Cổ phần hóa cả Tập đoàn Điện lực!

13/01/2007 00:31 GMT+7

Ngày 12/1, tại hội nghị ngành điện lực, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh cho biết, trong năm 2006, ngành điện đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện lực cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân với tổng sản lượng điện phát ra là 51,37 tỉ kWh. Tuy nhiên, hiện nay ngành này đang gặp nhiều khó khăn lớn, đặc biệt về tài chính...

"Lượng nước về các hồ chứa chỉ đạt 81% so với mức trung bình hằng năm, lại đồng thời phải tích nước phát điện năm 2007, dự án Nhà máy điện Uông Bí không vào đúng tiến độ làm hụt 1 tỉ kWh, Nhà máy điện Phú Mỹ cũng bị hụt 9 triệu kWh/ngày đêm... tất cả đẩy tình hình tài chính của EVN lâm vào tình hình khó khăn... Nếu như cuối tháng 11, chúng tôi dự kiến còn có lãi 500 tỉ đồng thì đến tháng 12, EVN đứng trên bờ vực lỗ", tân Tổng giám đốc EVN cho biết.

Ông Phạm Lê Thanh cũng tự nêu ra một số yếu kém trong ngành. "Chúng ta đã không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về tiết kiệm điện, 10 tháng đầu năm mới tiết kiệm được khoảng 30 triệu kWh trong khi yêu cầu là 363 triệu kWh dẫn đến cuối năm phải thực hiện phương án tiết giảm điện ở một số  nơi... Trong đầu tư xây dựng thì cả năm mới giải ngân được khoảng 26.600 tỉ đồng, chỉ đạt 61% kế hoạch (trên 34.000 tỉ đồng). Nếu không tích cực đầu tư thì rõ ràng sẽ không có những nguồn điện mới". Ngành điện cũng có khuyết điểm là giảm tổn thất điện năng chậm. Yêu cầu đặt ra là giảm tỷ lệ tổn thất điện năng còn 11%, tương ứng với việc tiết kiệm được 200 tỉ đồng. Nhưng cho đến 31.12.2006, tỷ lệ tổn thất điện năng vẫn dừng lại ở con số 11,53%.


Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ được cổ phần hóa - Ảnh: D.Đ.M

Để cải thiện tình hình này, cho dù đã được Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng giá điện, theo ông Phạm Lê Thanh, ngành điện sẽ có một số giải pháp lớn, trong đó đặc biệt là vấn đề cổ phần hóa. Theo kế hoạch, từ năm 2007 đến năm 2010, EVN phải đầu tư tới 230.000 tỉ đồng - một con số quá sức của ngành điện. Theo ông Thanh, ngành điện chỉ có thể lo được 150.000-170.000 tỉ đồng, còn lại phải thu hút vốn đầu tư bên ngoài. "Một số ban quản lý dự án sẽ phải chuyển thành các công ty cổ phần", người đứng đầu ngành điện khẳng định. Đây là quan điểm, chính sách rất mới của EVN vì từ trước đến nay, EVN và Bộ Công nghiệp đều giữ quan điểm chỉ cổ phần hóa các nhà máy điện đã đầu tư, có quy mô nhỏ hoặc trung bình với tỷ lệ sở hữu nhà nước ít nhất 51%.

Bày tỏ sự ủng hộ với chính sách trên, Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh cho rằng, chính sách này sẽ đem lại hiệu quả lớn, cất bớt gánh nặng cho EVN. Lấy ví dụ từ chính nhà máy của mình, ông cho biết, hiện nay giá cổ phiếu trên thị trường của Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh lên rất cao, một đồng vốn phát hành ra đã được nhân lên ít nhất 3-4 lần. Không chỉ có thế, công ty này còn sử dụng tiền nhàn rỗi, đầu tư, mua cổ phần từ các nhà máy điện Quảng Ninh, Hải Phòng làm gia tăng số vốn lên đáng kể.

"Ngay cả khâu phân phối điện, các trường học, bệnh viện của EVN cũng cần cổ phần hóa. Cổ phần hóa cả tập đoàn..."  Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng

Tại hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu EVN phải lập chiến lược cổ phần hóa mạnh mẽ. Phó thủ tướng nói: "Không chỉ cổ phần doanh nghhiệp mà phải cổ phần cả các dự án. Tức là EVN lập dự án đầu tư ở Việt Nam, Lào,  Campuchia, sau đó kêu gọi các nhà đầu tư và dân cư góp vốn cùng thực hiện", ông nhấn mạnh. "Ngay cả khâu phân phối điện, các trường học, bệnh viện của EVN cũng cần cổ phần hóa. Cổ phần hóa cả tập đoàn", ông nhấn mạnh. Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đó là cách làm mạnh tài chính, đa sở hữu, đa ngành, mang lại hiệu quả kinh doanh để xứng đáng là một tập đoàn kinh tế mạnh, đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ phát triển mới.

Cũng theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, EVN cần phải đẩy nhanh, sớm hình thành thị trường điện lực. Ông nói: "Sức cạnh tranh từ các nhà đầu tư, khách hàng... đang dồn ép tập đoàn. Không sớm chuyển sang thị trường điện lực thì chi phí sản xuất vẫn cao, hiệu quả kinh doanh thấp".

M.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.