Cộng đồng người Việt đặc biệt ở Trung Đông

06/01/2007 23:50 GMT+7

Biết đoàn nhà báo Việt Nam đang có mặt ở Israel, họ đã tìm mọi cách để liên lạc, và sáng sớm, đã đánh xe từ Tel Aviv xuống Jerusalem để chờ gặp chúng tôi. Họ là một trong số ít ỏi người Việt sinh sống ở vùng Trung Đông nóng bỏng.

Có lẽ họ là một cộng đồng người Việt ở nước ngoài đặc biệt nhất thế giới, ít ỏi, chỉ sống ở một thành phố, ra đi trong một hoàn cảnh đặc biệt, sống ở một đất nước đặc biệt, và cũng có những số phận thật đặc biệt. Toàn bộ người Việt tại Israel hiện nay có vỏn vẹn khoảng 200 người, với 37 gia đình, tất cả đều sống ở thành phố Tel Aviv, ngoài ra không có ở bất kỳ thành phố nào khác trên khắp Israel.

Cánh nhà báo Việt Nam chúng tôi và những người Việt ít ỏi ở Israel xuống từ Tel Aviv gặp mặt nhau trong một nhà hàng ở Jerusalem khi chúng tôi vừa đi thăm một trường học trẻ em Do Thái và Ả Rập cùng học tập và chung sống trở về. Họ gồm 6 người Việt, có ba người già, một người trung niên, hai người trẻ và có lẽ là đại diện cho đủ các thế hệ người Việt ở đây.

Những người già đều nói tiếng Việt, riêng Thi Việt và em gái cô nói được tiếng Việt rất ít. Thi Việt, một nhà báo trẻ của tờ Israel News, tờ nhật báo có số lượng phát hành thứ 3 Israel bắt đầu câu chuyện của cô bằng một thứ tiếng Việt không được chuẩn lắm. Trong câu chuyện đôi lúc cô còn nói lẫn cả tiếng Anh, tiếng Do Thái, có lẽ tiếng Việt là một trong ba thứ tiếng mà cô nói được ít nhất. "Đó là do tôi bắt mọi người trong nhà nói tiếng Việt thường xuyên mới được như thế đấy" - bố cô ngồi bên cạnh nhìn tôi mỉm cười nói.

Nhà Thi Việt có 3 chị em gái, sống ở Tel Aviv, cô là con gái lớn, cựu sinh viên Đại học báo chí Jerusalem, vừa ra trường năm ngoái. Bố mẹ đều là công nhân, trong nhà cô, bố mẹ cô nói tiếng Việt, ba đứa con nói tiếng Anh và tiếng Do Thái. Những người Việt như cô lớn lên ở Isreal được coi là thế hệ thứ hai, có quốc tịch Israel, mọi sinh hoạt cộng đồng đều giống như những công dân Israel khác và theo luật Israel, đến 18 tuổi nam cũng như nữ đều phải đi lính hai năm.

Thi Việt là biên tập viên trẻ của chuyên mục văn hóa - xã hội của Israel News. Cô cho biết sinh viên ra trường ở Israel xin việc cũng không phải dễ, nhưng khi ra trường cô đã nộp đơn vào tờ báo này và được nhận ngay với một mức lương mà theo cô là "hoàn toàn đủ sống". Thi Việt chưa về Việt Nam lần nào, cô nói muốn về Việt Nam để viết một phóng sự về đất nước quê hương cô cho tờ Israel News. Bố cô là một người đàn ông nhỏ con, nói giọng Bắc, có vẻ rất tự hào về ba cô con gái, ông đã gắng nuôi các con học hành tử tế, và nhà cô là một trong những gia đình hiếm hoi trong cộng đồng có con học đại học. Hai cô con gái nhỏ nhà ông đang học trung học, sắp tới cũng sẽ thi đại học. Chúng tôi hỏi Thi Việt liệu cô và em gái có muốn kết hôn với người Do Thái không, thì Việt cười lớn và nói rằng: "Không có vấn đề gì".

Người Việt ở đây không phải ai cũng được như nhà Thi Việt, một số người già vẫn đi làm, số còn lại sống nhờ trợ cấp của chính phủ; lớp trẻ thì đa số quyết định không đi học đại học, lớn lên học xong phổ thông trung học rồi kiếm ngay cho mình một việc gì đó để kiếm sống. Cuộc sống của họ nhìn chung cũng không quá khó khăn, cũng không sung túc. Hầu hết trong câu chuyện thế hệ già đều có ký ức về đất nước khi họ ra đi sau chiến tranh, họ đều muốn quay về Việt Nam, nhưng cũng không biết bằng cách nào, tuy nhiên gần đây có một số người đã về thăm Việt Nam.

Lịch sử của cộng đồng người Việt ở đây theo câu chuyện của ông Nguyễn Lê Bách - cựu Đại sứ Việt Nam tại Israel, Ai Cập, Jordan, thì "bà con mình sang Israel trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, và không lấy gì làm vui". Đầu đuôi câu chuyện như sau: vào những năm 70, có 150 "thuyền nhân" ở một vài tỉnh phía Bắc lên tàu ra nước ngoài. Lênh đênh trên biển khơi được mấy ngày thì tàu hư máy, thức ăn thức uống cạn kiệt. Đúng vào lúc tưởng chừng như tuyệt vọng thì may mắn cho họ là có một chiếc tàu buôn của Israel chạy ngang gần đó. Nhìn thấy những tấm áo trắng đang huơ cầu cứu, viên thuyền trưởng cho tàu đến gần và cho họ lên tàu. Do lộ trình của chiếc tàu rất xa hải phận Việt Nam, viên thuyền trưởng đã liên hệ với nhiều hải cảng các nước trên đường đi, nhưng không một quốc gia nào chấp nhận cho số người này cư trú. Chẳng còn cách nào khác, viên thuyền trưởng Do Thái phải quyết định đưa họ về Israel. Trải qua nhiều cuộc kiểm tra, xem xét, phỏng vấn kỹ lưỡng, chính quyền Israel đành cho phép họ cư trú tại mấy trại định cư gần Tel-Aviv, thủ đô cũ của Israel.

Sở dĩ dân số của cộng đồng người Việt ở đây không tăng lên mấy là vì các lý do như: không có thêm người Việt nhập cư vào Israel, trong khi đó một phần lớn trong số họ lại tiếp tục đi theo gia đình hoặc bà con sang Mỹ. Tất cả họ đều đã nhập quốc tịch Israel, hòa nhập tốt với xã hội Israel, nói được tiếng bản xứ, có công ăn việc làm đàng hoàng. Ông Nguyễn Văn Đe, một doanh nhân Sài Gòn đến Israel cách đây 32 năm còn nói thêm rằng theo ông biết thì có một người Việt đã theo đạo Do Thái.

Đa số họ là công nhân, làm ăn buôn bán, làm việc ở các nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên làm ở nhà hàng vẫn là công việc yêu thích nhất của người Việt, đã có 6 người Việt là chủ nhà hàng ăn nhỏ với các món ăn châu Á tại Tel Aviv. Anh Hùng, một thanh niên trẻ, cũng đang làm thuê cho một nhà hàng ăn châu Á tại Tel Aviv cho biết anh sắp tích cóp đủ số tiền để mở nhà hàng do anh làm chủ. Anh Hùng gần đây cũng về quê anh ở ngoại ô Sài Gòn để lấy vợ và đưa vợ sang sinh sống ở Israel.

Vì quy mô ít ỏi, nên hầu như người Việt ở đây đều biết hết mặt nhau, biết hết được thông tin về nhau và sống rất đoàn kết. Cứ đến cuối tuần, những người già lại tụ tập với nhau để nấu nướng, ăn uống, hỏi thăm nhau, ôn lại những câu chuyện về quê hương. Như để chứng minh, họ nhất quyết rằng khi lên Tel Aviv, chúng tôi phải gọi điện ngay cho họ, họ sẽ đến đón chúng tôi, và hứa hẹn chiêu đãi chúng tôi những món ăn kết hợp Việt Nam - Israel đặc biệt.

Về cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Palestine, họ nói họ cũng không lo sợ lắm về vấn đề an ninh và không quan tâm nhiều, chỉ lo làm ăn, sinh sống. Ông Nguyễn Văn Đe qua Israel hồi ông 32 tuổi, khi đang là một doanh nhân ở Sài Gòn, nói rằng ông rất muốn trở về Việt Nam, đặc biệt là muốn ra Hà Nội để thăm Lăng Bác, nhưng ông vẫn nghĩ là thủ tục về nước chắc nhiêu khê lắm. Ông từng được bạn ông, một người đã về thăm Việt Nam, cho biết đã bị làm khó dễ về visa.

Tiễn chúng tôi ra tận xe ô tô, họ còn nhắn nhủ: "Bao giờ Việt Nam có đại sứ quán tại Israel? Nếu có tin tức gì về việc thành lập đại sứ quán, đoàn Việt Nam sang đây nhớ thông báo ngay cho chúng tôi nhé". Nhìn theo những bóng người Việt xa dần nhỏ bé đang vẫy tay chúng tôi trên đường phố Jerusalem, những buồn vui lẫn lộn cho những số phận của người Việt đặc biệt nơi Trung Đông xa xôi khói lửa dâng trào trong tôi.

Xuân Danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.