Kết cục thương tâm của người vợ trẻ trên không phải là trường hợp cá biệt tại Afghanistan. Quá tuyệt vọng để có thể trốn khỏi nạn bạo hành trong gia đình, các cuộc hôn nhân cưỡng bức và định kiến hà khắc đối với phụ nữ, nhiều phụ nữ trên khắp đất nước Afghanistan đã tự thiêu mỗi năm. Mặc dù đã có một vài sự biến chuyển kể từ khi chế độ Taliban sụp đổ cách đây 5 năm, cuộc sống vẫn còn quá khắc nghiệt đối với nhiều phụ nữ tại quốc gia còn lắm bảo thủ và chìm đắm trong bạo lực này. Và tự tử là lối thoát mà họ thường chọn lựa.
Cô gái trẻ Gulsum trong câu chuyện kể trên vẫn còn may mắn sống sót để kể lại câu chuyện buồn thảm của mình. Khuôn mặt xinh đẹp cùng đôi chân thanh tú của cô đã không bị ngọn lửa liếm tới nhưng phía bên dưới chiếc áo tròng đầu che kín cổ, chiếc váy hoa và khăn trùm đầu là những mảng da sưng húp và đầy thẹo. Sau hơn một tháng kể từ lần tự tử hụt đó, bàn tay gầy trơ xương của cô vẫn còn chảy máu. "Tôi đã quyết định kết liễu cuộc đời mình. Tôi không muốn thân thể như thế này", Gulsum buồn bã nói khi đang trên giường bệnh tại Kabul. Cô giấu kín đôi tay bị biến dạng dưới lớp khăn san.
Thật ra, rất khó thống kê được con số chính xác về các vụ tự thiêu như kể trên. Tại tỉnh Herat, nơi mà các trường hợp trên được báo cáo và công bố tương đối nhiều nhất, có 93 trường hợp tự thiêu vào năm trước và 54 vụ tính đến tháng 11 năm nay. Ancil Adrian Paul, thuộc Tổ chức phi lợi nhuận Medica Mondiale, cho biết tình trạng trên xảy ra trên toàn quốc và con số thực tế đang trên đà tăng lên. Tổ chức này đã chứng kiến các bé gái mới chỉ 9 tuổi đầu đến phụ nữ trung niên khoảng 40 tuổi đã tự thiêu. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã bị giấu kín do nhiều nguyên do, chủ yếu là các lý do về tôn giáo, danh dự, xấu hổ. Kết quả là những cái chết thương tâm trên đã kết thúc trong im lặng.
Thống kê gần đây của Womankind cho thấy khoảng 60 - 80% các cuộc hôn nhân tại đất nước Nam Á này là bị cưỡng ép. Hơn một nửa nữ giới Afghanistan lên xe hoa về nhà chồng trước khi bước qua tuổi 16 và nhiều cô gái trẻ đã buộc phải lấy những người đàn ông lớn hơn cả mấy thập niên. Chuyện trao đổi phụ nữ và các bé gái để dàn xếp một vụ án, nợ nần hay tranh chấp nhà cửa xảy ra như cơm bữa. Dưới thời chính quyền Taliban, nữ giới không có quyền bầu cử, được đi học hay làm việc. Mấy năm gần đây, các cô đã được quyền đi bỏ phiếu bầu và thậm chí những nữ ứng cử viên đã tham gia các cuộc chạy đua vào Quốc hội. Thế nhưng, phái yếu vẫn bị xem là tầng lớp công dân thứ hai sau nam giới.
|
Đối với trường hợp của Gulsum, chị chồng đã đến gặp cha cô và thực hiện một phong tục cổ truyền để hỏi cưới cô và cha cô không thể nào từ chối. Người chị đã đặt đứa con trai mới sinh dưới chân người cha, hành động chứng tỏ sự thuần khiết và trong sạch. Theo phong tục của người dân vùng đó, đứa trẻ sơ sinh giống như một cuốn kinh thánh, khiến cha của Gulsum không thể từ chối và đồng ý gả cô cho một người đàn ông đã 40 tuổi. Với định kiến "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", Gulsum đã phải về nhà chồng khi chưa tròn 16 tuổi. Sau khi cưới nhau được 6 tháng, chồng của cô dính vào ma túy và từ đó những trận đòn sống dở chết dở bắt đầu. Chồng cô càng mạnh tay hơn khi Gulsum "dám" nói thẳng về chuyện ông ta nghiện ngập. Cuối cùng, Gulsum chọn con đường tự sát. Chồng cô và gia đình chồng không hề đoái hoài đến cô gái tội nghiệp. Những người hàng xóm đã quấn cô vào cái mền để dập tắt lửa và chở thẳng đến bệnh viện.
Giám đốc Bộ phận y tế công cộng Herat, Raoufa Niazi, đã chứng kiến khoảng 150 trường hợp tự thiêu trong 2 năm qua và cô đã khuyên những người phụ nữ tội nghiệp trên rằng tự sát không phải là lối thoát cho họ. Niazi cho biết: "Tôi nói họ hãy đến nhờ sự can thiệp của nhà chức trách, nhưng chính quyền đã không giúp họ mà chỉ phán rằng tại sao họ lại làm như thế".
Gulsum đã được chuyển sang một bệnh viện tại Kabul để trải qua các phẫu thuật thả lỏng bớt những sợi cơ bị co rút quanh cổ của cô và những cuộc phẫu thuật chỉnh hình khác. Cô hiện đã vui vẻ hơn và muốn được mặc quần áo đẹp nhưng vẫn chưa có kế hoạch gì cho tương lai. "Để tôi khỏe lại cái đã... ai còn muốn lấy tôi nữa bây giờ", Gulsum thở dài.
Thụy Miên
Bình luận (0)