1. Đối với thiết bị điện tiếp xúc trực tiếp với nước
Đối với máy lọc nước, hộp lọc thường được đặt bên trên bể cá nên cần hết sức lưu tâm không để nước tràn ra ngoài, thường xuyên thay tấm xốp lọc. Bộ lọc ngâm thẳng vào hồ nên kiểm tra chất lượng nhựa bọc của dây dẫn là điều tối cần thiết, nếu thấy lớp này bị rạn nứt thì thay ngay. Tốt nhất là thay máy lọc định kỳ khoảng 2-3 năm/lần. Cách thức tương tự cũng áp dụng cho các thiết bị tiếp xúc trực tiếp với nước như thanh sưởi (giữ ổn định nhiệt độ nước), đèn chiếu sáng ngâm trực tiếp trong nước, các thiết bị trang trí... Lưu ý: người nuôi cá cảnh thường bỏ một lượng muối vừa phải vào hồ để sát khuẩn, do đó nước trong hồ có độ dẫn điện rất cao.
2. Đối với thiết bị không tiếp xúc trực tiếp với nước
Thứ nhất phải kể đến đèn chiếu sáng (ngoại trừ loại ngâm hẳn vào trong nước). Hết sức lưu ý, đa số trường hợp bị giật điện là do các nguồn điện của thiết bị đặt ngoài này, vì người chơi cá cảnh chủ quan. Phải thận trọng, không để đèn rơi xuống nước. Đặc biệt, không để nước lọt vào ổ cắm. Đối với máy sục khí, cần kiểm tra và lau khô phích cắm trước khi nối nguồn; khi phích cắm bị rơi vào hồ cần thiết tách riêng thiết bị này lau, phơi khô hẳn mới tiếp tục sử dụng.
3. Đối với người chơi
Khi thiết kế hệ thống dẫn điện phải bố trí vị trí phích cắm, vị trí đặt thiết bị tránh hướng hơi nước từ hồ cá bốc thẳng lên, tránh để nước chảy loang trên các thiết bị điện.
Ngọc Anh
Bình luận (0)