Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng trên lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN), đồng thời cải tạo hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường cho lưu vực rộng khoảng 3.300 ha, với dân số hơn 1,2 triệu người ở địa bàn 7 quận nội thành. Nhưng công trình đang giậm chân tại chỗ, ảnh hưởng lớn đời sống và sinh hoạt của người dân.
"Rùa" bò trên kênh NL-TN
Dự án vệ sinh môi trường lưu vực NL-TN có 3 gói thầu quan trọng nhất, là gói số 7, số 8 và số 10, trong đó gói số 7 là "xương sống" và đang được dư luận quan tâm nhất hiện nay. Gói thầu số 7 do nhà thầu liên danh Thiên Tân - Trung Cảng (Tianjin-CHEC 3, Trung Quốc) thi công, giá trị trúng thầu hơn 229,8 tỉ đồng (gần 30 triệu USD), khởi công ngày 26.11.2003. Các hạng mục thi công gồm tuyến cống bao bằng bê tông cốt thép, có đường kính 3m, dài gần 9 km, chạy dọc theo kênh NL-TN; 58 công trình xả tràn có chiều sâu 4-6m; 2 miệng thu và thiết bị rút nước chết cùng với miệng xả ngầm từ trạm bơm ra sông Sài Gòn. Thời gian thi công đến tháng 11.2006 phải hoàn thành.
Người dân đi lại khổ sở vì sự chậm trễ của công trình NL-TN - ảnh: D.Đ.Minh |
Đến đầu tháng 1.2007, theo Ban quản lý (BQL) dự án thuộc Sở GTCC TP.HCM, nhà thầu chỉ mới thi công được khoảng 35% khối lượng. "Quá chậm !" - ông Phan Châu Thuận, Phó giám đốc BQL dự án phải kêu lên như thế. Từ đầu năm 2005, Phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Đua đã nhận định: "Đây là vấn đề nghiêm trọng (không thực hiện đúng cam kết 3 lần) của một nhà thầu quốc tế đang thi công tại TP.HCM" (Thông báo số 32/TB-VP ngày 14.1.2005 của Văn phòng UBND TP.HCM). Giữa năm 2006, một lần nữa UBND TP.HCM có thông báo không hài lòng về sự chậm trễ trong thực hiện gói thầu số 7. Đến tháng 12.2006, hợp đồng thi công gói thầu số 7 vẫn chậm tiến độ nghiêm trọng và không có dấu hiệu cải thiện. Cụ thể là 36 giếng chính của gói thầu vẫn tiến triển rất chậm so với lịch trình; tuyến cống bao chính, nhà thầu mới sản xuất được khoảng hơn 5 km (57%); công trình tách dòng gần như bị tạm ngưng; hạng mục cống đào hở và cống hộp chậm đến 24 tháng...
|
Sáng 11.1, đi một vòng dọc theo con kênh này, điều chúng tôi ghi nhận được là không khí rất "im ắng" ở những điểm thi công. Không hề thấy bóng dáng một công nhân nào tại những nơi này. Những tấm tôn che chắn đã bắt đầu gỉ sét, nhìn từ trên cao những miệng giếng vừa được đào nằm trơ trọi như những chiếc giếng hoang. Một chủ hộ trên đường Cù Lao, phường 2, Q.Phú Nhuận cho biết tiến độ "rùa bò" của các công trình này đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của họ. Mưa thì ngập nước, giờ tan tầm thì kẹt xe vì các công trình đã lấn gần hết đường đi. Bụi bặm khiến cho các hộ dân này phải đóng cửa im ỉm suốt ngày, không thể làm ăn buôn bán gì được.
Vì sao chậm?
Ông Phan Châu Thuận cho biết, sự chậm trễ của gói thầu này, một phần do nhà thầu thiếu nhân lực, thiết bị; một phần do địa chất phức tạp dẫn đến một số sự cố, nghiêm trọng nhất là sự cố máy kích ống bị chìm và hư hỏng (thiết bị này nặng đến 60 tấn, rất đắt tiền). Chỉ riêng sự cố ở giếng S33, nhà thầu bị thiệt hại gần cả triệu USD. Ông Thuận cho biết, tính đến nay, nhà thầu đã đưa vào 4 máy kích ống, trong đó chỉ có 1 cái hoạt động và 1 cái đang được lắp ráp. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, máy kích ống của nhà thầu thường bị hỏng, hay gặp sự cố. Gần nhất, ngày 24.11.2006, máy kích
"Chúng ta cần phải ngồi lại với nhà thầu để hỏi xem họ có còn muốn tiếp tục thi công công trình này nữa không. Nếu như họ không muốn thi công nữa thì phải có kế hoạch thay đổi nhà thầu, không thể để quyền lợi người dân bị ảnh hưởng vì sự chậm trễ này nữa. Điều trước mắt là phải có biện pháp xử phạt nhà thầu vì đã chậm trễ so với hợp đồng thi công. Cần phải tổ chức thanh tra toàn diện gói thầu số 7 để tìm ra nguyên nhân chậm trễ. Cả thành phố, cả nước sốt ruột vì công trình này còn họ thì vẫn đủng đỉnh dù đã trễ hạn hợp đồng". - Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM |
Một nguyên nhân khác, theo ông Phan Châu Thuận, do nhà thầu đã không tiên lượng trước những rủi ro, bỏ giá thầu quá thấp (theo một nguồn tin cho biết giá trúng thầu chỉ bằng khoảng 70% giá trị dự toán, mà giá dự toán của dự án cũng thấp). BQL dự án đã có văn bản gửi lãnh đạo nhà thầu ở Trung Quốc, thậm chí mời đích danh Chủ tịch Tập đoàn kỹ nghệ Trung Cảng (Trung Quốc) sang Việt Nam để kiểm tra công trường. WB cũng có yêu cầu tương tự. Nhà thầu đã hứa hẹn khắc phục, nhưng các yếu kém vẫn tiếp tục tồn tại.
Tiến, thoái lưỡng nan!
Tới thời điểm này, sự chậm trễ đã làm cho các bên liên quan như "ngồi trên lửa" và đang tìm cách giải quyết, nếu không, thiệt hại sẽ ngày càng chồng chất. Theo ông Phan Châu Thuận, nếu căn cứ theo hợp đồng, thì chủ đầu tư đã có thể phạt nhà thầu, với mức phạt lên đến 400 triệu đồng/ngày chậm trễ (tổng mức phạt tối đa là 10% giá trị hợp đồng). BQL dự án đang yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát (Công ty CDM, Hoa Kỳ) tính chuyện này. UBND TP.HCM mới đây đã triệu tập cuộc họp bàn tính chuyện sắp tới của gói thầu này. Theo ông Phan Châu Thuận, có 2 hướng đề xuất: Một là chấm dứt hợp đồng thi công với nhà thầu (phải tổ chức đấu thầu lại, mất khoảng 1 năm nữa mới có thể thi công trở lại); hai là vẫn để nhà thầu tiếp tục làm (với tốc độ như vừa qua, phải mất 5 năm nữa mới hoàn thành!).
Trước sự chậm trễ của dự án, WB đã đồng ý nguyên tắc gia hạn Hiệp định vay vốn đến cuối tháng 12.2009 và gia hạn giải ngân đến cuối tháng 3.2010. Việc này lẽ ra sẽ kết thúc vào cuối năm 2007, đầu năm 2008. Nếu như dự án không xong trước thời hạn đã được gia hạn, có thể khoản tín dụng ưu đãi trên 166 triệu USD sẽ vuột mất?
Mai Vọng - Trung Bảo
Bình luận (0)