Thanh tra lại toàn bộ các sai phạm tại Tổng công ty địa ốc Sài Gòn

09/01/2007 23:11 GMT+7

Đầu năm 2007, ông Mai Quốc Bình - Phó tổng thanh tra Chính phủ - cho biết sẽ thanh tra lại toàn bộ những sai phạm tại Tổng công ty địa ốc Sài Gòn (ĐÔSG). Nội dung thanh tra lần này sẽ tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến sai phạm trong một số dự án nhà đất của Tổng công ty ĐÔSG, cũng như sai phạm tại một số đơn vị thành viên.

Một trong số những đơn vị thành viên đang bị thanh tra là Công ty TNHH một thành viên phát triển và kinh doanh nhà (tên cũ là Công ty phát triển và kinh doanh nhà TP) do ông Hồ Tôn Hoàng làm Tổng giám đốc. Trong những ngày vừa qua, tòa soạn Báo Thanh Niên đã nhận được đơn thư của cán bộ, công nhân viên làm việc tại công ty này tố cáo lãnh đạo công ty đã có những sai phạm nghiêm trọng trong khâu đầu tư thực hiện dự án; bán nền, bán nhà tại dự án An Phú - An Khánh (Q.2, TP.HCM); san lấp mặt bằng... Chúng tôi đã tiến hành điều tra, xác minh vụ việc.

Bài 1: "Quan thanh tra" mua nền nhà của phía bị thanh tra

Hơn 900 nền nhà đã được bán dưới giá thị trường

Theo đơn tố cáo: vào những năm 2002 - 2004, trong khi giá bán nền ngoài thị trường ở khu An Phú - An Khánh rất cao, tăng giá rất nhanh thì giá bán của công ty lại khá thấp, không tăng giá hoặc chỉ tăng giá nhỏ giọt, chỉ bằng 1/3 hoặc 1/2 giá thị trường, chênh lệch mỗi nền đất từ 300 - 500 triệu đồng, tùy theo vị trí và diện tích.

Ban giám đốc công ty đã bán tổng cộng hơn 900 nền nhà, trong đó "khách" được duyệt khoảng trên 200 nền nhà, số còn lại bán ra ngoài. Trong số những người được mua nền với giá rẻ hơn so với thị trường ấy, có một vị khách hàng khá đặc biệt: ông Lương Cao Khải - nguyên Vụ phó thuộc Thanh tra Chính phủ (đã bị bắt trong vụ tham nhũng tại Tổng công ty dầu khí VN). Ông Khải đã mua đất ở dự án bằng hợp đồng số 1852/2004 AP-AK ngày 27/2/2004 (nền 217, khu A), tức là mua ngay trong thời điểm công ty này đang bị Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, đoàn do ông Dương Văn Lực (cũng đã bị bắt trong vụ Tổng công ty dầu khí) làm trưởng đoàn (!?).

Tuy theo lý thuyết thì nền đất ở dự án được bán tự do cho mọi đối tượng nhưng trên thực tế thì hầu hết những cán bộ, công nhân viên trong công ty lại không thể mua được (để bán lại kiếm lời vì giá đất rẻ). Điều này chứng tỏ đã có những khuất tất trong việc mua bán các nền nhà thuộc dự án. Một trong những câu chuyện sau đã chứng minh khá cụ thể sự khuất tất này: Để giải quyết thu nhập và đời sống cho cán bộ, công nhân viên ở công ty, ngày 2/8/2002 trong biên bản số 679/BB-LT của cuộc họp liên tịch giữa Đảng ủy, Giám đốc, Công đoàn công ty đã thống nhất bán cho mỗi cán bộ, công nhân viên 1 nhà xây thô tại dự án, thực chất là tìm cách tăng thêm thu nhập cho họ. Thế nhưng, khi ông Hồ Tôn Hoàng nhận chức Giám đốc công ty, thì việc này đã bị gạt bỏ. Quá bức xúc, cán bộ, công nhân viên trong công ty đã phản ứng, cụ thể là Chi bộ khối xây lắp trực thuộc Đảng bộ công ty trong phiên họp ngày 1/5/2003 đã có văn bản gửi Đảng ủy, Giám đốc công ty kiến nghị phải làm rõ 9 vấn đề bê bối trong hoạt động của Công ty, trong đó có vấn đề yêu cầu công khai hóa việc bán nền để tránh vụ lợi.

Không chỉ bán nền, ngay trong việc bán nhà cũng có những dấu hiệu cho thấy mọi việc không diễn biến minh bạch, tạo khe hở cho một số cá nhân có thể rút tiền Nhà nước một cách hết sức dễ dàng. Cao ốc 12 tầng ở An Phú - An Khánh do công ty làm chủ đầu tư. Sau khi công trình này hoàn chỉnh vào tháng 5/2005, công ty đã làm hợp đồng bán cho ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Công ty xây dựng Thái Hưng - với giá 73,042 tỉ đồng. Chỉ 9 ngày sau đó, ông Tâm đã bán lại cao ốc này cho Công ty TNHH phát triển nhà Nam Hưng Nguyên (do bà Nguyễn Thị Thanh Thu làm giám đốc) với giá là 77,095 tỉ đồng, lời 4 tỉ đồng. Sự việc này đã làm xôn xao dư luận khiến sau đó công ty đã phải điều đình lại với ông Tâm, thu hồi lại hợp đồng. Nhưng nếu hợp đồng này được hoàn tất một cách tốt đẹp, Nhà nước đã mất trắng 4 tỉ đồng!

Không chỉ là những vụ mua bán nền, nhà được diễn biến một cách khó hiểu làm cho công ty từ lãi nhiều thành lãi ít, mà xung quanh những lô đất của khu dự án An Phú - An Khánh còn có những luồng dư luận về các đặc quyền, đặc lợi của những người có chức, có quyền của công ty, hoặc có liên quan đến quyền lợi của công ty, như: Lời đồn về một vị nguyên là "sếp" của Tổng công ty ĐÔSG trước khi về hưu đã xuống mua 3 nền đất tại dự án và sau đó bán lấy lãi hàng tỉ đồng; Lời đồn về việc ông "quan thanh tra" khác trong thời gian thanh tra công ty đã từng đòi hỏi quyền lợi của mình trong việc mua, bán những lô đất...

Tiền Nhà nước thất thoát, ai chịu trách nhiệm?

Ngay sau khi nhận được đơn tố cáo, chúng tôi đã lập tức đi tìm hiểu, làm rõ những thông tin trên. Về việc công ty bán những lô đất trong khu dự án An Phú - An Khánh, chúng tôi được biết:

Trong cùng thời điểm, thời gian thị trường đất ở đây đang sôi động, cùng một khu đất ở An Phú - An Khánh, Công ty Hoàng Quân bán với giá từ 5 triệu đồng tới 9,5 triệu đồng/m2 thì giá bán của Công ty phát triển và kinh doanh nhà TP chỉ là 3 triệu đồng đến 5,5 triệu đồng/m2!

Chiều ngày 3/1/2007, chúng tôi đã đến gặp Ban giám đốc công ty. Trả lời về giá bán đất của công ty rẻ hơn giá thị trường, ông Hồ Tôn Hoàng lý giải: mỗi đợt bán nền nhà đều có họp hội đồng, giá bán đều được tổng công ty duyệt. Còn về việc bán nền nhà cho ông Lương Cao Khải, ông Hoàng rất vô tư: "Lúc bán đất, tôi không biết ông Lương Cao Khải là ai!".

Như vậy, nền nhà và nhà bán ra từ Công ty phát triển và kinh doanh nhà TP rẻ hơn giá thị trường là có thực. Và như thế, Nhà nước thất thoát nhiều tỉ đồng qua những hợp đồng mua bán này là đương nhiên... Ai đã được hưởng lợi từ sự chênh lệch giá này? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước những thất thoát này? Và đâu là động cơ của việc ký kết những hợp đồng đại loại như hợp đồng mua bán cao ốc 12 tầng ở An Phú - An Khánh?

Trong khi chờ đợi câu trả lời, dư luận cho rằng hầu hết khách hàng khó có thể mua được các nền nhà trực tiếp từ công ty, thường phải qua tay những người trung gian. Vậy số tiền chênh lệch khổng lồ này đã được chia chác như thế nào, là một thách thức đối với đoàn thanh tra lần này.

Hữu Phú

Bài 2: Tham nhũng trong việc san lấp mặt bằng?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.