Bầu cử Tổng thống Mỹ 2008: Một cuộc đua kỳ thú tại đảng Dân chủ

22/01/2007 23:07 GMT+7

Cử tri và báo giới Mỹ đang đứng trước một cuộc đua kỳ thú trong nội bộ đảng Dân chủ để tuyển chọn ứng viên đại diện tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008. Đó chính là cuộc đua giữa ba ứng viên Hillary Clinton, Barack Obama và Bill Richardson.

Ngày 16.1.2007, ông Barack Obama, thượng nghị sĩ (TNS) bang Illinois, tuyên bố thành lập ủy ban thăm dò thì đến 20.1, bà Hillary Clinton, TNS bang New York, lên tiếng chính thức nhập cuộc: "I'm in to win" (Tôi vào cuộc để chiến thắng) và ngày 21.1, Thống đốc bang New Mexico, ông Bill Richardson, cũng đã lên tiếng gia nhập cuộc tranh tài. Mọi chú ý đổ dồn vào 3 nhân vật này vì họ tiêu biểu cho 3 cái "đầu tiên" xuất hiện nếu như đắc cử Tổng thống Mỹ: Bà Clinton là nữ Tổng thống đầu tiên, ông Obama là Tổng thống gốc châu Phi đầu tiên và Richardson là Tổng thống gốc Mexico đầu tiên.

Nếu căn cứ vào kết quả thăm dò dư luận mới nhất (Washington Post/ABC 20.1.2007) thì bà Hillary đang nắm lợi thế khi chiếm đến 41% so với đối thủ theo sát nút là TNS Obama chỉ được 17% hậu thuẫn. Mặc dù được tỉ phú Soros ủng hộ, nhưng xem ra ông Obama vẫn còn nhược điểm là "thiếu kinh nghiệm chính trường". Ông chỉ mới ngồi ghế TNS Mỹ 2 năm và là TNS da đen duy nhất trong Thượng viện. Do tuổi đời còn khá trẻ (45 tuổi) nên Obama còn cơ hội tiềm tàng cho nhiều kỳ tranh cử sau này.

Richardson rất từng trải trên chính trường Mỹ và quốc tế. Từng là dân biểu Hạ viện 15 năm trước khi trở thành Đại sứ Mỹ tại LHQ rồi Bộ trưởng Năng lượng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, năm 2003 khi nhậm chức Thống đốc New Mexico, ông Richardson là Thống đốc gốc Mỹ La-tinh duy nhất tại nước này. Richardson có mẹ là người Mexico, cha ông chào đời ở Nicaragua. Ông là một nhân vật ôn hòa, thành viên lãnh đạo trong Hội đồng lãnh đạo đảng Dân chủ (DLC) và từng là Chủ tịch Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ năm 2004, dịp tiến cử TNS John Kerry ra tranh cử tổng thống.

Trở lại với Hillary, sau nhiều tháng cân nhắc, bà đã tuyên bố tham gia tranh cử vào một ngày rất có ý nghĩa: 20.1.2007, tức cách ngày nhậm chức tổng thống tương lai 2 năm: 20.1.2009. Được xem là ứng viên hàng đầu của Dân chủ, bà Hillary lên tiếng thách thức: "Sau 2 lần chiến thắng vẻ vang (vào Thượng viện), nay có thể nói rằng, tôi đã nắm rõ suy tính cùng cách thức hoạt động của những người Cộng hòa và tôi biết cách thức đánh bại họ". Chắc chắn rằng bà sẽ nhắm vào 3 mục tiêu chiến lược: cuộc chiến Iraq, bảo hiểm y tế và nền kinh tế, vốn là những "điểm yếu" của chính quyền hiện nay. Đặc biệt về tình hình thâm hụt ngân sách, dù cho chính quyền của Tổng thống Bush mới đây đã công bố mức thâm hụt 3 tháng đầu năm tài chính 2007 (tức từ tháng 10 đến tháng 12.2006) là 80,4 tỉ USD, thấp nhất so với cùng kỳ các năm từ 2002 đến nay, nhưng Quốc hội đã dự kiến đến con số thâm hụt 286 tỉ cho cả năm tài chính 2007. Bà Hillary sẽ viện dẫn đến tài "kinh bang tế thế" của đảng Dân chủ để cho cử tri an lòng. Lợi điểm của bà Hillary còn phải kể đến là kinh nghiệm qua 2 lần vận động tranh cử tổng thống cho chồng, 8 năm trong Nhà Trắng với vai trò đệ nhất phu nhân và một mạng lưới vận động tài trợ hữu hiệu. Trong khi theo dự báo của các chuyên gia, bất cứ ứng viên nào cũng cần khoảng 70 triệu USD cho năm 2007 để vận động tranh cử thì bà đã có sẵn 14 triệu USD còn thừa trong kỳ vận động tranh cử TNS vừa qua. Cựu TT Bill Clinton chắc chắn sẽ là một "tài sản lớn" một khi bà Hillary được đảng Dân chủ chính thức bầu chọn làm ứng viên của họ. Sự lợi hại của "cố vấn" Clinton bên cạnh nữ Tổng thống Hillary chắc sẽ là điều mà bất cứ cử tri Mỹ nào cũng có thể nhận thấy.

Xem ra, trong 3 cái "đầu tiên", có lẽ nữ Tổng thống đầu tiên là cái mà cử tri Mỹ có thể dễ dàng chấp nhận nhất. Nếu chúng ta nhìn lại chính trường Mỹ trong mấy thập niên qua thì hình như đã có những bước đệm, chuẩn bị cho một ngày nước Mỹ có một vị nữ Tổng thống đầu tiên. Bắt đầu bằng việc bà Albright được cử giữ chức Ngoại trưởng, đến cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia và Ngoại trưởng Rice, rồi nay đến nữ Chủ tịch Hạ viện đầu tiên Pelosi (nhân vật số 3 ở Mỹ), thì việc cử tri Mỹ sẵn sàng chấp nhận một nữ tổng thống, một nhân vật nữ nắm quyền Tổng tư lệnh quân đội chỉ là vấn đề thời gian.

Lê Đình Bì
(viết từ Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.