Nghề "mạo hiểm"

11/11/2006 15:11 GMT+7

Khăn gói đến vùng rừng núi xa xôi, lấy thân mình làm "mồi nhử" các loài muỗi độc gây bệnh sốt rét hay sốt xuất huyết… Hay khác một chút là lơ lửng trên cao đối mặt với nắng gió, bám vào những ô kính tòa nhà cao tầng không khác chi "người nhện". Có bao giờ bạn tự hỏi đó là những nghề gì mà phải mạo hiểm đến thế?

Biệt đội "săn bắt muỗi"

Tên gọi mang hơi hướng phim hành động ấy được dùng để gọi vui những anh, chị đang làm việc tại khoa Côn trùng, thuộc Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng TP.HCM khi thường xuyên khăn gói đến vùng sâu, vùng xa từ Lâm Đồng đến Cà Mau để "săn" muỗi phục vụ cho công việc. Trung bình mỗi chuyến đi kéo dài cả tuần với ê-kíp từ 5-6 người, đôi khi có thể lâu hơn, chừng vài tháng. Mỗi lần như thế, các thành viên trong nhóm phải thay phiên nhau ngồi bất động hàng giờ liền và đưa chân trần ra để "dụ" muỗi độc đến chích. Khi chúng đang "say" máu thì dùng ống nghiệm bắt lấy từng con. Cứ thế họ ngồi suốt từ 18h chiều nay đến 6h sáng mai và chỉ nghỉ đúng 15 phút sau 45 phút "ngồi đồng" để... gãi ngứa.

"Cực nhất là ca từ 24h đêm đến 3h sáng vì đó là thời điểm cơ thể đã mỏi mệt mà vẫn phải canh me bắt muỗi. Chưa kể còn bị côn trùng khác chui vào tóc, tai, cổ cắn tới tấp, rất khó chịu; bị kiến bọ nhọt hay bù mắt cắn mới hãi, xót và nhức lắm!", anh Dần, một tay "săn bắt muỗi" khá kỳ cựu của đội thổ lộ. Rồi anh chỉ sang Tấn Kiệt - thành viên khá trẻ của nhóm từng là nạn nhân của bù mắt. "Lần đó xuống Bạc Liêu, ngoài muỗi còn bị bù mắt cắn, càng gãi càng nổi mẩn, lại rửa bằng nước phèn nên sau đó chân sưng đỏ. Về nhà mẹ thấy con trai lần đầu đi công tác thê thảm quá nên xót, suýt nữa bắt mình chọn nghề khác", anh chàng nhớ lại. Ấy vậy đến giờ Kiệt đã có gần 8 năm gắn bó với những chuyến đi. Trong khi theo lời chị Long - một trong những thành viên trụ cột thì: "Ngại nhất là những hôm trời lạnh, chân tê buốt nhấc không nổi nhưng vẫn phải chịu trận để đảm bảo tính chính xác cho số liệu".

Cũng do dùng phương pháp "mồi người" trong những lần đi "săn" nên nhiều thành viên trong đội đều nếm mùi sốt rét, trong đó có người sốt đến 4 lần. Có lần đi Đồng Xoài (Bình Phước) cả nhóm trở về lần lượt phải dùng thuốc cắt cơn vì bị "dính" ký sinh trùng, có thành viên suýt chuyển sang sốt rét ác tính. Thế nhưng khi được hỏi vì sao vẫn dùng phương pháp này dù biết mạo hiểm, những tay "săn bắt muỗi" không ngần ngại trả lời: "Mồi người" là cách chính xác hơn cả để đánh giá mật độ và tính thích đốt người (ái tính) của muỗi vì đã thử một số phương pháp khác như: bẫy người (mùng hai lớp, người nằm bên trong); bẫy đèn... nhưng hiệu quả không cao bằng". Dễ thấy nhất là những lần đi "săn" tận Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, chỉ sau 1 đêm, nhóm "mồi người" có thể tóm hơn 300 con muỗi để định loại, phẫu thuật... Một điều thú vị là thành viên nào cũng thuộc nằm lòng tên các loại muỗi hơn cả tên... người quen và chỉ cần liếc mắt là có thể phân biệt muỗi đực hay... cái.

Cứ ngỡ đồng lương khiêm tốn cộng với những gian nan, vất vả sẽ làm sờn lòng các thành viên, nhưng khá bất ngờ khi họ lại nhìn nghề bằng con mắt lạc quan. "Đôi lúc cực thật đấy, nhưng bù lại có cơ hội đi đến nhiều vùng đất khác nhau - xem như một hình thức du lịch sinh thái - văn hóa không mất tiền, vừa có cơ hội tích lũy thêm nhiều kiến thức, nhất là có dịp đến những vùng có đồng bào dân tộc", cô cử nhân vừa "chập chững" vào nghề Thảo Hiền cười bộc bạch. Còn chị Long thì đùa: "Mỗi chuyến đi là cơ hội thắt chặt "tình thương mến thương", mọi người đều chung sức và giúp đỡ nhau hết lòng".

"Người nhện" trên không

Ngước mắt lên tầng thứ 18 của tòa nhà Saigon Tower vào một buổi trưa, bắt gặp 3 dáng người đang đu dây, bám theo những khung kính lấp loáng chẳng khác gì nhân vật "người nhện" trong phim của Hollywood. Hỏi ra mới biết đó là nhân viên thuộc đội leo của Công ty HB đang làm công việc định kỳ: vệ sinh cho các cao ốc. Giữa cái nắng chói chang, gió quạt rần rật, 3 "người nhện" ngồi trên tấm ván nhỏ được gắn những sợi dây cố định an toàn đang cẩn thận đeo bám và di chuyển từ từ theo các line kính trên cao để lau thật sạch từng ô kính nhỏ, kèm theo sơn chống thấm...

Sau gần 3 giờ đồng hồ, tranh thủ thời gian giải lao, mới bắt chuyện được với những "người nhện" này. Anh Nhựt, trước đây làm thợ mộc mới chuyển sang làm "người nhện" gần năm nay cho biết: "Phải vượt qua được áp lực tâm lý khi ở độ cao chót vót, rồi mới bắt tay làm việc được. Ban đầu ai cũng được huấn luyện và tập leo như nhau, nhưng khi ra thực địa chỉ cần vài ngày là biết ngay có theo nổi hay không". Rồi anh nhắc đến anh chàng tên Q. ở Q.7 (TP.HCM) vừa xin leo được một buổi thì chiều hôm sau đã rút lui vì "khớp", trong khi anh chàng tên Sơn sau vài buổi "thử thần kinh thép" đã có thể làm "người nhện" ngon ơ. Có "người nhện" cao niên như anh Dũng đã gắn bó với nghề 8 năm nên "không còn cảm giác sợ, nhưng lúc nào cũng phải giữ tâm lý ổn định".

Những "người nhện" đang treo mình trên không tại cao ốc Saigon Tower. Ảnh: Đức Minh

"Ngoài leo trèo làm vệ sinh, còn phải làm thêm những công việc không tên khác ở trên cao nên coi vậy cũng vất vả lắm! Nhiều khi vào đợt cao điểm còn phải tranh thủ làm từ 1-2h sáng đến lúc mặt trời mọc mới xong việc", một "người nhện" khác chêm vào. Có một điểm chung dễ bắt gặp giữa những "người nhện" là họ rất kiệm lời và chỉ lầm lũi làm việc - một công việc tuy nhỏ bé nhưng góp phần làm nên vẻ sang trọng, hào nhoáng cho các cao ốc. Khi được hỏi vì sao lại chọn cảm giác chông chênh mà không chọn một nghề nào đó có độ an toàn cao hơn, những "người nhện" chỉ trầm ngâm. Tuy nhiên đằng sau vẻ trầm ngâm ấy là cả nỗi niềm - đó là nỗi niềm vì cuộc mưu sinh phải chấp nhận những "mạo hiểm" của nghề, là mong ước thu nhập từ nghề sẽ đảm bảo một cuộc sống tốt hơn vào một ngày không xa...

Nhật Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.