Xung quanh bệnh "ngứa mà không dám gãi": Hai "thủ phạm" đã gây bệnh!

16/01/2007 21:39 GMT+7

Sau hơn một tuần khám bệnh cũng như tiến hành các xét nghiệm về vi trùng, ký sinh trùng, giải phẫu bệnh... các bác sĩ (BS) thuộc Bệnh viện - Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã tìm ra "thủ phạm" gây bệnh ngứa ở KTX ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường CĐ Sư phạm mẫu giáo T.Ư 3.

Chiều ngày 16/1, tại KTX ĐH QG TP.HCM, đoàn BS đã tiến hành khám trở lại cho hơn 50 SV đang mắc bệnh và đã lành bệnh để nghiên cứu sâu hơn về căn bệnh mà SV đã mắc phải trong nhiều tháng qua. PGS TS Lê Thị Xuân - Phó chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng Trường ĐH Y Dược TP.HCM và BS Hoàng Văn Minh - Trưởng phòng khám da liễu đã trở lại khu nhà A14 khảo sát lần cuối môi trường xung quanh và theo dõi hiệu quả của "bẫy Iran" qua đó có thêm cơ sở để kết luận cuối cùng về căn bệnh.

Cách phòng tránh

Cá nhân: mặc quần áo dài; tránh phơi quần áo ngoài trời; tránh chui vào các bụi rậm, chơi đùa trên bãi cỏ hoặc bứt lá cây; không đốt lá cây, cỏ quanh nơi ở; tắt bớt đèn - đóng kín cửa trước khi mở đèn; dùng bẫy mùng để thu hút côn trùng.

Tập thể: không đốt lá cây cỏ trong khuôn viên ký túc xá; phát quang, khai thông cống rãnh; đốn bỏ hoặc trồng mới cây khác (đặc biệt là những cây có thể gây viêm da tiếp xúc) hoặc đặt biển báo ở những cây có khả năng gây viêm da tiếp xúc; thường tuyên truyền giáo dục về bệnh, cách phòng ngừa cho các em SV.

Sau cuộc hội ý kéo dài khoảng nửa giờ đồng hồ, BS Hoàng Văn Minh đại diện cho nhóm khảo sát đã chính thức công bố kết quả: "Sau khi khám bệnh, làm các xét nghiệm về vi trùng, ký sinh trùng và giải phẫu bệnh trên 146 trường hợp tại KTX ĐHQG và Trường CĐSP Mẫu giáo T.Ư 3, chúng tôi rút ra kết luận: Đây là bệnh viêm da tiếp xúc. Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm da tiếp xúc, tuy nhiên qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy tại 2 KTX nói trên có hai nhóm nguyên nhân chính đó là: Viêm da tiếp xúc do thực vật (có thể do dị ứng nguyên trong đất hoặc không khí (lá cây, cỏ, bụi phấn hoa, cây mục, tro từ thực vật bị đốt đặc biệt là từ bụi rậm...) và Viêm da tiếp xúc do côn trùng (có hai nhóm côn trùng gây bệnh: nhóm chích, cắn và nhóm do chất dịch trong cơ thể côn trùng gây nên)".

Theo BS Minh, tại KTX ĐHQG nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do thực vật, trong khi đó tại Trường CĐSP Mẫu giáo T.Ư 3 (Q.9) nguyên nhân chủ yếu lại là côn trùng. Trong kết luận của đoàn BS có nhấn mạnh, đây là một bệnh lành tính, không lây, có thể có tính chất tập thể nếu nhiều thành viên cùng tiếp xúc với dị ứng nguyên.

BS Vũ Trí Thanh - Phó phòng Hành chính Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cho biết: "Mặc dù đã tìm ra nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tại KTX ĐHQG là viêm da tiếp xúc do thực vật nhưng để định danh được loại cây nào là thủ phạm thì phải nhờ đến các chuyên gia về sinh học, trồng trọt, đông y. Phải làm kỹ chuyện này để giải quyết dứt điểm bệnh".

SV đến tái khám lần cuối. Ảnh: Trí Quang

Trước mắt, đoàn BS đã trao cho trạm y tế KTX một danh sách những loại cây có thể là nguyên nhân gây bệnh có trong KTX để SV tránh tiếp xúc. BS Minh cũng đề nghị ông Trần Thanh An - Giám đốc KTX ĐH QG phát quang toàn bộ cỏ dại xung quanh KTX và chuyển đi nơi khác chứ không đốt tại chỗ. Ngoài ra, các BS đã nhất trí đề ra một số biện pháp xử lý khi mắc bệnh viêm da tiếp xúc như: Không được rửa xà bông hay chất tẩy rửa trực tiếp lên sang thương da; tránh cào gãi, chà xát sang thương da; tránh ra nắng, nên thoa dung dịch màu như: xanh methylene hay castellani; nếu ngứa rát nhiều có thể bôi kem corticoide và uống thuốc chống dị ứng và nên đến khám tại các cơ sở y tế để có hướng xử lý thích hợp nhất.

BS Thanh mong muốn Sở Y tế sẽ phối hợp cùng với Trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức buổi hội thảo chuyên đề về bệnh viêm da tiếp xúc nhằm lắng nghe ý kiến của nhiều chuyên gia không chỉ về da liễu, vi sinh, ký sinh mà còn của các nhà thực vật học, các chuyên viên về môi trường học để có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu hơn.

Bộ Y tế: Yêu cầu Sở Y tế TP.HCM báo cáo kết quả nguyên nhân gây bệnh

Vụ Điều trị (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM, đề nghị Sở chỉ đạo giải quyết bệnh ngứa, nổi phỏng lan rộng và có tính chất tái diễn nhiều lần mà Báo Thanh Niên liên tục phản ánh trong tuần qua. Văn bản nêu rõ: Sở chỉ đạo tập trung các chuyên gia và phương tiện, thiết bị, thuốc hóa chất để tiến hành chẩn đoán tìm nguyên nhân, có hướng điều trị phù hợp và tích cực các trường hợp mắc bệnh. Hướng dẫn việc phòng tránh bị nhiễm bệnh và dự phòng lây lan trong sinh viên trú tại ký túc xá nói riêng và người dân nói chung thông qua các hoạt động về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và các biện pháp khắc phục để phòng bệnh. Cung cấp các kiến thức chuyên môn chính xác và phù hợp để nhân dân yên tâm và báo cáo kết quả giải quyết về Bộ Y tế.

Liên Châu

Thiên Long - Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.