Mặc dù là ngày thứ bảy, nhưng phiên chất vấn vẫn kéo dài hơn dự kiến, phần trả lời của ông Nguyễn Thiện Nhân buộc phải kéo dài sang ngày làm việc thứ hai.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: Mua bán biệt thự sở hữu Nhà nước không phải là bí mật quốc gia!
Lần đầu tiên đăng đàn, trả lời chất vấn trước QH nhưng Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh (ảnh) tỏ ra rất tự tin, dù phải đối đầu với những câu hỏi hóc búa liên quan đến việc bán nhà theo Nghị định 61. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) "mở hàng": "Cả trước và sau Nghị định 61, chúng ta chưa có một văn bản nào quy định rõ ràng về tiêu chuẩn nhà ở đối với cán bộ, nhất là đối với cán bộ cấp cao. Do đó thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng tùy tiện giải quyết, trong đó có cả việc biến nhà công thành nhà tư, tạo nên sự không công bằng, trách nhiệm của Bộ như thế nào"?
Bộ trưởng Ninh giải trình: "Trước khi ban hành Nghị định 61, chúng ta còn thực hiện một cơ chế về bao cấp nhà ở. Sau này để giải quyết nhà cho cán bộ, công nhân và người dân thì đã thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp là bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho những đối tượng đang ở nhà sở hữu Nhà nước một cách hợp pháp".
Năm 2005, qua thanh tra ở một số bộ, địa phương, Bộ Tài chính phát hiện 10 đơn vị mua vượt 10 xe vượt tiêu chuẩn về giá, đã xử lý hoặc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo thẩm quyền. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định: "Như vậy, qua kết quả thanh tra các năm thì việc vi phạm có giảm và giảm rất nhiều". Được biết, việc thanh tra năm 2001 tại một số bộ ngành, địa phương đã phát hiện số xe con mua vượt tiêu chuẩn định mức là 271 xe; năm 2002 là 197 xe. |
Bộ trưởng Tài chính bác bỏ: "Hiện nay theo tôi nắm được, chưa có trường hợp nào bán nhà công vụ cho người đang ở nhà sở hữu Nhà nước. Còn các loại nhà hiện đang ở đều thuộc nhà ở mà được phép bán và bán theo đúng quy định của Nghị định 61".
ĐB Thuyết vặn lại: "Đề nghị Bộ trưởng kiểm tra lại thông tin Bộ trưởng đã cung cấp cho QH là cho đến nay chưa có một trường hợp nào bán nhà công vụ cho cán bộ. Chúng tôi được biết có một danh sách cũng không phải là ít các nhà mà các đồng chí giữ các chức vụ nhất định đã được bố trí ở, nhất là người giữ chức vụ đó, nhưng bây giờ đã hóa giá rồi, chuyện đó có đúng hay không ?".
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) mở rộng thêm phạm vi chất vấn ở chủ đề này: "Những số liệu liên quan đến giá cả mua bán các biệt thự có phải là số liệu bí mật quốc gia không? Có thể công khai được hay không?". Bộ trưởng Ninh: "Cá nhân tôi nghĩ không phải là số liệu bí mật quốc gia".
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Chưa bán thì dừng, bán rồi thì không hồi tố!
Tiếp tục "đeo bám" đề tài nhà ở công vụ, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn người đứng đầu ngành xây dựng: "Xin Bộ trưởng cho biết, có bao nhiêu cán bộ lãnh đạo cấp cao sau khi nghỉ hưu đã trả lại nhà công vụ ? Có bao nhiêu gia đình có người nhà là cán bộ cao cấp được ở công thự, sau khi người ấy mất đi thì gia đình họ đã trả lại nhà như gia đình các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh...?".
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân (ảnh): "Theo quy định mới thì những người không còn ở tổ chức, không thực thi công vụ nữa thì sau 3 tháng phải trả lại nhà. Nhưng ở những trường hợp cụ thể cũng phải xem xét có lý, có tình". Chưa thỏa mãn với câu trả lời, ông Thuyết đứng lên: "Có lẽ Bộ trưởng ở xa mà tiếng tôi nhỏ nên Bộ trưởng chưa nghe rõ", và nhắc lại câu hỏi. Bộ trưởng Quân: "Có bao nhiêu thì tôi cũng chưa nắm được số lượng và sẽ cung cấp riêng cho ĐB".
Ông Nguyễn Minh Thuyết hỏi: "Bộ trưởng suy nghĩ thế nào khi có tới 80% số biệt thự (công) hiện nay đã đổi chủ từ sở hữu Nhà nước sang tư nhân rồi bị xây dựng, biến dạng, mất đi các giá trị văn hóa?". Bộ trưởng Xây dựng chỉ trả lời vế thứ hai của câu hỏi: "Không chỉ do sự đổi chủ, mà còn do cách quản lý của chúng ta nên nhiều biệt thự, công trình được xây thêm, xây xen làm phá vỡ cảnh quan, rất đáng tiếc".
ĐB Trần Quốc Khánh (Hà Nội) bình luận: "Thời gian qua, sự không rõ ràng trong quản lý biệt thự, nhà công vụ đã gây dư luận xấu. Nhiều cán bộ đang ở những căn nhà hiện nay cũng băn khoăn, lo lắng, không biết dư luận thế này mình có được ở yên ổn không". ĐB Khánh đặt câu hỏi: "Đề nghị Bộ trưởng cho biết danh sách các nhà ở công vụ, biệt thự đã bán hóa giá để công khai và có sự giám sát? Còn với các nhà đã bán chưa hợp lý thì Bộ trưởng sẽ đề xuất với Chính phủ hướng xử lý thế nào ?".
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: "Với các nhà đã bán, nếu việc mua bán không vi phạm pháp luật thì không hồi tố cho dù lúc đó là bán giá rẻ". "Tuy nhiên, nếu biết một số việc mua bán như vừa rồi, Báo Nhân Dân có nêu ở một địa phương bán 700 căn hộ mà báo có nêu là trị giá tiền tỉ, bán có 100 triệu (đồng) thì chúng tôi cũng có đề nghị với địa phương phải xem xét lại".
Trước đó, trong phần trả lời chất vấn (bằng văn bản) cho các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng đã cho biết, hiện nay còn khoảng 90.000m2 các nhà ở công vụ và các nhà biệt thự công đang tập trung ở Hà Nội và TP.HCM.
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Đẩy sớm việc bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học
Cũng là lần đầu tiên trả lời chất vấn, nhưng Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân (ảnh) nhận được sự đồng tình của nhiều ĐB QH về những định hướng cải cách giáo dục, tuy còn một số băn khoăn về cách làm. Ủng hộ việc bỏ kỳ thi đại học (để các trường tự xét tuyển sau kỳ thi phổ thông trung học), song ĐB Nguyễn Thị Thanh Bình băn khoăn: "Nếëu triển khai trước năm 2009, trong khi việc đánh giá chất lượng giáo dục mới được triển khai thì có đảm bảo không?".
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: "VN có lẽ là nước duy nhất tổ chức thi đại học trên phạm vi cả nước. Hơn nữa, việc tổ chức thi rất phức tạp và tốn kém, việc ôn thi đại học nặng nề. Cho nên, chúng tôi chủ trương vận động tổ chức thi phổ thông trung học thật nghiêm túc, triển khai đánh giá học sinh nghiêm túc để không đợi đến năm 2009 mà đến năm 2007 đã có thể thực hiện". "Nếu bộ, các sở, các trường cùng quyết tâm làm, tôi tin là thực hiện được", Bộ trưởng Nhân tỏ ý tin tưởng.
Một số ĐB lên tiếng về tình trạng đào tạo, tổ chức thi cử, cấp bằng ở nhiều địa phương, nhiều nơi không đạt chuẩn dẫn đến tình trạng học sinh học tốt nghiệp nhưng không có kiến thức... và yêu cầu Bộ trưởng GD-ĐT chỉ đạo quyết liệt hơn. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: "Tôi cũng vừa đọc trên báo ở miền Trung có 25 em học lớp 6 mà không đọc thông, viết thạo. Tuy có người nói đây chỉ là một sự việc trên một địa bàn huyện nhưng tôi nghĩ, nó còn có thể xảy ra ở nhiều nơi khác cho nên Bộ có chỉ đạo 64 tỉnh, thành rà soát, kiên quyết nếu học sinh không đủ tiêu chuẩn không cho lên lớp vì có lên cao cũng không thể học được".
Ông Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Bộ trưởng nắm chắc văn bản, không nắm chắc tình hình - Tôi nghe Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Xây dựng nói là chưa có một cái nhà công nào biến thành nhà tư thì tôi vừa mừng, vừa lo. Vì nếu quả thực như thế thì mừng quá. Thứ hai tôi lo là dân người ta không tin. Tất nhiên là tôi chưa thỏa mãn. Các bộ trưởng nắm văn bản rất chắc, đặc biệt là việc đưa ra Nghị định 61. Nhưng theo tôi nắm tình hình như thế là chưa chắc, nhất là thời gian vừa qua sau khi đã có dư luận và đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ điều tra, báo cáo. Tôi có hỏi Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân có bao nhiêu cán bộ trả lại nhà công sau khi rời nhiệm sở, Bộ trưởng không nắm được. *Quan điểm của ông về nhà công như thế nào ? - Theo tôi, cái này cũng phải có cái tình nhưng cũng phải có lý, đúng luật. Mình có thể bố trí cho các đồng chí đó ở chỗ khác. Bản thân các đồng chí cũng phải gương mẫu. Gia đình ông Nguyễn Lương Bằng, gia đình ông Nguyễn Duy Trinh, gia đình ông Lê Thanh Nghị trả nhà được thì những người khác trả nhà cũng được chứ có gì đâu. *Vấn đề nhà công biến thành nhà tư, ông có tiếp tục chất vấn bằng văn bản ? - Tôi được biết Chính phủ đang yêu cầu các bộ và các địa phương làm thống kê để báo cáo Thủ tướng. Có lẽ cũng phải đề nghị Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH phải vào cuộc xem thực sự nó như thế nào. Nếu không phải có chuyện nhà công biến thành nhà tư một cách phổ biến thì mình cũng phải có một công bố, kết luận rõ ràng cho nhân dân. X.Toàn Ông Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Trả lời chưa đạt không phải do bộ trưởng - Cách trả lời của các bộ trưởng cũng đã có cố gắng. Vấn đề là quy định của chúng ta hiện nay chỉ ở mức độ đó. Nói thẳng đây là vấn đề tế nhị. Những người được cấp nhà là những người ở vị trí cao cho nên bây giờ mà lật lại thì nhạy cảm. Nhưng tôi nghĩ rằng đây cũng là thời điểm chín muồi để chúng ta chấm dứt vấn đề này. Nhưng nếu chúng ta nói một cách đơn giản là không cấp nhà cho các vị nữa thì chưa giải quyết được vấn đề. Không cấp nhà thì phải đưa vào lương như thế nào? *Nếu ở vị trí cử tri, ông đánh giá cách trả lời của các bộ trưởng như thế nào ? - Nếu tôi là một cử tri thì tôi không hài lòng với câu trả lời của các bộ trưởng nhưng tôi là đại biểu nên tôi biết được sự khó khăn của vấn đề, do đó tôi không dám đòi hỏi gì nhiều hơn nữa. Là cử tri, tôi đòi hỏi là sau mỗi phiên chất vấn phải giải quyết được một vấn đề nào đó, hoặc tạo ra một sự thay đổi nào đó cho xã hội. Nếu đặt ở trên hai tiêu chí này thì có lẽ, nội dung trả lời là chưa đạt. Theo tôi nghĩ đây không phải là do bộ trưởng không cố gắng, thật ra nó còn có nhiều vấn đề. X.Toàn |
Xuân Toàn - Mạnh Quân
Bình luận (0)