Dù là người "ngoại đạo" tin học, nhưng tôi cảm thấy có gì hơi gợn, hơi lố khi người ta đua nhau "ngợi ca" một hành động rõ ràng là không hay như vậy của một em học sinh lớp 12. Và có hấp tấp quá không khi ta "vu" ngay cho em Trí là một "nhân tài"? Thậm chí, có người còn sẵn sàng trả tiền phạt (dự kiến 20 triệu) cho em học sinh này, trong một vụ việc còn chưa ngã ngũ. Có cảm giác, lại một "chiêu quảng cáo" rất có hại cho "sức khỏe học trò" xuất hiện.
Anh Quảng đã giải thích trường hợp này, theo tôi, là rất rõ ràng. Trong cuộc đời, kể cả trong tin học, phá hoại bao giờ cũng dễ hơn xây dựng. Dĩ nhiên, nếu em Trí chỉ thực tâm muốn cảnh báo cho những người quản trị mạng website Bộ GD-ĐT thấy những "lỗ hổng" của website này để kịp thời "vá lại", mà những admin Bộ GD-ĐT lại bỏ ngoài tai, thì em Trí rất đáng được biểu dương. Nhưng nếu ngược lại, như anh Quảng nói (anh có những tài liệu mà chúng ta không có) thì vấn đề lại sang hướng khác.
Dù sao, cách hành xử của người phụ trách tin học Bộ GD-ĐT là rất dở. Vì đâu có gì phải xấu hổ khi website của mình phụ trách bộc lộ một số sai sót (gọi là lỗ hổng, hay gì đó). Sai thì sửa, ai góp ý tốt cho mình thì nên khiêm nhường lắng nghe, kể cả khi người ta "góp" với ý đồ nào chưa rõ. Tại sao lại "đổ quạu" vặc lại, dùng lại cách mà "đối phương", dù là tấn công hay cảnh báo mình, đã dùng?
Nhưng qua vụ việc này, điều mà "người lớn" chúng ta nên rút kinh nghiệm, như đã rút kinh nghiệm từ "bài văn lạ" năm 2005, là nên thận trọng trước mỗi vụ việc chưa rõ ràng. Đừng vì muốn áp đặt những ý định hay ý đồ "người lớn" của mình mà đẩy trẻ con lên "hàng tiền đạo" khi chúng chưa được chuẩn bị đủ những kiến thức, kỹ năng, và nhất là bản lĩnh của một "tiền đạo". Mình là người lớn, nên nói thẳng những gì mình nghĩ hay muốn, đừng "thác lời" trẻ con, tội chúng nó!
Thanh Thảo
Bình luận (0)