Khi các bà mẹ trẻ đến trường

28/11/2006 18:14 GMT+7

Dạo này tớ rối lắm, tay bồng tay bế mà vẫn lọ mọ tiếp cái bằng cao học ở Hà Nội. Con cái để ông bà nội trông, còn chồng thì... tự quản. Cứ đến chiều thứ sáu là tớ lại tay xách nách mang về quê", Thùy - cô bạn thân ở Quảng Ninh gửi e-mail cho tôi than thở. Và không riêng gì Thùy, hầu hết các bà mẹ trẻ đều có na ná tâm trạng "rối" như thế khi phải vừa làm mẹ vừa... đi học!

Xinh đẹp, duyên dáng, làm cho công ty nước ngoài, A.Tuyết (Q.1, TP.HCM) lập gia đình và sinh con khá sớm. Những tháng nghỉ phép sinh con, cô toàn tâm toàn ý chăm em bé, đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện gia đình. Đến ngày sắp đi làm lại, Tuyết mới giật mình và lo nơm nớp, hệt như... trẻ con sắp tựu trường. Mặt nhăn nhó, Tuyết thủ thỉ: "Mấy tháng nay, suốt ngày mình chỉ quanh quẩn bên nôi em bé. Giờ đến lúc trình diện sếp, "tiếng anh tiếng em" gì hình như mình quên gần hết rồi. Mình mới đi đăng ký khóa học ở trung tâm tiếng Anh trên đường Đinh Tiên Hoàng, nhưng cũng lo không biết học có vào không nữa khi tâm trí mình chỉ nghĩ tới con".

Tuyết lo cũng đúng thôi, khi mà giờ không chỉ đơn giản đi làm với đi học, mà còn con cái, tề gia nội trợ. Dù là người khéo sắp xếp nhưng có lúc Tuyết cũng không tránh khỏi hoang mang: "Sếp mình là người nước ngoài, muốn ông ta thông cảm như một sếp người Việt thì đâu có được. Người nước ngoài họ sòng phẳng lắm. Dù là nghỉ phép để sinh con, nhưng hết phép đi làm lại không hiệu quả là mình có nguy cơ mất việc".

Còn Kim - bà mẹ trẻ vốn là nhân viên một công ty hàng hải - trong một lần họp mặt cùng bạn bè đã rầu rĩ tâm sự: "Đang có thai đứa con thứ hai thì mình nhận được thông báo của công ty, yêu cầu nhân viên nâng cao khả năng tiếng Anh. Tụi mình được bố trí học tập ở một trung tâm do người Mỹ giảng dạy, tất cả phải học đến nơi đến chốn lấy bằng cấp đàng hoàng, nếu không sẽ bị sa thải hoặc chuyển sang bộ phận khác. Nói thật, được đi học để nâng cao trình độ thì ai mà chả thích, nhưng khốn nỗi mình là người có gia đình, giờ lại thêm một... bụng bầu nữa! Mình đang cố gắng lắm, nhưng không biết có theo kịp người ta không đây...".

Lại nói về Thùy. Để nâng cao trình độ chuyên môn, cô nàng đành cắn răng xa tổ ấm chuyên tâm học hành. Thùy tâm sự nghe buồn hiu: "Không biết có ai làm mẹ mà giống như tớ không. Nhiều lúc giáo viên đang giảng bài mà dưới gầm bàn tớ bấm điện thoại di động, lén gọi về nhà xem ông bà cho cháu ăn uống gì chưa, thậm chí hỏi xem pha cho em bé bao nhiêu thìa bột...". Còn Kim cứ cho mình là "vợ thằng Đậu" khi tâm sự: "Không hiểu tại sao sau khi sinh, đầu óc mình như bị xóa đi một vài chi tiết, dù thường nhật hay nhìn thấy nhưng sinh nở xong mình lại không nhớ và không biết cách thức sử dụng ra sao (?!). Phải nhẩm lại một tí thì mới nhớ ra hết". Song Kim cho biết cô còn đỡ hơn Thu - một cô bạn thân đang định cư ở nước ngoài: "Để tiện cho công ăn việc làm nên Thu vừa chăm con vừa theo học khóa học nghiệp vụ quản trị kinh doanh, cô nàng như "vắt chân lên cổ" mà chạy, lúc nào cũng lo bị stress. Hiện tại thì Thu gửi con gái về Việt Nam cho bố mẹ trông giúp một thời gian để bớt căng thẳng trong cuộc sống".

Và không ít bà mẹ trẻ vừa đi học vừa đi làm đã trở nên... lẩm cẩm. Đơn cử, một cô bạn thân của tôi, duyên dáng, ăn nói khéo léo nhưng từ khi có em bé, cô nàng đâm ra cáu kỉnh, dễ nóng tính, sẵn sàng đôi co với chồng. Cô tâm sự: "Nhiều khi mình thấy tủi thân lắm, một mình quán xuyến gia đình, thêm phần ông chồng hay thèm... ngủ. Mình muốn vợ chồng tâm sự với nhau nhiều điều nhưng sao khó khăn quá, đến cả việc tìm ô-sin trông em bé khi mình đi làm trở lại cũng là một vấn đề nan giải. 4 tháng trôi qua quá nhanh, mình chưa kịp chuẩn bị tâm lý xa con đi làm, chưa kể mình còn một khóa học "bỏ ngỏ" trước khi sinh, giờ phải tiếp tục".

Áp lực con cái, công việc, học hành... khiến cho nhiều bà mẹ trẻ trở nên trầm cảm, dẫn đến dễ xúc động. Đó là một trong những lý do khiến cho họ nhanh quên, đãng trí. Vì vậy, những phụ nữ này cần có sự chia sẻ cả trong cảm xúc lẫn công việc gia đình, đặc biệt là sự chia sẻ từ người chồng. Bên cạnh đó, các bà mẹ trẻ cũng không nên cảm thấy quá bị ràng buộc để phải chịu áp lực. Hãy xem trường hợp của "bà mẹ một con" tên Hồng. Không đi học vì công việc bắt buộc, Hồng chăm chỉ đến lớp học ngoại ngữ mỗi đêm chỉ vì người thuê căn hộ ở chung cư (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) của cô là người ngoại quốc. Hồng cười khì cho hay: "Cứ nghĩ đến chuyện con cái vào thì thôi, học hành không trôi. Nhưng tức lắm, hôm nọ gặp mấy người Tây hỏi chuyện, mình ú ớ không trả lời được, nên mình quyết "khăn gói" đi đăng ký học ngoại ngữ. Vả lại, biết ngoại ngữ cũng tiện trong cuộc sống và công việc hơn".

Minh Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.