GS Hoàng Như Mai nói về cách dạy văn: Giáo viên phải như chùm pháo bông phát nhiều tia sáng

08/12/2006 21:12 GMT+7

Hơn 50 GS, PGS, cán bộ giảng dạy Văn học tại các trường ĐH, CĐ và THPT trên địa bàn TP.HCM đã tham dự 2 tiết thao giảng: Quyết định khó khăn nhất (trích Hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp) và trả bài làm văn số 3 của cô giáo Vũ Thị Nga và cô giáo Nguyễn Thị Phi Hồng, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM).

Đây là những hoạt động nằm trong chương trình tiết dạy thể nghiệm môn Văn theo phương pháp mới do Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT và các trường THPT thực hiện.

Chỉ với việc lựa chọn bài để thực hiện thao giảng, hai cô giáo của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã thu hút sự chú ý của đại biểu tham dự. Bởi lẽ, thông thường khi thao giảng, giáo viên hay chọn những bài văn thơ trữ tình, lãng mạn dễ cuốn hút học sinh nhưng trong trường hợp này các cô lại chọn giảng thể loại hồi ký và tiết trả bài làm văn với 2 đề nghị luận xã hội và nghị luận văn học, có vẻ "cứng" hơn nên không được học sinh quan tâm nhiều.

Với trích đoạn Quyết định khó khăn nhất trong hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp, cô Vũ Thị Nga đã công phu chuẩn bị tiết dạy về hồi ký chiến tranh của mình khi kết hợp giữa kiến thức và phương pháp sử dụng công nghệ thông tin. Qua những hình ảnh phim tài liệu Ký ức Điện Biên được trình chiếu và các câu hỏi trắc nghiệm được thảo luận nhóm, sơ đồ hệ thống hóa kiến thức... học sinh có cơ hội thể hiện những kiến thức và cảm nhận được không khí khẩn trương của những ngày tháng chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Bên cạnh đó là tình cảm, suy tính, "quyết định khó khăn nhất" của vị Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp khi dời giờ nổ súng mở màn cho chiến dịch để đi đến thắng lợi vĩ đại. Hay như trong tiết giảng trả bài làm văn, cô Nguyễn Thị Phi Hồng đã thoát khỏi lối mòn sơ sài của đặc trưng tiết dạy. Tiết dạy được xây dựng với bố cục như: Phân tích đề bài, Nhận xét chung về bài làm của học sinh, Sửa dàn ý... giúp cho học sinh không chỉ nhận được điểm số của mình mà còn nhận ra điểm yếu, điểm mạnh để bổ sung vào kiến thức làm bài sau này...

Sau hai tiết dạy mẫu, GS-NGND Hoàng Như Mai, Chủ tịch hội đã ví mỗi giáo viên phải như chùm pháo bông phát nhiều tia sáng tức là truyền nhiều kiến thức cho học sinh. Nhất là giáo viên dạy Văn phải có nhiều đam mê, không nên ngần ngại khi đi vào giảng dạy những bài học khó, khô khan. Tại buổi trao đổi, cô Nguyễn Thị Hồng Hà - trường ĐH Sư phạm TP.HCM thẳng thắn đặt vấn đề: "Giáo viên và học sinh còn tự làm khó mình, nên đặt mục tiêu cụ thể để giải quyết bài gọn nhẹ trong vòng 45 phút. Khi ra đề làm văn không nên bó buộc học sinh phải đương nhiên công nhận một nhận định nào đó”á. PGS-TS Trần Hữu Tá - tổng thư ký Hội đánh giá cao hai tiết dạy thử nghiệm của giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã tạo sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, điều quan trọng trong nghiệp vụ sư phạm và thu hút được học sinh. Đồng thời ông cũng chia sẻ mỗi bài giảng nên có điểm nhấn, điểm lướt, tránh sự quá tải. Đặc biệt, ông còn đặt vấn đề giáo viên phải hết sức thận trọng khi vận dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy môn Văn. Bởi ngoài những điểm mạnh mọi người có thể nhận biết thì nó rất dễ dẫn đến sự triệt tiêu sức cảm thụ văn học...

B.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.