Bão Utor sẽ chết giữa Biển Đông?

13/12/2006 09:59 GMT+7

Sáng nay 13/12, hầu hết các mạng dự báo quốc tế cho thấy bão Utor đang và sẽ loay hoay ở 111 kinh độ đông trong vài ngày tới và không tiến triển bao nhiêu khi bị gió mùa đông bắc đẩy xuống hướng tây nam.

Tại cảnh báo số 24 sáng 13/12, mạng dự báo JTWC (Mỹ) cho biết, lúc 1 giờ sáng cùng ngày bão ở gần 16,0 độ vĩ bắc và 113,6 độ kinh đông, di chuyển theo hướng la bàn 305 độ tây tây bắc, mỗi giờ đi được 11 hải lý (1 hải lý = 1.853m), chưa thể bẻ lái hướng bắc tây bắc như dự báo chiều 12/12. Đến 13 giờ 13/12, bão di chuyển đến 16,8 độ vĩ bắc và 111,9 độ kinh đông, gió tối đa 80 - 100 hải lý/giờ. Đến 1 giờ sáng 14/12, bão tiếp tục di chuyển đến 17,3 độ vĩ bắc và 111,3 độ kinh đông, hướng la bàn 310 độ tây tây bắc, mỗi giờ chỉ 4 hải lý, gió 70 - 85 hải lý/giờ. Hồi 13 giờ chiều 14/12 hầu như bão chỉ nhích lên một chút, loay hoay trong thế bị kẹt giữa Biển Đông, gió giảm còn 50 - 65 hải lý/giờ, di chuyển theo hướng tây bắc. 


Hai vùng mây bão ngoài khơi Philippines trên ảnh vệ tinh của Hải quân Mỹ
JTWC dự báo thêm (có sai số) đến 1 giờ sáng 15/12, vùng tâm bão gần 17,9 độ vĩ bắc và 110,9 độ kinh đông (tức tiến sâu vào hơn 60 hải lý), gió tiếp tục giảm, còn 40 - 50 hải lý/giờ. Đến 1 giờ sáng 16/12, bão bị đẩy xuống, đi theo hướng tây nhưng có dấu hiệu của tiến trình suy yếu do mạn sườn bên phải bị “lưỡi gươm” gió mùa đông bắc đâm phải, lại đối mặt “khẩu thần công” của khối không khí khô lục địa trong khi “nội bộ lủng củng” do tồn tại khối gió nghịch chiều. Theo JTWC, lúc 1 giờ sáng 17/12, bão theo hướng tây nam, vùng tâm bão gần 17,7 độ vĩ bắc và 110,5 độ kinh đông, gió chỉ còn 20 - 30 hải lý/giờ, bão suy yếu và tan biến trên biển Đông.  
Theo TS Trần Tiễn Khanh, vận tốc gió cấp 12- 17 mà VN đang dùng nhỏ hơn vận tốc gió của thước Saffir-Simpson mà JTWC (Mỹ) và TSR (Anh) dùng. Giải thích vì sao hai cơ quan nêu trên tính sức gió tối đa và gió giật cao hơn các mạng dự báo khác khoảng 12%, ông giải thích, do họ tính vận tốc gió trung bình 1 phút trong khi các mạng khác như JMA (Nhật), HKO (Hồng Kông) tính trung bình 10 phút.

Đó có thể là tin mừng nhưng lại có tin rất đáng lo. “Hiện đang có hai quầng mây bão cỡ Utor ở phía đông Philippines! Nếu chúng thành cơn bão mới kết hợp với bão Utor thì đó là đại họa!”  Đó là thông tin mới nhất TS Trần Tiễn Khanh (Mỹ) vừa gửi về cho chúng tôi. Ông nhấn mạnh: “Mọi diễn biến của bão rất bất ngờ. Bão cuối mùa thường có những thay đổi đột ngột ngoài dự báo nên cần phải theo dõi nó thường xuyên, nhất là xem hình vệ tinh để có thể đoán hướng đi của bão”.

Bảng cấp gió và cấp sóng Việt Nam đang dùng

 

Đ.N.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.