Hươu chết hóa thành đặc sản nai rừng!
Bà Thìn, chủ của 5 con hươu ở Tây Sơn, Hương Sơn (Hà Tĩnh) mấy hôm nay buồn rượi! Chả là nhà có con hươu cái đang chửa, sắp đến kỳ sinh hạ cho bà chủ một nhóc hươu nữa thì nó nằm bẹp vì ốm. Cho lá mít, lá xoan, thường nó nhai ngấu nghiến, thế mà giờ chẳng hề đếm xỉa.
Từ khi hươu ốm, ngày nào cũng có bác sĩ túc trực, có hôm tới hai bác sĩ, liên tục dò ống nghe để khám dạ dày và đo... huyết áp! Bà cũng tốn hàng triệu tiền thuốc kháng sinh tiêm cho hươu nhưng kết cục con vật quý, giá trị bằng 7 con trâu vẫn lăn đùng ra chết.
Đội "săn hươu chết" có mặt ngay lập tức. Họ nhanh chóng mua con hươu của bà với giá rẻ mạt, chỉ 300.000 đồng, tức bằng chưa đầy 1% giá trị khi hươu đang sống. "Họ mua hươu chết nặng ngang con bò đưa đi đâu, hay giết thịt?". Bà Thìn tiếc của nhưng không ngại ngần kể rành rọt đường "phiêu lưu" của con hươu chết nhà mình: "Chúng lại đưa ra Hà Nội nhập làm thịt thú rừng chứ ở nhà ai dám ăn con hươu mang đầy kháng sinh, hóa chất kia!".
Hương Sơn, Hà Tĩnh - xứ sở loài hươu nổi tiếng và là huyện nuôi nhiều hươu nhất cả nước. Nhiều gia đình giàu vì hươu nhưng kiệt quệ cũng vì hươu. Thời hoàng kim, giá trị một con hươu đạt tới 20 đến 30 cây vàng nhưng sau này hươu sụt giá thê thảm, có thời điểm chỉ... hơn con bò một chút. Giờ thì hươu bước đầu lấy lại giá trị của nó, giá một con hươu cũng 25 đến hơn 30 triệu đồng.
Nhiều gia đình, hươu là tài sản lớn nhất và đương nhiên không ai giết thịt khi hươu đang sống. Trong y học cổ truyền, lộc nhung hươu được coi là thứ bồi bổ như có tác dụng sinh tinh, bổ huyết, dùng trong trường hợp hư tổn cơ thể, nam giới yếu về sinh dục, nữ giới sinh khí hư. Người liệt dương cũng có thể chữa trị bằng lộc nhung hươu.
Tuy nhiên, khi hươu chết, thịt hươu ăn không ngon, kém hơn cả thịt lợn và... rẻ như cho vì tái mùi. Hơn nữa tất cả những con hươu được làm thịt thì 100% đều là hươu chết. Mỗi trận ốm, hươu cũng nếm đủ các loại thuốc tây, thuốc ta, các loại vaccine... nên không gì lạ khi hầu hết hươu ốm được chữa mà không qua khỏi, thịt hươu mùi thuốc kháng sinh nồng nặc rất khó ăn.
Tin hươu bị ốm được loan báo và có sẵn đội lưu động dường như thường trực ngay từ thời điểm hươu còn ốm ngắc ngoải để "đón lõng". Giá một con hươu chết chỉ bằng vài yến gạo, được đội "săn hươu chết" lùng sục, mua ngay lập tức.
Hươu được đưa về "xưởng mổ", thui nguyên con, tiêm chất bảo quản để đảm bảo thịt tươi rồi đóng vào bao tải, nhanh chóng đưa ra Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh... Hầu hết các chuyến chở thịt hươu chết được giấu trong khoang xe khách, chạy trong đêm hoặc xe tải nhẹ. Khi nhập cho nhà hàng, quán thịt thú rừng, do được tiêm chất bảo quản nên thịt còn tươi nguyên, chủ hàng mua lại có thể từ 1-2 triệu đồng/con, như vậy các tay săn hươu chết cũng lãi trên 1 triệu đồng/con.
Khi nhận hươu chết, một số tiệm kinh doanh ăn uống chủ yếu chuyển thành món... nai rừng (?!). Cách đánh lừa này rất dễ bởi hươu và nai cùng họ, nom có vẻ giống nhau nhưng con nai chỉ sống ở rừng, không nuôi được như hươu. Con nai to hơn hươu, lông cứng hơn và màu xám, không có đốm như hươu...
Thực khách mấy ai nhìn thấy nai rừng, chỉ nhìn thịt giống thì coi là nai, thế thôi. Vậy là những đĩa chế biến hươu chết thành nai rừng, mặc hóa chất và kháng sinh trong thịt hươu còn ngấm đầy, khách vẫn có thể bị "chém" giá cắt cổ!
Dúi rừng, chồn, tê tê... nhét cháo và cuộc phiêu lưu về đô thành
Lâu nay, tuyến QL 8A, dư luận phản ánh nhiều về việc các tay săn "hàng con" (dúi, tê tê, chồn, cầy hương...) về Hà Nội hoặc tiếp tục hành trình vượt qua biên giới phía Bắc. Hầu hết các loại "hàng con" có nguồn gốc từ bên kia cửa khẩu Cầu Treo, do các tay săn thú rừng ở Lào "khuân" về bán cho đầu nậu.
Khác với hươu chết, các loại "hàng con" này giá bán gốc đã rất đắt, con vài ký cũng xấp xỉ tiền triệu. Nhưng hành trình của "hàng con" đến quán nhậu có gì đặc biệt, con vật bị đối xử thế nào, ai lừa ai và ai là nạn nhân cuối cùng?
Thật ra, chồn, tê tê, cầy hương... đều không yên phận khi bị nhốt vào lồng sắt, tất cả phải trải qua cuộc "tra tấn" dạ dày. Đó là những loài thú rừng này sau khi mua ở Lào với giá rẻ, các đầu nậu chuyển về thị trấn Tây Sơn cho vào chuồng lưới sắt. Tại đây, hàng loạt thùng cháo loãng đã đợi sẵn...
- Cầy hương này nặng bao nhiêu?
- Dạ, chừng 4 kg!
- Bé thế, nhét thêm 2kg cháo cho đủ 6kg!
Không một con thú rừng nào chịu há miệng ăn khi đã bị bắt nhốt vào lồng. Không khó khăn, các tay đầu nậu dùng ống nhựa dẻo, có đường kính khoảng 0,7cm - 1cm, nhét thẳng vào cuống họng con vật rồi đẩy thức ăn vào dạ dày, mặc chúng đau đớn, giãy sùi bọt mép. Dựng đứng con vật lên, đầu kia của ống nhựa liên tục đổ cháo loãng, bơm ừng ực cho đến khi nào bụng căng, nặng đủ ý ông chủ thì thôi (muốn nặng thêm 1kg thì đổ thêm 1kg cháo, muốn nặng thêm 2kg thì đổ 2kg cháo...).
"Hàng con" đều đang sống, nhanh chóng được bỏ vào thùng xe khách hoặc xe con chuyển ra Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh, có khi ra tận biên giới phía Bắc. Sau dăm tiếng trên xe, bụng con thú xẹp bớt, vậy là đầu nậu được lợi mà người nhận hàng cũng khó phát hiện.
Nhưng nếu "hàng con" bị nhốt thêm vài ngày ở nhà hàng, quán thú rừng, nó sẽ hao gầy nhanh chóng, cháo không còn. Biết mình bị lừa và để bù lại khoản thua lỗ này, một số chủ hàng không ngần ngại có thể tiêm ngay thuốc kích thích, cho nở thịt từ 3kg lên... 4kg để từ bị lừa lại thành kẻ lừa người khác!
Khi thực khách ăn, những con vật này được đặt lên bàn cân cho khách nhìn rõ trọng lượng rồi mới chọc tiết, giết thịt, khách vẫn đinh ninh rằng nhìn con vật căng bụng và bàn cân loại xịn kia tất trọng lượng chính xác lắm.
Theo Phan Đăng/báo Công An Dân Nhân
Bình luận (0)