Độc Cô Cửu Kiếm của Kim Dung?

21/11/2006 22:10 GMT+7

Bộ truyện tiểu thuyết võ hiệp Độc Cô Cửu Kiếm (ĐCCK) do NXB Thể dục - Thể thao phát hành vừa xuất hiện trên thị trường sách TP.HCM lập tức trở thành tâm điểm chú ý của giới làm sách và công luận bởi cái tên tác giả làm ai cũng giật mình: Kim Dung!

Với dân say mê "luyện chưởng" thì Kim Dung nổi trội hơn hẳn và được liệt vào hạng "minh chủ võ lâm" (chứ không còn là "đại cao thủ") so với các trước tác gia võ hiệp khác. Mười mấy pho (bộ truyện) của Kim Dung mà mỗi pho là một tuyệt tác, cho nên nếu đem bộ ĐCCK này đặt bên cạnh chỉ một bộ bất kỳ nào đó của Kim Dung thì sẽ thấy độ chênh rất rõ, khác nào "trứng so với đá". Rõ ràng ĐCCK là do "Kim Dung giả" viết ra. Ai cũng biết từ năm 1998 Công ty văn hóa Phương Nam đã ký hợp đồng với nhà văn Kim Dung để trở thành đơn vị duy nhất ở Việt Nam ấn hành các tác phẩm của ông tại Việt Nam. Chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Thức - Giám đốc Trung tâm sách & dịch vụ bản quyền (thuộc Công ty văn hóa Phương Nam).

* Ông có cho rằng ĐCCK thật sự là tác phẩm của Kim Dung?

- Không, trong toàn bộ tác phẩm của Kim Dung không có cuốn nào là ĐCCK. Trong trang lót của ĐCCK có ghi "NXB Văn nghệ An Huy, T.Hợp Phi. In lần thứ nhất tháng 12/1997". Nếu đúng là của Kim Dung thì tại sao vào năm 1998 (chỉ 1 năm sau) - khi chúng tôi sang Hồng Kông đàm phán và ký kết hợp đồng về bản quyền với nhà văn Kim Dung, nhà văn đã không hề đả động, nhắc nhở gì tới ĐCCK. Cho đến nay, toàn bộ tác phẩm của Kim Dung gồm 14 tiểu thuyết võ hiệp, lấy chữ đầu của mỗi tác phẩm sẽ có một câu đối là: "Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc/Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên". Ngoài ra Kim Dung còn có một đoản thiên là Việt nữ kiếm. Chúng tôi cũng đã tra cứu rất nhiều tác phẩm của các nhà "Kim Dung học" với trên 20 tác giả Trung Quốc và 10 tác giả Việt Nam nhưng chưa hề bắt gặp tài liệu nào đề cập đến ĐCCK.

* Thế thì theo ông ĐCCK là của một "Kim Dung giả"?

- Chắc chắn như vậy. Có hai giả thuyết, thứ nhất: có một Kim Dung giả ở Trung Quốc. Năm 1985, Trung Quốc cho phép phổ biến tác phẩm của Kim Dung tại đại lục và sau đó đã tạo nên một hiện tượng văn học: sách của Kim Dung đạt kỷ lục xuất bản với hàng triệu bản. Chính vì thế ở Trung Quốc đã xuất hiện những Kim Dung giả, Cổ Long giả... Giả thuyết thứ hai: Đây là một sản phẩm "made in Vietnam" 100%. Một người Việt Nam nào đó đã viết nhái truyện võ hiệp và ký tên... Kim Dung nhưng không hề giải thích. Theo tôi khả năng xuất xứ của ĐCCK là "mua nhằm đồ giả từ gốc" (mua sách bản tiếng Hoa của Kim Dung - Trung Quốc).

* ĐCCK xuất hiện, Công ty văn hóa Phương Nam sẽ có động thái gì?

- Phương Nam đang tìm cách tiếp cận với NXB Văn nghệ An Huy (TQ) để xác minh và nếu đó là tác phẩm của một "Kim Dung-Trung Quốc" thì vấn đề sẽ được chuyển cho "Kim Dung chính hiệu" giải quyết ở đất nước của họ. Giả như cuốn ĐCCK là của NXB Văn nghệ An Huy thật thì việc dịch và xuất bản ở Việt Nam cũng cần có những thủ tục về bản quyền. Nếu NXB Văn nghệ An Huy chứng minh được họ có bản quyền của tác phẩm đó thì vấn đề này không còn phải bàn cãi ở Việt Nam mà là chuyện nội bộ của... hai ông Kim Dung kia!

Còn nếu có một "Kim Dung-Việt Nam" thì cho dù luật pháp không cấm việc "lấy trùng tên" nhưng nếu một người biết tự trọng và có đạo đức nghề nghiệp thì họ đã lên tiếng ngay từ đầu cuốn sách để tránh sự ngộ nhận cho bạn đọc. Về luật pháp thì chúng tôi không kiện được nhưng về đạo đức thì rất đáng lên án. Chúng tôi rất mong muốn công luận lên tiếng với những trường hợp làm ăn không minh bạch để thế giới nhìn chúng ta nhiều thiện cảm hơn, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập. Đó cũng là cách để cổ vũ cho một thị trường sách sạch sẽ!

Hà Đình Nguyên
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.