Hezbollah quyết "hạ bệ" Chính phủ Li-băng

02/12/2006 22:44 GMT+7

Sau khi tạm thời "án binh bất động", Hezbollah và các đồng minh đã tuần hành rầm rộ vào cuối tuần này để đòi giải tán chính phủ. Không khí trong lòng đất nước Li-băng lại trở nên vô cùng nóng bỏng.

Chiến dịch tuần hành chống chính phủ của Thủ tướng F.Siniora vốn được Hezbollah dự định tiến hành sớm hơn. Tuy nhiên, sau khi Bộ trưởng Công nghiệp P.Gemayel bị ám sát hồi tháng trước, Hezbollah đã hoãn lại vì sợ làm tình hình trở nên căng thẳng hơn. Giờ đây, khi không khí bắt đầu dịu xuống, lực lượng này đã tổ chức một cuộc tuần hành rầm rộ và dự kiến sẽ kéo dài nhiều ngày nhằm gây áp lực đòi chính phủ giải tán. Khoảng 800.000 thành viên Hezbollah và các lực lượng thân Syria khác đã cắm trại xung quanh dinh thủ tướng tại thủ đô Beirut để "thi gan" cùng chính phủ. Hãng tin BBC cho biết các cuộc biểu tình hiện tại lớn không kém những cuộc tuần hành cách đây 18 tháng, khi lực lượng bài Syria xuống đường sau vụ ám sát cựu Thủ tướng R.al-Hariri.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả người dân Li-băng thuộc các vùng miền và phong trào chính trị khác nhau hãy hành động để giải tán chính phủ bất lực này", thủ lĩnh H.Nasrallah của Hezbollah kêu gọi. Hãng tin AP cho biết người ủng hộ Hezbollah hô to khẩu hiệu: "Đả đảo Israel" và "Chính phủ của Feltman hãy ra đi". Feltman ở đây là Đại sứ Mỹ tại Beirut J.Feltman, câu khẩu hiệu vì thế ngụ ý rằng Chính phủ Li-băng hiện tại là bù nhìn của Mỹ. A.Ammar - một thành viên Hezbollah trong Quốc hội - tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không rời những quảng trường này cho đến khi nhà cầm quyền tuân theo ý nguyện của người dân, đa số người dân đều muốn thoát khỏi tình trạng khủng hoảng này và thành lập chính phủ thống nhất mới". Khái niệm "chính phủ thống nhất mới" mà Ammar đề cập đến là một chính phủ mà Hezbollah được chia sẻ nhiều quyền lực hơn. 

Trong vài tháng trở lại đây, chính phủ của Thủ tướng Siniora đã suy yếu trầm trọng sau khi hàng loạt bộ trưởng từ chức và một người bị ám sát là ông Gemayel. Điều này khiến nhiều người cho rằng cuộc tuần hành của Hezbollah sẽ như một "cú dứt điểm" kết thúc thời kỳ nắm quyền của Siniora. Trên thực tế, nếu Hezbollah không tuần hành rầm rộ thì chính phủ hiện tại cũng đã tiến rất gần tới bờ vực giải tán dù Thủ tướng Siniora nói rằng các nỗ lực lật đổ ông sẽ thất bại. Theo hiến pháp Li-băng, nếu có thêm hai bộ trưởng nữa ra đi (vì bị ám sát hoặc từ chức) thì chính phủ của ông Siniora sẽ buộc phải giải tán.

Tình hình tại Li-băng đã khiến Mỹ lo ngại. Đại sứ Mỹ tại LHQ, ông J.Bolton, hôm qua nói rằng dù hành động biểu tình là bình thường nhưng nếu đây là một âm mưu đảo chính được Iran và Syria chống lưng thì thật đáng lo ngại. Phản ứng của người Mỹ là dễ hiểu bởi một khi Hezbollah, tổ chức mà Mỹ và Israel coi là khủng bố, có quyền lực lớn hơn trong Chính phủ Li-băng thì vai trò của Mỹ tại Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng.

Đ.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.