"Hổng có ai đi học hết!"
Xóm Muối là hai dãy nhà đâu lưng vào nhau, nằm biệt lập bên cánh đồng ruộng muối. Tại đây, căn nhà đầu tiên được dựng lên độ chừng 19 năm nay. Lúc chị Thạch Thị Nương và anh Ngô Loán về sống với nhau, cả hai đều không có cục đất chọi chim. Khi đứa con đầu lòng của hai anh chị là Ngô Thị Hiếu biết bò lẫm chẫm, hai người quyết định dựng đại một căn chòi bên bãi đất bỏ không, cặp cánh đồng muối. Chủ ruộng muối thấy cảnh hai vợ chồng nghèo, cũng làm thinh cho ở. Dần dần, một căn, hai căn rồi ba căn... Những đứa trẻ lớn lên dựng vợ gả chồng cũng cất những căn nhà lá ở gần cha mẹ, thế là thành xóm, với gần 30 nóc gia và trên 100 nhân khẩu. Vì ở cạnh ruộng muối nên người ta gọi là xóm Muối. Gần 20 năm, ba thế hệ con người cùng sinh sống ở đây. Mỗi người đến từ một nơi khác nhau, nhưng tất cả cư dân xóm Muối đều có chung một hoàn cảnh: không đất, nghèo xác xơ và... không biết chữ.
"Ở xóm này hổng ai đi học hết chú ơi", chị Thạch Thị Nương (40 tuổi) nói thêm: "Chỉ có nhà tui với nhà kế bên có con từng đi học, nhưng mà nghỉ hết rồi". Được biết, cả 3 đứa con của chị Nương đều bỏ học giữa chừng để theo cha ra biển mò cua bắt ốc kiếm sống. Chị tặc lưỡi: "Con Ly Na nhà tui học giỏi lắm, nhưng đi học 10 ngày, tui kiếm không ra 500 đồng cho nó cầm theo ăn bánh mỗi ngày. Vào lớp 4, không có tiền mua quần áo cho con, tui đành cho Ly Na nghỉ học". Nhưng với "trình độ" lớp 3 thì Ly Na đã là đứa trẻ "có học" nhất xóm.
Bà Kim Thị Sươl, 53 tuổi, là vợ của ông Trần Tràm. Hai vợ chồng có 8 mặt con, cả 8 đều không được đến trường. Lúc tôi đến, ông Trần Tràm cùng với 2 đứa con gái, đứa 14 tuổi, đứa 10 tuổi đi bắt ốc ngoài biển. Khi tôi hỏi vì sao không cho con đi học cho có cái chữ với người ta, bà Sươl lắc đầu: "Xóm này đâu phải chỉ có nhà tui". Kế đó, bà Quách Thị Kim Lén có 10 người con thì cả 10 đều cam phận dốt chữ. Bà Lê Thị Xịa, 67 tuổi, có 7 con, cả 7 không biết chữ. Từng nhà, từng nhà trong cái xóm Muối nghèo khó ấy, tôi đến đều chỉ nhận được sự lắc đầu khi hỏi đến việc tới trường học.
Cái ăn còn tính không xong
Bà Lâm Hồng Thương, Trưởng ban nhân dân ấp Biển Đông B, kể: mỗi khi "đụng chạm" tới giấy tờ đối với dân xóm Muối là rất khó. Sổ hộ nghèo bà làm sẵn đem đến tận nhà. Thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em bà cũng đem tận nhà. Tuy nhiên, vì không biết mặt chữ nên nhiều người trong xóm không hiểu những loại giấy tờ đó dùng để làm gì. Khi có chuyện cần dùng đến hỏi lại thì mới biết chúng đã bị... vứt bỏ từ lâu. Bà Thương kể: mùa hè trước có đoàn sinh viên tình nguyện về xóm dạy chữ, nhưng không ai thèm học. Bà xuống vận động thì mọi người trả lời: "Đi học thì ai đi làm mà ăn". Nhiều gia đình ở đây cũng vì lý do đi học không có người làm, sẽ đói nên không cho con đến trường. Dù họ biết, không có chữ trong đầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Không đất, không chữ, không nghề - cư dân xóm Muối hằng ngày sinh sống dựa vào bãi biển cách đó 2 km. Ra biển, họ cũng không có phương tiện đánh bắt nào ngoài bới tìm, lượm lặt nghêu, sò. Số tiền kiếm được trong ngày lắm khi còn không đủ mua gạo nấu hai bữa cơm. Bà Sơn Thị Sên, 72 tuổi, than: Nhà bà chỉ có hai vợ chồng già. Chồng bà, ông Kim Doanh, 74 tuổi, sức đã yếu rồi, nhưng ngày nào cũng phải đi biển để kiếm cái ăn. Nếu tìm được nhiều nghêu sò thì hai vợ chồng mua được 1 kg gạo, được ăn no. Ngày nào thất bát thì ăn không no. Ông bà có 2 con gái, người thứ hai tên Kim Thị Xâm có chồng bên sông. Ông Kim Doanh sáng nay phải lội qua nhà con gái để ăn cơm, vì ông đau bụng không đi biển được. Buổi tối, ông lại phải một lần lặn lội qua nhà con gái để được ngủ, ông than bị nhức khớp xương, trời trở lạnh, căn chòi trống gió vào, hai ông bà cụ không có gì để đắp, qua nhà con gái thì ngủ ấm hơn. Còn phần bà, bà Sên khoe, mới được con gái lớn có chồng gần đó cho ăn 1 chén cơm, ngon lắm! Khi tôi dúi vào tay tờ giấy bạc, bà Sên run run chắp tay vái phật trời. Bà nói bà có thể mua gạo cho lại con gái bà ăn no, vì buổi sáng đó cả nhà mỗi người chỉ ăn được 1 chén cơm, mà chỉ có chén của bà là được đầy.
Xóm Muối, thực chất chỉ là tên gọi, vì cư dân ở đây chẳng ai được kiếm ăn trên đồng muối trước nhà. Xóm Muối cũng có thể không có tên trong bản đồ hành chính xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu, mặc dù những người dân nghèo khó, những đứa trẻ hằng ngày vẫn đi đi, về về kiếm sống trên con đường ra biển ngang ủy ban xã. Xóm Muối - "xóm mù chữ" - nằm đối diện, cách UBND xã trên dưới 100 mét, cặp khu chợ vừa mới xây bỏ trống.
T.T
Bình luận (0)