Hôm qua, Phó tổng thống Mỹ D.Cheney đã đến Ả Rập Xê Út để trao đổi với Vua Abdullah nhằm tìm kiếm sự ủng hộ về vấn đề Iraq. Tổng thống G.Bush cũng dự định sẽ gặp Thủ tướng Iraq N.al-Maliki tại Jordan vào giữa tuần tới. Hãng tin AP nhận định những bước đi này cho thấy Mỹ đang muốn trao đổi với các đồng minh Trung Đông trong hoàn cảnh có nhiều lời đồn đoán rằng chính quyền Washington đang thẩm tra lại chính sách của mình tại Iraq.
Tuy nhiên, cuộc gặp giữa hai ông Bush và al-Maliki có thể sẽ bị che mờ bởi khói bom sau một tuần bạo lực gia tăng tới mức báo động tại Iraq. Ít nhất 215 người đã thiệt mạng trong đợt tấn công gần đây nhất và thủ phạm bị nghi ngờ là những người chống đối thuộc dòng Hồi giáo Sunni. Theo AP, sau sự kiện đó, một chính đảng hàng đầu của người Shiite, vốn là chỗ dựa quyền lực của ông al-Maliki, đã đe dọa sẽ rời khỏi chính phủ nếu ngài thủ tướng gặp ông Bush. Đó là thách thức mà Mỹ đang đối đầu trong tiến trình ngoại giao tại Trung Đông.
Cùng lúc, Iran cũng đối mặt với vấn đề của riêng mình. Chính quyền Tehran từng dự định triển khai cuộc họp thượng đỉnh vào hôm qua giữa Tổng thống Iran M.Ahmadinejad cùng người đồng nhiệm Iraq và Syria. Báo giới phương Tây gọi đây là kế hoạch thành lập "Trục đồng minh". Bước đi này cho thấy Iran đang nỗ lực nâng cao vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề khu vực. Tổng thống J.Talabani của Iraq đã nhận lời mời nhưng sau đó ông phải hủy chuyến đi vì bạo lực gia tăng trong nước khiến sân bay bị phong tỏa. Ông nói rằng chuyến thăm Tehran sẽ được tiến hành ngay sau khi sân bay mở cửa trở lại.
Trong khi Iraq sẵn sàng tham gia cuộc họp thượng đỉnh thì Syria chưa có thông điệp nào cho thấy họ hứng thú với kế hoạch này. Lâu nay, Syria vốn là đồng minh thân cận với Iran và hai nước có quan điểm khá giống nhau trong quan hệ với phương Tây. Vì thế, việc Syria tỏ ra hờ hững vào lúc này là điều khá bất ngờ. Theo giới quan sát, Syria đang chịu nhiều áp lực từ phương Tây, cụ thể là Mỹ, nên họ không vội nhận lời mời của Iran vì sợ rằng áp lực từ đó sẽ gia tăng. Giờ đây, việc Iraq không tham gia cuộc họp thượng đỉnh vì nguyên nhân khách quan đã tạo cho Syria có thêm thời gian để cân nhắc.
Trong khi Mỹ đang tìm cách làm dịu làn sóng bạo lực tại Iraq thì một cuộc họp thượng đỉnh như đề xuất của Iran có thể mang lại kết quả tích cực. Việc Iran và Syria cùng tham gia vào quá trình ổn định tình hình tại Iraq là điều mà người Mỹ chờ đợi. Tuy nhiên, cuộc họp thượng đỉnh theo sáng kiến của Iran có thể lại gieo lo ngại cho người Mỹ. Washington sợ rằng Iran sẽ tận dụng cơ hội này để gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông và lôi kéo thêm đồng minh. Khi đó, khả năng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này đối với Mỹ sẽ càng khó khăn hơn.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)