Xu thế kỹ thuật điện tử trong mấy chục năm qua là chế tạo các linh kiện ngày càng nhỏ với các transistor, mạch vi điện tử có kích thước tính bằng micro-mét (1/1.000.000 mét) và bây giờ là nano-mét (1/1.000.000.000 mét) với các hiệu ứng điện tử được phát huy ở mức cao nhất. Công nghệ nano mới hình thành trên thế giới khoảng 20 năm gần đây, và đã đưa ra rất nhiều sản phẩm phục vụ con người như: máy tính nano xử lý thông tin với tốc độ lớn hơn hiện nay rất nhiều lần và có giá thành rẻ, ống nano làm sợi tóc thắp sáng bóng đèn và có sức mạnh gấp 10 lần thép giúp sản xuất hàng loạt thiết bị cho ngành sản xuất xe hơi, máy bay và tàu vũ trụ... Cũng với tiêu chí nhỏ gọn và giá thành rẻ, tất cả linh kiện trong máy ảnh kỹ thuật số, nhạc số, đồ gia dụng... đều thực hiện bằng công nghệ nano.
Thế nhưng, công nghệ nano không chỉ dừng ở đó. Đặc biệt, khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton thông qua chương trình phát triển khoa học, coi công nghệ nano là ưu tiên số 1 của nước Mỹ kể từ tháng 7.2000, công nghệ này trở thành chương trình mang tính quốc gia, có triển vọng lớn đến phát triển kinh tế xã hội của nhiều nước Âu - Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Nếu như con đường của các nhà vật lý là đi từ to đến nhỏ thì khi chế tạo các linh kiện nano, các nhà hóa học lại đề xuất một hướng ngược lại: đi từ các phân tử rất nhỏ bé để hợp thành nano. Khi hình thành những linh kiện nano thì thực chất đã ở mức tế bào và đến lượt các nhà sinh học, y học cũng bắt đầu tham gia với việc nghiên cứu, điều chỉnh quá trình sinh học ở mức độ tế bào. Điều đặc biệt ở đây là những tế bào nhân tạo có thể tạo thành những robot, những thám tử nano đưa vào cơ thể con người. Những "thám tử" đó có thể theo dõi những cuộc chiến đấu giữa hồng huyết cầu và vi trùng trong cơ thể người, "quay phim, chụp ảnh" bằng kỹ thuật số và hiển thị lên màn hình để các bác sĩ có những chẩn đoán và điều trị chính xác.
Năm 1997, tại Hội nghị chất rắn toàn quốc ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Hội Vật lý Việt Nam đã kêu gọi các nhà vật lý cả nước tập trung nghiên cứu công nghệ nano. Năm 2004, Bộ Khoa học - Công nghệ công bố hướng khoa học được Nhà nước ưu tiên phát triển chính là công nghệ nano. Cũng trong năm đó, Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) được thành lập và khoa Công nghệ nano bắt đầu tuyển sinh. Tuy chưa có chương trình đào tạo ở bậc ĐH nhưng ngay từ đầu Phòng thí nghiệm Nano ĐHQG - TP.HCM đã phối hợp với Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) tổ chức đào tạo thạc sĩ chuyên ngành "Vật liệu và linh kiện nano", đến nay đã khai giảng khóa thứ 2.
Trao đổi với Thanh Niên, Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội, Chuyên gia vật lý hàng đầu của VN) nhận định: "Với việc hình thành phòng thí nghiệm này, ĐHQG TP.HCM đang tiến lên vị trí dẫn đầu về cơ sở vật chất của công nghệ nano tại VN. Phòng thí nghiệm ra đời lúc này có thuận lợi rất lớn là đi theo xu thế hiện đại nhất của thế giới với đặc điểm nổi bật là thiết bị đồng bộ, có sự hợp tác của nhiều viện khoa học danh tiếng nước ngoài...".
Với việc Việt Nam gia nhập WTO, đầu tư của nước ngoài vào công nghệ (nhất là các khu công nghệ cao) sẽ tăng lên rất nhiều nên chắc chắn sẽ có rất nhiều nhà máy sử dụng công nghệ nano. Việc đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực này để phục vụ ngay trên đất nước là một hướng đi phù hợp.
Nhựt Quang
Bình luận (0)