Đi trên khắp các tuyến đường ở TP.HCM, ở đâu người tham gia giao thông cũng gặp những loại phương tiện này và ai cũng cùng một tâm trạng là càng tránh xa các loại phương tiện này bao nhiêu thì càng an toàn bấy nhiêu. Đi trên các tuyến đường có nhiều dịch vụ buôn bán đồ xây dựng, trang trí nội thất... tình trạng xe ba gác, xích lô hoạt động càng nhiều. Cụ thể như tuyến đường Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu, Ung Văn Khiêm của Q.Bình Thạnh, Q.Phú Nhuận; Cách Mạng Tháng Tám của Q.10, Q.3..., ống nước, gỗ trang trí, thép xây dựng, tấm lót trần, giường tủ, nệm mút, đề-can các loại... và xe ba gác, xích lô chính là những phương tiện chủ yếu được dùng để chuyên chở những vật dụng quá khổ này. Có khi chiều dài cũng như chiều rộng của hàng hóa to cao gấp vài lần chiều dài của xe nhưng người ta vẫn hiên ngang chất lên và chạy phè phè như một xe tải chuyên dụng. Đã thế, nhiều xe ba gác, xe xích lô lại còn có "lơ xe" hai bánh đi kèm để hỗ trợ rất "hoành tráng". Xe ba gác, xe xích lô quá khổ này còn là thủ phạm chính gây ra những vụ kẹt xe kéo dài, đặc biệt là tại các ngã tư ngã năm.
Thiết nghĩ, trong những ngày giáp Tết này nếu như chúng ta không sớm có những biện pháp ngăn chặn kịp thời các loại xe quá khổ vi phạm luật hành chính này thì tai nạn giao thông cũng như tình trạng kẹt xe trầm trọng kéo dài nhiều giờ liền.
Tôi xin đưa ra một số biện pháp để ngăn chặn tình trạng này như sau: Thứ nhất, cần kiểm tra thường xuyên tình trạng hoạt động của các loại xe này, bởi có rất nhiều xe quá đát, cũ kỹ, xe tự lắp ghép... không đảm bảo an toàn nhưng vẫn lưu thông thường xuyên trên đường. Thứ hai, rất cần thiết phải quy định rõ thời gian lưu thông của các loại xe này, cấm tuyệt đối các loại xe này lưu thông vào những giờ cao điểm trong ngày. Thứ ba, cần quy định rõ những loại hàng hóa, vật dụng nào thì các loại xe này được phép chuyên chở và được vận chuyển hàng hóa với kích thước cũng như khối lượng là bao nhiêu? Như vậy chúng ta sẽ tránh được tình trạng "chạy sô" cũng như chở hàng quá tải và rất mất an toàn của các loại xe này.
Lê Anh Tuấn
(Phòng Tổ chức hành chính, Trường ĐHDL Văn Hiến, TP.HCM)
Trước tiên, tôi xin hỏi: khi ở một số thành phố lớn như TP.HCM tôi thấy xe ba gác vẫn còn "chạy ngang - chạy dọc", thì dựa vào yếu tố nào mà một số tỉnh cấm xe ba gác hoạt động? Trước khi ban hành và thực hiện quyết định này, các cơ quan trong tỉnh đã xây dựng, đưa vào sử dụng một mô hình chuyên chở nào mới để thay thế mà có hiệu quả hơn chưa?
Một nông dân, để đưa 10 tạ thóc từ ruộng về nhà, họ phải chuyển bằng cách nào, khi xe ba gác bị cấm? Chẳng lẽ phải cất công đi thuê nguyên một chiếc xe 4 bánh với giá gần bằng tạ thóc, lại mất thời gian?
Mặt khác, một số tỉnh khuyến khích nông dân nên mua và sử dụng xe 4 bánh. Điều này không khả thi. Giá xe loại 4 bánh (ô tô) hiện nay cao ngất ngưởng, với thu nhập ít ỏi của nông dân như hiện nay liệu họ có mua nổi không ? Trong 100 người nông dân, cùng lắm cũng chỉ độ vài ba người có đủ khả năng để mua. Như thế thì nông dân phải xếp hàng dài cổ chờ để được chủ xe nhận chở vì khan hiếm xe sao? Chưa kể, cùng một lúc hàng ngàn người dân sống bằng nghề lái xe ba gác bị buộc thất nghiệp, chiếc xe vài triệu bạc cũng đành "bỏ xó".
Tôi nghĩ, việc cấm xe ba gác lưu thông ở các tỉnh nên tạm ngưng, để tìm biện pháp giải quyết thỏa đáng các nhu cầu trước mắt của người dân. Chẳng hạn, phải xây dựng một loại xe vận tải mới phù hợp với nhu cầu của người nông dân, giúp người sống bằng nghề này có vốn kinh doanh sang nghề khác... Khi đã tháo gỡ được những bất cập này thì có cấm cũng chưa muộn.
Võ Minh Huy
(75 Trần Nhân Tôn, P.9, Q.5, TP.HCM)
Bình luận (0)