Quan hệ Việt - Nhật bước sang giai đoạn đối tác chiến lược

19/11/2006 23:29 GMT+7

Chiều 19.11, ngay sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ở thăm chính thức Việt Nam sau khi dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14 tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Shinzo Abe lần đầu tiên sang thăm chính thức Việt Nam sau khi nhậm chức tháng 9.2006. Chuyến thăm Việt Nam lần này là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt - Nhật đã bước sang giai đoạn mới - giai đoạn đối tác chiến lược, thể hiện sự quan tâm và mong muốn của Chính phủ Nhật Bản phát triển quan hệ hơn nữa với Việt Nam.

Hai thủ tướng đã trao đổi ý kiến về quan hệ song phương và một số vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Hai bên dành nhiều thời gian trao đổi ý kiến về các biện pháp cụ thể nhằm triển khai các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lại chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt với Nhật Bản là một ưu tiên hàng đầu; đánh giá cao và cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã ủng hộ tích cực công cuộc đổi mới của Việt Nam, dành cho Việt Nam sự ủng hộ có hiệu quả về kinh tế - tài chính, nhất là việc duy trì quy mô ODA cho Việt Nam.

Thủ tướng Shinzo Abe chân thành cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhân dân Việt Nam dành cho đoàn; chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC, chính thức gia nhập WTO; khẳng định chính sách nhất quán của Nhật Bản coi trọng quan hệ với Việt Nam, tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam trên cả song phương và đa phương, tiếp tục hỗ trợ tích cực cho Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Hai bên thỏa thuận tiếp tục duy trì và tăng cường tiếp xúc cấp cao, các cuộc trao đổi thường kỳ về chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc phòng giữa hai nước; thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật; thực hiện tốt Sáng kiến chung Việt - Nhật giai đoạn hai; thỏa thuận thành lập Ủy ban hợp tác Việt - Nhật do Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đứng đầu; và đã thảo luận cụ thể việc triển khai các dự án xây dựng đường sắt và đường bộ cao tốc Bắc-Nam và Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định lại mong muốn của hai nước đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới thông qua các diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ASEAN, ARF, ASEM, APEC, cấp cao Đông Á; hợp tác trong khuôn khổ Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Tiếp đó, cuộc hội đàm đã được mở rộng với sự tham gia của lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn của Việt Nam và ban lãnh đạo của Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren) do ông Fujio Mitairai làm Chủ tịch và đồng thời đại diện cho 130 doanh nghiệp Nhật Bản lần đầu tiên cùng đi với Thủ tướng Nhật Bản trong một chuyến thăm nước ngoài.

Theo dự kiến, sáng nay Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tới đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tới chào xã giao Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Buổi chiều, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tới dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản và ăn trưa cùng cộng đồng doanh nghiệp. Kết thúc ngày làm việc Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tới thăm khu công nghiệp Thăng Long.

Nhiều cơ hội làm ăn ở Việt Nam

"Hệ thống cảng biển và hậu cần của Việt Nam đúng là kém cạnh tranh so với khu vực. Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này sẽ cải thiện được tình hình. Chúng tôi đã ký 2 hợp đồng liên doanh trị giá trên 200 triệu USD với Tổng công ty hàng hải Việt Nam xây dựng và mở rộng 2 cảng biển Cái Mép và Cái Lân, đồng thời một hợp đồng khác để bắt đầu nghiên cứu hệ thống hậu cần ở Việt Nam. Trong lĩnh vực này quả thật có rất nhiều cơ hội cho chúng tôi khi nhu cầu đang tăng lên mạnh. Nếu đầu tư tiếp tục đổ vào lĩnh vực này, tôi nghĩ Việt Nam sẽ cạnh tranh được với các cảng biển trong khu vực như Singapore hay Hồng Kông trong nay mai" -  Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn SS Marine châu Á Bob Watters

"Rõ ràng thế giới đang chú ý đến Việt Nam. Citi Group cũng đã có mặt ở đây nhiều năm rồi và chúng tôi nhận ra mọi thứ đang tiến về phía trước. Chúng tôi phát hiện ra nhiều cơ hội làm ăn với các công ty trong ngành tàu biển. Họ có một mạng lưới rộng khắp. Chúng tôi vừa ký với Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines)  một biên bản ghi nhớ về hỗ trợ tài chính. Theo đó, Citi Group sẽ tư vấn cho Vinalines phát hành trái phiếu ở trong nước và quốc tế, tư vấn phòng tránh rủi ro tài chính, sắp xếp nguồn vốn để sẵn sàng đầu tư vào những dự án của mình... Chúng tôi cũng nhìn thấy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam. Thu nhập của người Việt Nam đang tăng lên. Chúng tôi hy vọng sẽ mang vào đây những giải pháp hiệu quả để giúp họ như đã làm ở những nước khác" - Tổng giám đốc Ngân hàng Citi Bank tại các nước ASEAN Catherine Weir

Tr.Bình

TTXVN - Trung Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.