Từ oshin nhà riêng...
Đa phần oshin dạng này có độ tuổi từ 35 đến 45, gia đình tại TP.HCM. Cô Huỳnh Nga (43 tuổi, Q.3) làm nghề này được hơn 1 năm, tiết lộ: “Tôi đang làm cho 4 nhà, mỗi nhà 3 tiếng, xong nhà này thì chạy sang nhà khác, thu nhập được gần 2 triệu đồng/tháng, cao hơn làm “chết” cho một nhà”.
Do công việc không chiếm nhiều thời gian mà cũng chẳng nặng nhọc mấy, nhiều sinh viên cũng chọn nghề này. Hồng - SV năm 2 trường ĐH KHTN - “chạy sô” được hai nhà, cho biết: một nhà, tuần làm 3 ngày, mỗi ngày 2 giờ, tiền công 300.000đ/tháng. “Công việc không khó, giống như ở nhà… giúp mẹ nấu cơm”. Có hôm hai gia đình yêu cầu đến làm cùng một giờ, Hồng viện bị kiểm tra học kỳ để hoãn lại. Lợi thế của “oshin sinh viên” là trẻ, khỏe, năng động lại có học thức nên được nhiều chủ tin cậy.
Tìm hiểu, được biết bây giờ nhiều oshin làm “chết” một nhà cũng… chạy sô. Để có thêm tiền phụ cha mẹ nuôi 5 đứa em đang tuổi ăn, tuổi lớn ở quê, Quyên (quê Sóc Trăng, đang làm tại Q.3) tranh thủ thời gian để làm thêm vào mỗi tối khi đã làm xong việc chủ giao: nhận giặt quần áo cho những người trong khu phố. Em nói: “Ban đầu bà chủ biết được không cho làm, nhưng khi nghe hoàn cảnh gia đình, bà thông cảm”. Mỗi tối phụ việc cho 2 nhà, Quyên kiếm được 20 - 30 ngàn đồng, gom góp gởi về quê.
Đến oshin bệnh viện
Hiện nay, oshin không chỉ nghề giúp việc nhà mà còn “lấn sân” vào các cơ quan, cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp, khu công nghiệp, bệnh viện, siêu thị, trường học… Với tên gọi công nhân vệ sinh công nghiệp, họ làm việc theo nhóm, có đồng phục hẳn hoi, được công ty bảo lãnh sau một khóa đào tạo ngắn hạn. “Do được đào tạo, hướng dẫn nên tôi nắm bắt công việc khá nhanh, làm việc dễ dàng. Ngoài giờ làm ở đây tôi còn giúp việc theo giờ cho những gia đình trong xóm”, chị Châu (làm việc tại BV Chợ Rẫy) tiết lộ. |
Vào viện thăm, bên anh lúc nào cũng có một thanh niên chừng trên 30 tuổi săn sóc tận tình. Anh chàng suốt ngày luôn tay từ giặt giũ, bón cháo, sữa… đến việc dìu người bạn già đi tắm rửa vệ sinh…
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, anh nói: “Cậu Hòa là bạn đồng đường của tôi ở đây. Mỗi lần phải nhập viện, vợ tôi gọi điện thoại gọi anh vào giúp...”. Mỗi ngày, Hòa được trả 50 ngàn đồng, phục vụ 24/24, ăn uống tại chỗ. Hòa làm oshin bệnh viện đã hơn 3 năm. Khoảng 7 năm về trước, trong một lần mẹ Hòa lên thăm người bệnh tại đây, có cụ già không người chăm sóc và có nhu cầu thuê người phục vụ. Mẹ Hòa ở lại bệnh viện luôn và tiếp theo 2 người dì cũng khăn gói từ quê lên tiếp tục bằng nghề chăm sóc người bệnh. Gia đình Hòa có 4 cha con đều nhận phục vụ bệnh nhân ở khoa này. Em trai Hòa chăm một bệnh nhân chuyển vào từ Phú Yên. Vợ Hòa - chị Hà cũng gửi con dưới quê, lên chăm cụ già 76 tuổi bị tai biến.
Ông Dương Văn Tính, cha của Hòa nhận săn sóc một bệnh nhân tim mạch, công việc có phần nhẹ nhàng hơn. Chỉ riêng xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre có trên 40 người theo nghề oshin ở nhiều bệnh viện trong TP. Cả huyện Thạnh Phú, Bến Tre, con số những lao động trẻ theo nghề này là 149 người.
Thông thường người nhà bệnh nhân “hợp đồng” với oshin chăm sóc bệnh theo tuần. Tùy theo từng trường hợp nặng nhẹ, giá cả cũng khác nhau. Mỗi tháng, người thấp nhất cũng nhận được khoảng 1,2 triệu đồng. Đối với những bệnh nhân nặng, vất vả hôm sớm, khoản bồi dưỡng có khi trên 2 triệu đồng/tháng.
“Điều đầu tiên đặt chân vào nghề này là phải có tâm và phải có… điện thoại di động”, Hòa nói. Năm ngoái, người bà con với Hòa cũng lên TP theo nghề này nhưng chỉ được một ngày là về quê… chấp nhận làm ruộng. Cậu ta chăm sóc cụ già 72 tuổi bị bệnh phổi. Đang đút cơm thì cụ ho, cơm nước bắn cả vào mặt… Vậy là cậu ấy xin kết thúc hợp đồng!
Nghịch lý
Khó khăn nhất của người tuyển dụng là khó tìm được oshin thạo việc. Trong vai người đi tìm người giúp việc nhà, mấy ngày liền tôi bỏ công đến các trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) đề nghị giúp tìm người làm.
Ở nhiều nơi tôi đến đều nhận một cái hẹn không chắc chắn hoặc cái lắc đầu. Chị Ngô Bích Phượng, Trưởng phòng tư vấn tuyển dụng TTGTVL Vinhimpich cho biết: Phần lớn lao động từ các tỉnh đến TP.HCM đều tìm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, ít ai chọn nghề oshin vì nghĩ đây là nghề thấp kém trong xã hội.
Nhiều gia đình trả lương cao hơn lương công nhân nhưng vẫn không tìm ra người. Mỗi ngày có hàng chục nhu cầu nhờ trung tâm giới thiệu người giúp việc nhà nhưng trung tâm không dám nhận vì không có lao động đáp ứng. Trên thực tế, số người thất nghiệp khá nhiều nhưng tìm lao động loại này không ra, cầu lớn nhưng không đủ cung.
Tại TTGTVL Khang Phú Hưng (1063D đường 3-2, Q11, TP.HCM) hàng ngày có hàng chục người có nhu cầu tìm oshin đến đặt vấn đề. Chị Hồng (quận 1), sau hơn nửa ngày “ngồi đồng” tại đây vẫn chưa tìm được một oshin ưng ý. Chị cho biết “sáng giờ đã gặp 5 người nhưng không chọn được ai do họ không biết chăm sóc em bé”. Theo ông Tô Hồng Sơn, nhu cầu tìm oshin nhiều nhưng nơi đây chỉ đáp ứng được một nửa. Trung tâm có chi nhánh tại 8 tỉnh miền Tây, trực tiếp tuyển lao động và đưa về TP.HCM làm việc nhưng vẫn không đáp ứng đủ.
Thực tế, lao động giúp việc nhà đa phần xuất thân từ các vùng quê, lại không được đào tạo nên việc thích nghi môi trường mới rất khó khăn. Một số người khác do không biết sử dụng các thiết bị hiện đại hoặc không biết cách chăm sóc em bé, người già… nên khó khăn khi làm việc, nếu không muốn nói là làm chủ nhà nhiều phen lao đao.
Theo Thái Phương - Lê Phong/Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)