Làng rau làm du lịch

16/01/2007 23:01 GMT+7

Tận mắt chứng kiến, ngửi tận mũi, ăn tận miệng... mới hiểu vì sao thị xã Hội An (Quảng Nam) lập thủ tục đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa cho làng rau thơm Trà Quế nằm ở địa phận xã Cẩm Hà. Dù thời tiết không tốt, nhưng suốt một ngày tôi có mặt tại làng rau nổi tiếng này, không lúc nào ngớt người từ các nơi đến làng. Họ là khách du lịch, đa phần là khách quốc tế, hoặc người của siêu thị đến mua rau...

Làng rau 500 năm tuổi...

Hiếm có vùng nông thôn nào ở Việt Nam mà cả làng đều sống no đủ nhờ vào trồng rau như Trà Quế. Nằm cạnh sông Đế Võng, làng rau Trà Quế nổi tiếng có 131 hộ, mỗi gia đình có đến 4-5 người trồng rau. Nhiều người ở đây không chắc lắm làng mình "khai sinh" nghề trồng rau tự lúc nào, chỉ biết rằng "Từ đời ông của cụ cố nhà tui, đã sống bằng nghề trồng rau, tui nghe kể lại vậy, còn trước nữa, thì tui chịu!", người phụ nữ tên Ba, vừa vun lại luống rau cải, vừa nói bằng cái giọng Quảng rặt, pha chút hài hước. Nhưng những người già của làng lại khẳng định, làng rau đã tồn tại trên 500 năm có dư. Nhiều người trong làng đùa: "Nếu đem làng rau ra bán đấu giá như đồ cổ, thì cũng kiếm khẳm (nhiều) tiền!".

Tôi đi giữa cánh đồng rau trong trời mưa lất phất, chiêm ngưỡng các luống rau được những đôi bàn tay khéo léo vun thành những đường dài tít tắp, xanh ngút. Lặt chiếc lá rau thơm, rau quế nhỏ xíu, bỏ vào miệng, nuốt xuống rồi mà vẫn nghe thơm ngây ngất, một hương vị cay, chua, ngọt, đắng, chát chen lẫn nhau rất thú vị. Chị Ba kể: "Mấy bữa trước, con Hải con bà Năm ở Sài Gòn về, hắn nói về đây ăn rau của Trà Quế rồi, ăn lại rau ở mấy nơi khác, hắn thấy nhạt nhẽo, ít mùi vị, lại còn sợ bị bệnh vì người trồng rau phun thuốc. Hắn nói rứa, tui biết rứa chớ có đi đâu xa khỏi làng rau ni đâu mà thử rau vùng khác".

Dân Quảng vốn vậy, khoe một cách tế nhị. Một điều khác biệt là rau ở đây không được to "hoành tráng" và mượt mà như các loại rau mà tôi vẫn thường mua ở chợ; lá rau ở đây nhỏ, nhưng mùi vị thì... nhất hạng (đó là so với các loại rau mà tôi đã từng được ăn ở các tỉnh thành Bắc - Trung - Nam). Có lẽ phải nói như... quảng cáo: "Rau Trà Quế không cao nhưng các loại rau khác đều phải ngước nhìn".

Những "nghệ nhân" trồng rau

Đến làng rau Trà Quế, mọi người không gọi người trồng rau là nông dân, mà là "nghệ nhân" hẳn hoi. Trồng rau phải có nghệ thuật, trồng như thế nào để luống rau đẹp, các loại rau phải ngon, tươi, tiếng thơm vang vọng từ đời này sang đời khác là điều cực kỳ khó, nhất là trong thời điểm hiện nay, các loại rau đều bị "thuốc hóa". Những luống rau xanh um, nối tiếp kéo dài xa thẳm, như một bức tranh mà thiên nhiên cùng con người kết hợp vẽ nên. Rồi nhìn những bàn tay chai sờn nhưng khéo léo, nhanh nhẹn đến kỳ lạ của người trồng rau giữa những gốc rau mới thấy, gọi người dân ở đây là những nghệ nhân trồng rau, không ngoa chút nào...

Đem chuyện vì sao rau ở đây có vị ngon, thơm đến kỳ lạ hỏi cụ ông Cao Ngọc Đây, đã ngoài tuổi thất thập cổ lai hy, ông lý giải, rau Trà Quế ngon là nhờ đất và nguồn nước ở đây có một loại chất nào đó, tạo độ phì nhiêu, mà các nơi khác không có, nên rau được nuôi dưỡng và sinh trưởng tốt một cách hoàn hảo. Thêm nữa, rau được trồng không chỉ không phun thuốc tăng trưởng hay bón phân, những nghệ nhân trồng rau còn chăm bẵm bằng việc thường xuyên vun xới đất, bón rong cây hoặc rong chèo từ những đầm rong gần đấy, nên mùi vị rau cũng có đặc trưng. Chính vì không rau ở đâu ngon bằng rau Trà Quế, nên một siêu thị nổi tiếng của Việt Nam, kinh doanh ở thị trường Đà Nẵng đã đặt mua toàn bộ số rau trong làng. Cứ chiều đến, người trong làng lại kéo nhau ra cánh đồng rau, cắt và xếp rau vào những bao sạch sẽ, tinh tươm chờ các xe chở rau của siêu thị vào làng, sẵn sàng vận chuyển mang ra thị trường, và rau Trà Quế được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Một góc làng rau Trà Quế. Ảnh: Diệu Hiền

Khi làng rau làm... du lịch

Bây giờ, vào làng rau phải mua vé như một khu du lịch có dịch vụ hẳn hoi chứ không vào kiểu "xăm xăm băng lối" được. Du khách nước ngoài cực kỳ thích thú khi được... du ngoạn làng rau. Ở đây, những ông Tây, cô gái tóc vàng da trắng sẽ trở thành một nông dân thực thụ với cuốc, cào, nón lá, quần xắn cao tận đầu gối, họ lom khom học cách cuốc đất, chằm lỗ, trồng rau cho thẳng hàng và công đoạn cuối là gánh nước tưới...

"Quá thú vị, tôi thật sự không bao giờ hình dung mình đến Việt Nam và trở thành người nông dân thực thụ như thế này!", anh chàng Thomas đến từ Đức với đôi bàn tay lấm lem bùn đất, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, hồ hởi. Một buổi lao động vừa tốn tiền, vừa tốn công, nhưng lại quá vui, khiến du khách đến đây ngày càng đông. Không ít du khách sau khi tham gia tour, trước khi rời Việt Nam, ghé lại làng để xem thành quả lao động của mình đã đơm lá xanh như thế nào.

Cụ Đây không ngần ngại tiết lộ: "Nói thiệt, nhờ thêm cái du lịch mà bà con trong làng đều sống khá ổn. Người đi học đại học ngày càng đông hơn! Người trong làng đều nói, mình không từ bỏ nghề tổ tiên thì tổ tiên cũng sẽ không phụ mình!". Mỗi năm, có hơn 1.000 du khách đến "làm nông dân" ở làng rau Trà Quế trở thành tín hiệu đáng mừng cho làng rau, giúp cho người trồng rau trong làng gắn bó và yêu nghề hơn bao giờ hết. Chứng kiến được những cảnh ấy, dễ hiểu vì sao chính quyền địa phương đang ra sức hoàn thiện hồ sơ đăng ký thương hiệu cho làng rau Trà Quế.

Những ông bà Tây cũng muốn làm nông dân. Ảnh: Diệu Hiền

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.