công tác xã hội khác của Báo Thanh Niên cũng đã đến Hà Tĩnh. Mưa gió đã làm cho nhiều nhà dân ở các huyện miền tây Hà Tĩnh bị sập, hư hỏng, tài sản bị nước cuốn trôi. Có 14 người đã chết. Tang thương lần nữa quét qua vùng đất nghèo khó. Chúng tôi xuất phát từ thị xã Hà Tĩnh thật sớm để kịp đi hết 5 huyện chịu nhiều thiệt hại lớn. Cũng như những trường hợp không may khác, anh Phan Châu Bằng (huyện Hương Khê) ra đi để lại người vợ trẻ với 3 đứa con thơ, khó khăn chồng chất. Nước mắt rưng rưng, chị Nga - vợ của anh Bằng nghẹn ngào nói: "Người dân nghèo chúng tôi vô cùng cảm kích trước tấm lòng của Báo Thanh Niên, mọi người đã không ngại đường xa cách trở lên đây với bà con. Thiệt không có chi quý hơn. Số tiền 3 triệu ni tui sẽ cất lại để mua sách vở cho mấy đứa đi học". Chúng tôi thấu hiểu được nỗi đau trên những vành tang trắng quấn lên mái tóc người mẹ, người vợ. Huyện Thạch Hà, ngày 3.10, nước lũ đã cuốn trôi 3 người con gái đang tuổi trăng tròn cùng đi trên một chiếc thuyền. 37 ngày sau, 3 người cha của họ phải quay mặt giấu những giọt nước mắt lăn dài trên má khi lên nhận quà cứu trợ. Ông Ngô Văn Hỵ (71 tuổi, ở huyện Hương Khê) mất một người con trai 33 tuổi xúc động nói: "Cảm ơn Báo Thanh Niên nhiều lắm, coi ti vi biết sau cơn bão vừa rồi người của báo đi cứu trợ rất nhiều. Đợt lũ quét năm 2002, Báo Thanh Niên cũng mang tiền và quà lên cho bà con ở đây, bà con nhớ rõ lắm!".

Tiền hàng của bạn đọc đóng góp được trao tận tay người dân nghèo, đó là nguồn động viên lớn làm vơi đi nỗi đau vùng bão.

Nguyễn Thế Thịnh - Trương Điện Thắng - Hoàng Đức - Bùi Ngọc Long - Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.