Bão Utor mạnh cấp 14 trên biển Đông

10/12/2006 23:50 GMT+7

* Nhiều dự báo khác nhau về đường đi của bão * Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp đối phó với bão * Chuẩn bị đối phó bão Utor Trưa hôm qua (10.12), bão Utor đổ bộ vào khu vực miền trung Philippines với sức gió rất mạnh, đến cấp 12 - 13 (118 - 149 km/giờ), giật trên cấp 13. Chiều cùng ngày, bão Utor đã đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 10 hoạt động trên vùng biển này trong năm 2006.

Bão giữ nguyên cường độ cấp 12 - 13, giật trên cấp 13, với vị trí tâm bão hồi 16 giờ vào khoảng 12,7 độ vĩ bắc - 119,8 độ kinh đông. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 12.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14 độ vĩ bắc - 113,7 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 360 km về phía nam đông nam. 

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông biển Đông có gió bão mạnh cấp 11 - 12, vùng gần tâm bão cấp 13 - 14, giật trên cấp 14, sóng biển cao từ 8 - 10 mét. Biển động dữ dội. Từ trưa nay (11.12), khu vực giữa biển Đông có gió bão mạnh dần lên cấp 9 - 10, sau tăng lên cấp 11 - 12, vùng gần tâm bão cấp 13 - 14, giật trên cấp 14.

Cường độ bão Utor - theo dự báo của các trung tâm khí tượng thế giới - là sẽ mạnh lên khi hoạt động trên biển Đông trong những ngày tới và mạnh hơn bão Durian vừa qua. Trung Quốc tối qua dự báo đến 19 giờ hôm nay (11.12) bão mạnh đến cuối cấp 13 và sẽ giữ cường độ như vậy đến 19 giờ ngày 12.12, rồi giảm còn cấp 12 vào 19 giờ ngày 13.12. Hàn Quốc dự báo trong 2 ngày 11 và 12.12 gió bão mạnh 148 km/giờ (cuối cấp 13); đến 13 giờ ngày 13.12 giảm còn 126 km/giờ (cấp 12). Nhật Bản dự báo bão mạnh cuối cấp 13 trong 2 ngày 11 và 12.12, rồi yếu bớt một ít, cấp 13 vào 19 giờ ngày 13.12. Hồng Kông dự báo trong 3 ngày từ 11 - 13.12, gió bão mạnh khoảng 148 km/giờ (cấp 13).

Riêng Hải quân Mỹ và Đại học London lúc nào cũng dự báo cường độ bão mạnh hơn các trung tâm dự báo khác. Theo đó, ngày 10.12 bão mạnh cấp 17 (202 - 220 km/giờ); các ngày từ 11 - 14.12 bão mạnh thành siêu bão, với sức gió trên 220 km/giờ (trên cấp 17) và đến ngày 15.12 giảm còn cấp 16 (184 - 201 km/giờ).

Bão Utor có đổ bộ vào nước ta hay không là điều đang được rất nhiều người quan tâm. Cho tới chiều tối qua, có nhiều dự báo khác nhau về đường đi của bão. Trung Quốc dự báo đến 19 giờ ngày 13.12, bão sẽ vào vị trí 15,6 độ vĩ bắc - 110,8 độ kinh đông. Nhật Bản thì cho bão vào 14,8 độ vĩ bắc - 112,7 độ kinh đông. Hồng Kông là 15,3 độ vĩ bắc - 111,1 độ kinh đông (gần bờ biển từ Quảng Trị đến Nha Trang). Dự báo của Hải quân Mỹ và Đại học London cho là bão Utor sẽ không đi thẳng vào miền Trung, mà chuyển hướng đi lên phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc).



Bản đồ dự báo của Đại học London và Nhật Bản

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan ở Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: So với bão Durian vừa qua, thì cơn bão này có nhiều điểm rất khác: Vị trí hình thành thấp hơn, di chuyển nhanh hơn, vẫn giữ nguyên cường độ khi vượt qua Philippines (trong khi bão Durian suy yếu khi vào biển Đông). Hoàn lưu của bão Utor rất rộng, bán kính khoảng trên 500 km (tính từ tâm bão ra các phía), trong khi bão Durian bán kính chỉ khoảng trên 300 km. Điểm khác nữa là Utor khi vào biển Đông thì không khí lạnh đã về trước, trong khi bão Durian sau khi vào đến biển Đông không khí lạnh mới tràn về.

Hiện nay, không khí lạnh đã về đến đèo Hải Vân và đang hơi suy yếu, nhưng khoảng ngày 13.12 tới sẽ có một đợt không khí lạnh nữa tăng cường. Nếu như vậy, có thể sẽ tác động đến hướng di chuyển của bão (như trường hợp bão Durian vừa qua đã bị không khí lạnh đẩy đi xuống phía nam). Hiện còn quá sớm để dự báo chính xác bão Utor sẽ đi đâu, vào đâu. Nhưng theo số liệu thống kê trong nhiều năm, những cơn bão xuất hiện vào cuối năm thường có khuynh hướng đi vào các tỉnh từ miền Trung trở xuống. Tuy nhiên, các tỉnh miền Bắc cũng không nên chủ quan, vì diễn biến của bão rất phức tạp. Hơn nữa, hoàn lưu của cơn bão này rất rộng, nên vùng ảnh hưởng của bão sẽ ở trên phạm vi cả nước.

Về hiện tượng mưa xảy ra vào chiều và tối qua ở khu vực Nam Bộ, theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, không phải do ảnh hưởng của bão, mà do khối không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống kích động không khí nóng ở phía nam, làm cho mây đối lưu phát triển, gây mưa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp đối phó với bão

Chiều 10.12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn với các bộ, ngành T.Ư bàn các biện pháp khẩn trương đối phó với cơn bão số 10 (Utor). Đây là cơn bão mạnh, đi nhanh và có nhiều diễn biến phức tạp, dự báo của các nước còn khác nhau.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành T.Ư và các địa phương từ Bình Định đến Quảng Trị phải chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương triển khai các giải pháp với nỗ lực cao nhất như: Kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi và kêu gọi các tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, xây dựng phương án di dời dân. Trước hết là các vùng ven biển mà dự báo bão sẽ đổ bộ, vùng có khả năng sạt lở, vùng nước sâu; chằng néo nhà cửa và các công trình công cộng... nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp này. Thủ tướng nhấn mạnh: Rút kinh nghiệm cơn bão số 9, các cơ quan thông tin đại chúng phải phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đặc biệt là các đài phát sóng duyên hải, Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam để thông báo những thông tin sớm nhất với tinh thần khẩn cấp và quyết liệt. Đồng thời, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phải làm tốt hơn nữa công tác dự báo với tinh thần cập nhật và cảnh báo liên tục...

Thủ tướng phân công Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trực tiếp cùng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư vào miền Trung để cùng với các tỉnh chỉ đạo kiểm tra đôn đốc, quyết tâm thực hiện bằng được yêu cầu giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 10. (Theo TTXVN)

Chuẩn bị đối phó bão Utor

Bình Thuận: Trưa hôm qua 10.12, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện khẩn gửi các ngành chức năng yêu cầu cấm tất cả tàu thuyền ra khơi tại vùng biển trong toạ độ 9 - 22 độ vĩ Bắc, liên lạc khẩn trương với các tàu ngoài khơi để tìm nơi trú bão an toàn, phân công trực 24/24... Đến chiều qua Bình Thuận còn 84 tàu đánh bắt xa bờ với trên 800 lao động trên biển, nhưng không có tàu nào hoạt động trong khu vực nguy hiểm. (Lâm Viên)

Khánh Hòa: Tối qua 10.12, ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Ban chỉ huy PCBL tỉnh đã liên lạc được với 242 tàu thuyền ngư dân ở ngoài khơi và hướng dẫn vào bờ an toàn trong đêm. Rạng sáng nay 11.12, các phương án di dời dân trên đất liền đến nơi an toàn sẽ được triển khai khẩn trương.

Ninh Thuận: Bà Hoàng Thị Út Lan, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết vào tối qua, tỉnh đã triển khai trực bão 24/24 giờ và giữ liên lạc với các tàu thuyền đang khai thác trên biển, chỉ dẫn hướng đi và giúp họ vào bờ trú bão an toàn. Tỉnh cũng chuẩn bị bao tải đựng cát cấp phát cho dân để gia cố nhà cửa, đê kè và đã có phương án di dời dân trong trường hợp bão vào đất liền. (Thiện Nhân)

Bà Rịa - Vũng Tàu: Chiều hôm qua 10.12, ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã tập trung nhân lực ứng trực 24/24, kiện toàn ban chỉ huy PCLB từ tỉnh, huyện đến xã đề phòng bão Utor. Chính quyền kiên quyết ngăn cấm tàu thuyền ra khơi trong thời điểm này. (Đức Liên)

Trà Vinh: Chiều 10.12, ông Trần Khiêu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết vừa ký thông báo khẩn gửi các ngành chức năng và người dân, yêu cầu tập trung mọi nguồn lực phòng chống bão Utor trên tinh thần khẩn trương nhất. Khi chính thức xác định bão sẽ vào miền Tây mà cụ thể là Trà Vinh thì lập tức phải sơ tán khoảng 20 ngàn hộ dân vùng xung yếu ven biển, dọc sông Tiền, sông Hậu và các cù lao vào ngay địa điểm trú ngụ an toàn. (Quang Minh Nhật)

Kiên Giang: Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết: Đến chiều hôm qua 10.12, gần 300 tàu của ngư dân Kiên Giang đánh bắt hải sản trên biển Đông đã nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và tìm nơi trú bão an toàn. (Tấn Đức)

Bến Tre: Chiều 10.12, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Tu cho biết: Ngay từ 8 giờ sáng cùng ngày, huyện đã phát lệnh cấm không cho tàu thuyền ra biển, nhưng trước đó cũng đã có 14 chiếc ra khơi. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải liên lạc, gọi họ lập tức quay về đất liền. Ông Tu cũng cho biết, đã phát hiện thêm một người nữa thiệt mạng trong cơn bão vừa qua tại Bình Đại, nâng con số lên 5 người. Nạn nhân tên là Nguyễn Thị Cưng, 54 tuổi, ở ấp 4, xã Phú Long, đi tu nhiều năm ở Tiền Giang. Hôm đó bà về quê thăm 2 người em thì gặp bão, bị nhà sập đè chết nhưng người nhà không hay.

Tiền Giang: Chiều qua, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) Lê Văn Nghĩa cho biết toàn huyện có hơn 700 tàu đánh bắt trên biển và đã có 220 chiếc ra khơi. Huyện đang tìm mọi cách liên lạc và yêu cầu số tàu này quay về đất liền, đồng thời yêu cầu các đồn biên phòng cấm và không ký duyệt sổ cho tàu thuyền ra biển. Các lực lượng cứu hộ cũng đã tìm được xác của 2 người dân địa phương trên biển Bình Đại, Bến Tre (một người ở xã Vàm Láng và một ở xã Tân Phước), trong số 4 nạn nhân được cho là mất tích do bão số 9 gây ra. (Hoàng Phương)

Cà Mau: Ngày 10.12, ông Phạm Thành Tươi, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết hiện Cà Mau có 9.400 tàu lớn nhỏ với 17.525 ngư phủ đang đánh bắt ngoài khơi, tất cả đã nhận được thông tin về bão và sẵn sàng quay vào bờ khi có lệnh gọi.

Bạc Liêu: Ông Lai Thành An, Chánh văn phòng Ban PCLB tỉnh cho biết, tỉnh đã phát 2 thông báo về bão Utor trên các phương tiện thông tin đại chúng từ 2 ngày qua. Hiện Bạc Liêu có 752 tàu đánh bắt ngoài khơi với 5.139 ngư phủ. Tỉnh đã gọi vào bờ được 558 tàu, còn 194 tàu đang trên đường vào bờ. (Tiến Trình)

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.