Công thần của Hyundai
Chung Mong-koo, 68 tuổi, đã trở thành Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor từ năm 1999, ngay thời điểm các nền kinh tế châu Á vật lộn sau đợt khủng hoảng tài chính năm 1997. Lúc này, Hàn Quốc đang đối diện với sự thật phũ phàng là phải cải tổ kinh tế nếu không muốn rơi vào tình trạng suy thoái. Tập đoàn kinh tế (chaebol) lớn thứ tư Hàn Quốc lúc bấy giờ là Daewoo sụp đổ, kéo theo 75 tỉ USD tiền nợ. Chung Mong-koo đã củng cố lại Hyundai, giúp chaebol này trở thành tập đoàn lớn thứ 2 toàn quốc và đứng thứ 6 trong số những hãng xe hơi lớn nhất thế giới. Có thể nói ông Chung là công thần giúp Hyundai đạt được mục tiêu lớn nhất của hãng là nâng cao chất lượng sản phẩm ngang bằng với các đối thủ Nhật Bản. Hiện Hyundai đang kiểm soát 70% thị trường xe hơi nội địa. Tờ Business Week cuối năm 2004 đánh giá Hyundai vào thời điểm đó đang đứng trước cơ hội vàng ròng là lần đầu tiên có thể qua mặt các đối thủ sừng sỏ của mình dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Chung. Đến World Cup 2006, Hyundai là nhà tài trợ chính thức của sự kiện thể thao "đinh" nhất thế giới. Việc Hyundai tung hoành ngay giữa cường quốc xe hơi Đức vào mùa hè năm ngoái là một thành tích ngoạn mục. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đó, Chủ tịch Chung đã bắt đầu gặp rắc rối khi phải ra hầu tòa vào cuối tháng 4.2006.
Tội đồ
Nhà quản trị đầy quyền lực của hãng xe hơi lớn nhất Hàn Quốc bị bắt giam, đối mặt với các cáo buộc đã lạm dụng khoản tiền 96 triệu USD và gây thiệt hại hơn 224 triệu USD từ 2000 đến 2006. Cáo buộc thứ nhất là ông Chung đã dùng nguồn quỹ đen khổng lồ trị giá hàng chục triệu USD để hối lộ chính giới để đạt được những đặc quyền đặc lợi cho Hyundai. Tập đoàn này đã được tạo điều kiện mở rộng khu đô thị của mình ở phía nam Seoul. Điều thứ hai là Chủ tịch Chung đã dùng nhiều mánh khóe nhằm bảo đảm con trai của mình là Chung Eui-sun sẽ lên "kế vị vương quốc Hyundai". Được cha bán lại cho hàng chục triệu cổ phiếu tại các công ty con theo giá ưu đãi, cậu quý tử đã trở thành Chủ tịch Kia Motor và Hyundai Mobis, trực thuộc Hyundai. Hành vi trên của cha con ông Chung đã gây thiệt hại lớn về mặt tài chính cho các cổ đông khác cũng như khiến nhà nước bị thất thu thuế. Nếu không có hành động chuyển nhượng chui như vậy, Chung "con" sẽ phải đóng số tiền thuế rất lớn nếu muốn thừa kế cổ phần từ cha mình theo luật xứ kim chi.
Thách thức cho Hyundai
Trước tòa, bị cáo Chung đã xin tòa cho cơ hội để sửa chữa lỗi lầm. "Công ty của chúng tôi hiện rất khó khăn. Nếu quý tòa cho tôi một cơ hội, tôi sẽ chuộc lỗi bằng cách đưa Hyundai Motor lên đứng hàng thứ 5 trong hàng ngũ những tập đoàn xe hơi lớn nhất thế giới", Chung nói. Hyundai Motor đang hướng đến mục tiêu lớn trên vào năm 2010. Việc ông Chung bị bỏ tù có thể gây cản trở lớn đến mục tiêu mở rộng ra nước ngoài của Hyundai. Tập đoàn đã dời lại việc thi công nhà máy tại Czech và Mỹ sau khi ông Chung bị bắt cùng với một số nhà quản lý khác của hãng. Theo giới phân tích, nếu ông Chung phải thụ án tù giam, Hyundai sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai kế hoạch phát triển. Tòa sẽ chính thức đưa ra bản án với ông Chung vào ngày 5.2 tới đây. Lâu nay, các quan tòa tại Hàn Quốc luôn bị dư luận chỉ trích vì tỏ ra khoan dung với một số trùm kinh doanh nước này. Không biết lần này họ sẽ xử lý thế nào đối với đề nghị "6 năm tù giam" của bên công tố.
Thụy Miên
Bình luận (0)