Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN): "Công-tơ điện tử vẫn cần được sử dụng lại..."

10/01/2007 00:02 GMT+7

Như Thanh Niên đã thông tin (thứ ba 9/1/2007), Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý đưa công-tơ điện tử LTE 66 (còn gọi là điện kế điện tử LTE 66) vào sử dụng. PV Thanh Niên đã phỏng vấn ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN xung quanh vấn đề này.

* Thưa ông, EVN đã nhận được công văn của Thủ tướng (số 2199/TTG-CN) về việc Thủ tướng đồng ý đưa công-tơ điện tử LTE 66 vào sử dụng chưa và EVN sẽ triển khai việc này thế nào?

- Ông Phạm Lê Thanh: Tôi cũng mới nhận được văn bản này và chuyển cho anh em trong EVN phụ trách việc này xem xét, có hướng đề xuất xem triển khai việc này thế nào. Công-tơ điện tử là loại thiết bị mà xu hướng chung trên thế giới sử dụng. Chất lượng số công-tơ điện tử vừa qua nhìn chung là tốt nên không thể chỉ vì một số lô có chuyện giả nguồn gốc và xuất xứ mà phủ nhận nó. Các bộ, ngành cũng đã có đề xuất và trên cơ sở xem xét, nghe ý kiến các bộ, ngành, của Bộ Công nghiệp, Thủ tướng đã cân nhắc và có ý kiến chỉ đạo như vậy.

* Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng cũng vẫn có ý kiến lo ngại về chất lượng của số công-tơ điện tử này nếu như nó vẫn tiếp tục được triển khai?

- Ông Phạm Lê Thanh: Trước đây vấn đề về chất lượng của công-tơ điện tử thì theo tôi đó là do dư luận chưa hiểu hết chứ qua kiểm nghiệm, đánh giá thì nhìn chung chất lượng vẫn đảm bảo. Cái quan trọng nhất trong công-tơ điện tử là các bo mạch, con chíp do các nhà sản xuất bên ngoài cung cấp vẫn chính xác. Theo tôi, công-tơ điện tử cần phải được sử dụng vì nó là trào lưu tiên tiến trên thế giới, nó bớt được nhân công, không phải trèo lên cột đo đếm, năng suất lao động cao mà đảm bảo chính xác. Bây giờ nếu cứ làm như công-tơ điện cơ như cũ phải mất hàng chục ngàn nhân công để ghi chép, đo đếm với hàng chục triệu khách hàng thì không chỉ rất bất tiện cho khách hàng mà lại không đem lại hiệu quả. Bộ Công nghiệp cũng đã đánh giá số công-tơ này cần được sử dụng lại. Đây là chủ trương đúng của Nhà nước, còn như vừa qua, ai lợi dụng, làm trái, làm sai thì sẽ bị pháp luật nghiêm trị.

* Thưa ông, nếu như coi số công-tơ điện tử này như là tang vật của vụ án thì sao không chờ sau khi tòa án có phán quyết rõ ràng hơn, lúc đó mới nên triển khai?

- Ông Phạm Lê Thanh: Vì cũng có ý kiến như thế cho nên hiện nay chúng tôi cũng chưa triển khai ngay. Tôi nghĩ là cần có một cuộc hội thảo liên ngành để các bộ, ngành có ý kiến nhằm giúp dư luận hiểu rõ hơn việc này; có văn bản để nói rõ vì sao không còn coi số công-tơ điện tử trên là tang vật nữa.

Mạnh Quân (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.