Xảy ra ở Thị trấn thứ ba - Truyện ngắn Trần Nhã Thụy

20/01/2007 15:01 GMT+7

Trong khi tôi đang quặp nàng, thì động đất xảy ra. Tôi biết được điều đó là nhờ sáng hôm sau chộp được tờ báo trong khi ngồi ở sân ga đợi chuyến tàu phương Nam, chứ cả ngày ở Thị trấn thứ ba không nghe ai bàn tán gì, ngay cả khi ở trên chùa Thiên cũng không.

Có thể mọi người ở đây xem đó như một chuyện nhỏ, một vụ lở đất nhỏ, làm sụp căn lều, không có ai thương vong, hay thiệt hại tài sản gì đáng kể. Nhưng theo những gì mà bài báo mô tả thì rõ ràng đã có động đất, một mảng đồi bị sụt lở, kéo theo mấy cây thông già và căn lều của người làm vườn. Rất may là ngôi chùa cổ trên đỉnh đồi không hề hấn gì. Nhưng bài báo cảnh báo rằng, nên tìm một địa điểm khác thích hợp hơn để dời ngôi chùa này đi, hoặc phải mau chóng trùng tu quả đồi, vì chỉ cần một cơn địa chấn tương tự  thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Té ra ở cái thị trấn quạnh hiu này cũng có một tay viết báo nằm vùng.

Tôi không biết có động đất xảy ra. Nàng cũng không. Chúng tôi quấn nhau ngủ say như chết. Nhưng tôi chỉ ngủ say đâu chừng mười lăm phút rồi thức dậy, tỉnh táo hoàn toàn. Thường là như thế, sau khi chung đụng với một người đàn bà nào đó, tôi muốn mau chóng chuồn khỏi hiện trường càng nhanh càng tốt. Không phải sợ. Tôi chán khoảng thời gian phải nằm bên nhau, sau khi làm tình.

Tôi mặc quần áo như chuẩn bị xuống phố, nhưng vẫn loanh quanh trong phòng đợi nàng thức. Nàng vẫn ngủ say sưa. Tôi mở cánh cửa ra lối ban công. Đứng ở đây có thể thấy một dãy uốn cong phía bắc xa xa của Thị trấn thứ ba. Tôi suýt chút nữa thì bật cười. Cái tên Thị trấn thứ ba thoạt nghe có vẻ rất ngô nghê, nhưng nghĩ cũng hay hay. Vả là, huyện lỵ này đã có hai thị trấn được đặt tên đàng hoàng, đến khi thành lập thị trấn thứ ba thì bí. Trong khi còn đang bàn tính, cân nhắc nên đặt tên gì thì người dân ở đây gọi là Thị trấn thứ ba.

Tôi đến Thị trấn thứ ba lần này là lần thứ hai. Lần trước đã quen nàng. Nàng làm kế toán cho hãng nước nắm nổi tiếng của thị trấn. Nàng xinh đẹp, bốc lửa, hình như nàng cũng từ nơi khác đến và đã lâu rồi không ăn nằm với ai. Tôi mê mắm, đi đâu cũng sưu tầm về. Nhưng lần này tôi mê nàng hơn, chỉ tiếc là không sưu tầm về được (!). Tôi bảo đang một mình ở khách sạn X. Và, rất dễ dàng chúng tôi quấn lấy nhau. Thật thú vị khi được ở bên nàng, vì ngoài thân hình ấm êm bốc lửa, tôi còn được hít thêm mùi nước mắm, thỉnh thoảng lại toát ra đâu đó trên người nàng. Cứ như là nó được giấu ở chỗ kín hay những khúc quanh trên cơ thể nàng. Tôi ghẹo: "Người em thơm mùi nước mắm quá". Nàng lườm tôi: "Anh mắm thì có. Em... làm mắm anh bây giờ!". Và, chúng tôi lại quấn lấy nhau.

Nàng vẫn ngủ say. Tôi đứng nhìn ngọn đồi phía xa xa, phía cuối cánh đồng. Nghe nói trên ngọn đồi đó có một ngôi chùa cổ - chùa Thiên. "Hơn ba trăm năm" - lần trước, nàng đã giới thiệu với tôi như thế. Nhưng lần đó, tôi có quá ít thời gian để nghĩ đến cái gì khác ngoài nàng. Còn bây giờ, tự dưng tôi muốn một mình đi băng qua cánh đồng kia, tìm đường lên chùa. Nếu không tìm được đường lên chùa thì cũng chẳng sao, chỉ cần được một mình băng qua cánh đồng.

***

Tôi một mình đi qua cánh đồng, vừa đi vừa đọc lên: Dáng ai như tôi đi qua cánh đồng/Thu nhặt lại mình trên ngọn gió/Giống như con chim sẻ nọ/Thu về từng cọng vàng khô (*). Bài thơ này hẳn được làm để nói về cánh đồng mùa gặt, còn cánh đồng mà tôi đang băng qua đây lúa đang xanh. Không chim sẻ. Những con chiền chiện bay vọt trên trời cao. Tôi ước chừng, cánh đồng này dài hai cây số. Tôi sẽ đi đến cuối. Trong khi tôi đang đi rất có thể nàng đã dậy, tìm, gọi điện thoại cho tôi. Nhưng, tôi đã tắt điện thoại. Dáng ai như tôi đi qua cánh đồng... Tôi quay trở lại bài thơ, rồi cứ thế bước đi.

Tôi đã cởi giày và xắn quần. Thỉnh thoảng nhảy qua một con mương nhỏ, có khi trót lọt, có khi chân dụi vào mép cỏ, bật ngã lại xuống mương, nước văng ướt cả người. Tôi nhớ, hồi còn trẻ, vẫn thường một mình băng qua cánh đồng như thế này. Và, cứ như con sóc, tôi bay vèo qua tất cả những cái mương. Nhưng, bây giờ thì...

Một cái mương trước mặt, tôi không nhảy qua nữa, mà thận trọng lội. Sự thận trọng của tôi là không thừa, bởi đó không phải là một cái mương cát mà đầy bùn, nếu chẳng may không trót lọt qua bờ bên kia, thì đương nhiên tôi sẽ "ăn bùn".

Cả người tôi bắt đầu lấm lem bùn đất. Cánh đồng chợt lặng gió, nắng gay gắt. Tôi biết mình đang ở trong tình trạng khôi hài, quần xắn quá gối, áo xộc xệch, tay xách giày, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, cảm giác trên mặt loáng nhoáng những vết bùn... Nhưng lòng tôi thầm nhủ là không quay lui. Sẽ băng qua cánh đồng, rồi tìm đường lên chùa. Trên chùa có một giếng nước, được gọi là giếng Tiên. Giếng Tiên trên chùa Thiên. Tôi sẽ xin tắm một cái, ngồi chơi một chặp, uống vài bát nước chè xanh, rồi đón xe ôm trở về khách sạn. Như vậy, tôi sẽ có một ngày ở Thị trấn thứ ba không đến nỗi tệ, sẽ có một cái gì đó như là một suất bồi dưỡng tâm hồn, chứ không phải toàn ăn nhậu, gái gú. Tất nhiên, nếu bây giờ quay về thì cũng không ai nói gì tôi. Nếu nàng có hỏi thì tôi bảo: "Đi dạo một lát ngoài cánh đồng". Rồi tôi đi tắm. Sau đó chúng tôi đi ăn sáng. Sau đó lại quấn lấy nhau. Hoặc nếu thích, nàng sẽ lấy xe đưa tôi lên chùa.

Nghĩ thế, nhưng tôi vẫn một mình băng qua cánh đồng. Đến lúc này tôi mới nhận ra là chỉ có một mình tôi là "động vật người" ở giữa cánh đồng. Thỉnh thoảng tôi thấy một con chó chạy rông, đầu cứ ngúc ngoắc lủi tới như một tên chán đời; một con chiền chiện từ ruộng lúa bất ngờ bay vọt lên trời cao như chơi trò nhún lò xo thăng thiên trong phim hoạt hình; một đàn bướm bay rập rờn, như rã rời... Nắng gay gắt. Cả người tôi mồ hôi đầm đìa. Cánh đồng chỉ có những cây duối dại, lơ thơ; không có một bóng mát nào. Một ý nghĩ chợt đến, xâm chiếm lấy tôi. Nếu tôi không phải là khách, mà chính là một gã nông dân, đang đi trên cánh đồng vào giờ này, thì tôi sẽ làm gì, nghĩ gì ?! Đương nhiên, đó sẽ là một tôi khác. Chẳng hạn: quần đùi, áo may-ô, mũ  vải, chân trần. Tôi sẽ thấu đáo những con đường cánh đồng, nhắm mắt cũng biết được đâu là lối lên chùa ngắn nhất. Nhưng, cũng có thể, lúc này đây gã tôi nông dân đó hoàn toàn không nghĩ đến chuyện lên chùa. Gã đang lội bùn, nhổ những cây cỏ dại trên ruộng lúa của mình. Hoặc gã đi đến chỗ mấy cây duối dại lơ thơ kia ngồi hút thuốc vặt chơi. Gã, cũng có thể nhìn ngắm mây trời. Nhưng gã đang nghĩ gì? Tâm hồn gã đang ca hát điều gì? Gã có nghĩ đến một em xinh đẹp thơm như múi mít hay thoang thoảng mùi nước mắm gin hay không. Gã nghĩ gì? Nhớ thương gì? Gã nghĩ về mùa gặt, và thương nhớ mùi bùn đất xa xăm? Hay là gã nghĩ đến những đứa con nheo nhóc và thương nhớ những ngày tươi trẻ tự do? Hoặc là gã không nghĩ, chẳng nhớ thương gì cả. Đơn giản là gã đang đi ngoài cánh đồng, và gã sẽ trở về nhà...(!)

Nhiều khi tôi thấy mình như kẻ không nhà.

Tôi vẫn đang đi dưới trời nắng gắt. Và, cuối cùng nhận ra mình đang ở trước một con đường hẹp dẫn lên chùa. Hai bên đường um tùm bụi chuối. Lối đi đầy đá sỏi rêu nâu. Có một vài người dân địa phương cũng đang đi lên chùa. Họ bước ra từ những bụi chuối, ngoái nhìn tôi mỉm cười, rồi bước đi. Tôi cũng mỉm cười đáp lại, nhưng không bắt chuyện. Tôi đã quá mệt. Chỉ mong lên đến chùa, xin được tắm một cái, sau đó ra sao cũng được.

***

Có lẽ nàng chẳng bao giờ nghĩ tôi một mình băng qua cánh đồng để lên chùa. Nàng sẽ nghĩ tôi loanh quanh đâu đó trong thị trấn. Và, nàng đã trở về hãng nước mắm của mình.

Tôi đã ở trên chùa. Trên đó là một không khí khác, thoáng đãng, mát lạnh. Gió như cứ dắt tay nhau đi dạo dưới những vòm cây. Tôi ngồi dưới bóng mát một cây si già, vuốt ve đôi bàn chân cho bớt mỏi, sau đó đi ra giếng nước. Bên giếng có một bản khắc: "Giếng Tiên - 100 tuổi". Nghe nói, giếng này, thoạt tiên đào xuống sâu cả trăm thước mà vẫn chưa có nước. Các thợ đào giếng bó tay chịu thua. Nhưng, sau một đêm sư trụ trì ngồi bên giếng trì niệm thì đột nhiên sáng ra nước dâng đầy. Nước giếng trong lành, mát ngọt hiếm thấy. Từ đấy, gọi là giếng Tiên. Từ lâu, tôi hầu như chẳng còn quan tâm đến những câu chuyện mang tính huyền thoại như thế này. Không phải không tin, mà thấy không quan trọng. Quan trọng nhất bây giờ là được tắm một cái.

Nhưng, tôi chẳng thấy cái gàu đâu cả. Tìm quanh quất cũng chẳng thấy. Tôi đi vào bên trong, tìm xuống gian bếp.

Khi băng qua khoảng sân cát, tôi nhìn thấy một sư già đang ngồi uống nước chè trên một cái chõng tre, cạnh đó một chú tiểu đang ngồi bệt, cặm cụi gỡ những bông cỏ may trên gấu quần. Hình như họ vừa đi đâu đó về. Tôi hỏi chú tiểu: "Cái gàu ở đâu?". Chú tiểu ngước lên: "Ngoài giếng chứ đâu". Tôi bảo: "Không thấy". Chú tiểu cằn nhằn: "Lần nào đi ra đó cũng dính đám cỏ may này". Sư già liếc nhìn chú tiểu mỉm cười, rồi quay nhìn tôi: "Ngồi uống nước chè xanh chơi, cháu!". Tôi lại gần sư già: "Dạ, cháu ở trong Thị trấn thứ ba. Cháu đã băng đồng lên chùa này, quần áo lấm lem hết rồi, người dơ quá. Dạ, cháu xin mượn cái gàu để đi tắm một cái!". Sư già thong thả rót nước chè ra bát, làm như ông không chú ý đến bộ dạng lấm lem của tôi. Sư bảo: "Uống nước đi cháu". Tôi ngồi bên mép chõng tre, cầm bát nước chè uống một hơi. Sư già quay sang nói với chú tiểu: "Đi tìm cái gàu dùm chú, con!". Chú tiểu uể oải đứng dậy, khẽ liếc nhìn tôi một cái rồi bỏ đi.

Tôi ngồi uống chè xanh với sư già, chờ chú tiểu đi tìm cái gàu. Sư già uống từng ngụm nước chè, dáng nhàn tản như không nghĩ ngợi gì. Nhưng sư cũng không hỏi gì tôi. Sư thản nhiên, làm như tôi là cái thằng trong xóm lên chùa chơi, chứ không phải là khách lạ; với một bộ dạng lôi thôi, buồn cười. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy khó chịu, đồng thời nhận ra sự yếu đuối, bất an của mình. Tôi định mở điện thoại để gọi cho nàng. Nhưng, rồi tôi vẫn ngồi im. Dù sao cũng chờ cái gàu để tắm một cái, rồi tính sau.

Chú tiểu đi rất lâu vẫn không thấy quay lại. Hay là chú tiểu đã tìm thấy và mang gàu ra ngoài giếng rồi? Tôi chào sư già đứng lên đi ra giếng, nhưng không thấy cái gàu, cũng không thấy chú tiểu đâu cả. Có lẽ cậu ta đang ngồi ở một góc nào đó mà gỡ cỏ may trên gấu quần. Những vệt cỏ may làm cho cậu ta cảm thấy khó chịu, nên phải tìm cách giải quyết cho xong. Tôi lại loanh quanh tìm cái gàu. Một vị sư trung niên nói: "Có thể cái gàu rớt xuống giếng. Cái giếng này sâu, nhiều người không biết lượng sức mình, xách nặng quá mỏi tay, thế là thả gàu luôn". Nói xong, sư đi luôn.

Tôi quay trở lại chỗ sư già. Ông vẫn ngồi đó, cảm giác ung dung vẫn nguyên vẹn. Sư già nhìn tôi mỉm cười: "Uống nước đi cháu. Thằng nhỏ chắc chạy đi chơi đâu đó rồi". Tôi thở dài một cách công khai: "Cái gàu ở đâu mà con tìm hoài không thấy. Có lẽ nó rớt xuống giếng rồi!". Sư già không nói gì, ông đưa mắt nhìn tôi. Đây là lần đầu tiên, ông nhìn tôi một cách trọn vẹn. Tôi tránh cái nhìn của ông, bưng bát nước chè xanh lên uống, vị chát của chè xanh làm cho thần kinh tôi giãn ra, nhưng đồng thời cũng làm bụng sôi ùng ục. Tôi bắt đầu cảm thấy cơn đói đang kéo tới. Nếu bây giờ có cái gàu chưa chắc tôi đã xách nổi từ giếng sâu. Thôi, tôi sẽ chấp nhận rút lui khỏi nơi đây, với một bộ dạng nhem nhuốc thế này. Khi về khách sạn tôi sẽ gọi điện cho nàng sau vậy.

Tôi dợm đứng lên thì sư già đã đứng lên trước: "Đi ra giếng đi, thầy sẽ xách nước cho cháu tắm. Cũng trưa rồi. Tắm xong, dùng cơm chay với nhà chùa rồi hẵng về". Tôi theo chân sư già ra giếng. Cái gàu không biết tự lúc nào đã ở trên thành giếng. Sư già xách nước đổ đầy cái ảng trong nhà tắm. Tôi múc từng gáo nước mát lạnh dội lên người, vừa tắm vừa uống nước vào bụng.

Cho đến chiều và cả đêm hôm đó tôi vẫn không mở máy và gọi cho nàng. Sau khi dùng cơm chay với sư già, tôi ra cái chõng tre ngoài hàng hiên nhà bếp đánh một giấc đến chiều. Tôi tìm sư già để chào từ giã, nhưng không thấy đâu. Chú tiểu nhìn tôi vẻ không thiện cảm: "Thầy đi dạo rồi". Tôi rời chùa, nhưng không đón xe ôm, mà về lại bằng con đường cũ, lội bộ qua cánh đồng. Khi đi xuống quả đồi, tôi có cảm giác cặp mắt sư già đang nhìn phía sau lưng, nhưng quay lại thì không thấy ai cả.

***

Chuyện xảy ra ở Thị trấn thứ ba, với tôi chỉ có vậy. Khi quyết định quay trở về bằng con đường cánh đồng, đơn giản tôi chỉ muốn thực hiện một ngày "không ngồi xe gắn máy" trọn vẹn. Đã rất lâu rồi, đã rất nhiều năm rồi, tôi không có một ngày như thế. Tôi không mở máy và gọi cho nàng, bởi thân xác quá mệt mỏi, rất thèm một giấc ngủ say. Trong khi ngủ, thỉnh thoảng tôi lại đánh hơi thấy mùi nước mắm, tôi đoán chừng nàng đến, cố mở mắt ra, nhưng chịu thua.

Khi đọc bài báo về vụ động đất, tôi không ấn tượng mấy về biến cố đó, nhưng đã kịp ghi nhớ tên tác giả bài viết, và nghĩ lần tới, khi quay trở lại Thị trấn thứ ba  chắc chắn sẽ làm quen với tay này.

Xảy ra ở Thị trấn thứ ba chỉ có vậy thôi. Tôi cũng không còn nhớ gương mặt sư già, chỉ nhớ chung chung một phong cảnh chùa nơi đó, cùng vị chát chè xanh và mùi thơm đậu phộng muối mè. Thêm điều nữa, đó là một câu hỏi, thỉnh thoảng lại như một cơn sóng gợn lên, đánh lấn vào trong đầu: "Cái gàu đã ở đâu trong buổi sáng hôm đó?".

(*) Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường

Truyện ngắn Trần Nhã Thụy (Làng Mai - 10.2006)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.