Nguyễn Anh Tuấn có lý cho riêng mình khi đeo đuổi ý tưởng về sản xuất gạch Chăm, cũng như khôi phục, ứng dụng điêu khắc trên gạch Chăm. Trong các nền văn minh thế giới thì dường như chưa nơi nào có nghệ thuật điêu khắc trên gạch, bởi vì với gạch thường thì không thể điêu khắc, chạm trổ được. Chỉ có gạch Chăm mới có những đặc tính riêng thích hợp với việc điêu khắc, và nền văn hóa Chămpa đã có biết bao tác phẩm điêu khắc trên gạch về chiến binh, vũ nữ, điệu múa, các vị thần... làm mê đắm lòng người. Nguyễn Thanh Tuấn kể rằng từ lúc nhỏ anh đã đam mê những tháp cổ của người Chăm với tình yêu khó tả. Rời Bình Định vào TP.HCM sinh sống, Tuấn cũng không thể dứt ra khỏi đam mê đó, đến mức anh tự mày mò chế tạo luôn một cái lò nung nhỏ trong nhà để... làm gạch Chăm.
Điêu khắc mô phỏng tác phẩm trên những tháp Chăm thực hiện trên chất liệu gạch Chăm của Nguyễn Anh Tuấn
Nguyễn Anh Tuấn trình bày quy trình làm gạch Chăm khác hẳn làm gạch thường. Đất sét được phơi khô rồi tán nhỏ ra, sau đó trộn với nước và những nguyên liệu bí mật khác, sau đó phơi nắng ở một nhiệt độ thích hợp cho rút hết nước rồi mới nung... làm một mẻ gạch như thế mất phải hai tháng. Xưa nay, bí quyết làm gạch của người Chăm vẫn là bí ẩn với nhiều người. Tuấn tự hào vì những viên gạch Chăm của anh làm ra khi điêu khắc, chạm trổ có những thành công không kém mấy những điêu khắc Chăm khác mà anh đã thấy. Nhưng vì là một thợ may, điều kiện có hạn, muốn phát triển thêm sự nghiên cứu này với anh thật sự khó khăn. Cho nên, điều Nguyễn Anh Tuấn muốn lúc này là những người có chung mối quan tâm, có điều kiện hãy giúp đỡ và hợp tác với anh. Bởi vì chất liệu gạch Chăm của Tuấn có thể mở ra những khả năng phục hồi tháp Chăm, hoặc ứng dụng vào việc điêu khắc, trang trí xây dựng, mỹ nghệ...
Bài, ảnh: Thuận An
Bình luận (0)