Cũng vì thế người Việt kinh doanh tại Nga thường ăn nên làm ra vào những dịp như vậy. Người Việt thường gọi tháng này là tháng củ mật. Cả năm trời lăn lộn, ai cũng mong ngóng khoảng thời gian này. Thế mà, tháng chạp năm nay không thể làm cho gần 100.000 người Việt đang sinh sống tại Nga vui vẻ, lạc quan được. Ngược lại, lòng họ đang nóng như lửa đốt. Thứ nhất, mùa đông ẩm ướt năm nay sẽ khiến cho các loại quần áo ấm ế ẩm hơn. Điều quan trọng hơn, họ thấp thỏm lo âu vì luật về các chợ bán lẻ ở Nga có hiệu lực từ 15.1.2007. Điều này có nghĩa rằng, đại bộ phận người Việt tại Nga - những kẻ đi tìm vận may nơi xứ tuyết sẽ vô cùng khốn đốn.
Sóng gió...
Đã vài tháng nay, Chiến, một chủ "công" (ki-ốt bán hàng với hình thức container) tại dãy 7A thuộc khu vực chợ Vòm (khu chợ bán buôn và bán lẻ lớn nhất Matxcơva) không ăn, không ngủ được. "Công" của Chiến thuộc vị trí đắc địa, năm ngoái khi mọi việc vẫn xuôi chèo mát mái thì nhiều người nằng nặc đòi Chiến sang nhượng với giá trên 200.000 đô la. Nó là nguồn thu chủ yếu của anh, của cả gia tộc anh ở Việt Nam.
Vậy mà từ đầu năm nay, nó chẳng còn giá trị gì nữa cả. Chẳng ai buồn hỏi đến chuyện mua bán, sang nhượng "công". Đau buồn hơn, mấy bạn hàng quen của anh từ dưới tỉnh còn nợ anh một đống tiền cũng nhân cơ hội này "bùng" cả. Sắp tới đây, cuộc sống của anh sẽ ra sao? Về Việt Nam khi tuổi đã gần 50, chẳng nghề nghiệp gì thì biết lấy gì để sống?
Chiến đóng "công" và bắt taxi về nhà sớm hơn thường lệ. Trời mưa rả rích, đường sá bẩn thỉu và ẩm ướt. Mọi năm, cứ vào tầm này, khắp nơi trắng xóa một màu băng tuyết. Áo lông - mặt hàng chính của anh, vào độ này năm ngoái, bán chạy như tôm tươi. Vậy mà năm nay, anh phải bán tống, bán tháo với cái giá giảm đi hơn một nửa hòng gỡ gạc lại vốn liếng trả cho chủ hàng người Trung Quốc. Chiếc Lada cũ kỹ vừa lò dò ra khỏi khu chợ, một gã cảnh sát giao thông đã giơ dùi cui ra hiệu dừng lại. Cả Chiến lẫn chủ xe (cũng là người Việt) lại phải móc tiền ra cho hai gã cớm mặt mũi lạnh như băng.
Người nước ngoài tại Nga, trừ đám mafia sống bằng nhiều nghề bất hảo như buôn lậu, sòng bạc, bảo kê nhà hàng, bảo kê gái..., số còn lại thuộc nhiều thành phần khác nhau. Thành phần cao cấp gồm các nhà ngoại giao, nhân viên sứ quán, chuyên gia làm việc trong các tập đoàn quốc tế... Những người này có mức sống khá cao với tiêu chuẩn căn hộ, xe hơi, lái xe riêng, chế độ nghỉ dưỡng tốt. Họ mua sắm tại các đại siêu thị, con cái học hành tại các trường học tốt nhất nhì trong thành phố.
Một số các nhân viên cấp trung tại các công ty nước ngoài có vốn liên doanh với Nga cũng được coi là tầng lớp có mức sống tạm dư dả, trong số này có không ít người Việt vốn là các cựu nghiên cứu sinh, cựu sinh viên đã có thời học tập tại Liên Xô cũ. Lớp người này ít nhiều có am hiểu về tình hình chính trị, văn hóa, kinh tế của nước Nga cũng như con người Nga, tính cách Nga. Tuy nhiên, số này cũng không phải là nhiều nếu so với số lượng hơn 100.000 người Việt sống tại đất nước này.
Trừ tầng lớp sinh viên, nghiên cứu sinh, lớp người nước ngoài đông đảo nhất ở Nga có lẽ là dân buôn bán ở chợ mà người ta thường gọi "dân đầu đen", trong đó người Việt và người Trung Quốc chiếm số lượng rất đông, kinh doanh chủ yếu là hàng quần áo, giày dép... Theo một con số thống kê chưa đầy đủ thì có tới 80% người Việt ở Nga sống bằng nghề buôn bán tại các chợ, các trung tâm thương mại tại 20 tỉnh, thành trên cả nước.
Khác với những người đến từ Trung Quốc, đội quân buôn bán người Việt xuất thân từ lớp công nhân lao động hết hạn hợp đồng tại các phân xưởng, nhà máy Nga vào những năm cuối thập niên 80. Sau khi Liên Xô tan rã, đội quân này càng ngày càng đông đảo hơn và được bổ sung liên tục từ nguồn trong nước sang. Người nọ bảo người kia, cứ thế cả làng, cả xã đồn thổi về giấc mơ nơi xứ tuyết.
Người Việt Nam chủ yếu sống tập trung trong các ký túc xá cũ kỹ. Đôm (khối nhà) 5 cũ trên đường Dmitry Ulianov thuộc Viện Hàn lâm Nga và "ốp" (khu tập thể) Xaluit do ông Võ Văn Hồng mở một thời là địa điểm kinh doanh lý tưởng của người Việt. Cái thời đó được coi là thời hoàng kim của nhiều người Việt tại Nga. Sau này, nhiều "ốp" khác cũng bung ra theo phong trào như Togi, Sokol, Voikov, An Đông, Asean, Sông Hồng... Lớp "thương gia" bình dân đông đảo này thường là chủ đề gây tranh cãi đối với dân chúng Nga. Trong khi nhiều người lên tiếng chỉ trích nền "văn hóa ốp" thì cũng có không ít người dân Nga tỏ ra thông cảm với những công dân bé nhỏ đến từ quốc gia xa lắc xa lơ để mưu sinh nơi xứ lạnh. Không biết tiếng Nga, không có kiến thức về đất nước và nền văn hóa Nga... đó là những điểm yếu của phần lớn lớp người này.
Cuộc sống lắm rủi ro
Ban đầu, sự khó chịu của người bản địa về sự hiện diện của một bộ phận không nhỏ người Việt tại đất nước này thể hiện ở những cử chỉ nho nhỏ. Đó là khi các "thương gia" người Việt nói chuyện vô tư, thoải mái, thậm chí cười rất to trên xe buýt. Ở khu buôn bán, các "thương gia" người Việt cứ tha hồ phang tiếng Việt, hoặc tỏ vẻ khó chịu mỗi khi có vị khách Nga mở hàng mà không mua hoặc mang hàng hóa đổi hoặc trả lại.
Dần dần, những điều khó chịu này tích tụ càng lớn dần. Một số thanh thiếu niên sinh ra trong các gia đình nghèo khó, không được ăn học đến nơi đến chốn, sống trong cảnh "nhàn vi cư bất thiện" cảm thấy "chướng tai gai mắt" khi chứng kiến ngày càng nhiều người nước ngoài đổ xô đến mưu sinh ở xứ này.
Thế là tại nhiều khu chợ xuất hiện các nhóm thanh niên tự quản. Họ xưng danh là quản lý trật tự và yêu cầu các thương gia nước ngoài xuất trình giấy tờ. Sau đó là các vụ hành hung xảy ra đâu đó gần khu vực người nước ngoài sinh sống. Những cuộc rượt đuổi, xô xát của đám thanh niên choai choai vô công rỗi nghề người Nga với người Việt xảy ra như cơm bữa. Người bị đánh nhiều khi chỉ biết ngậm ngùi chứ chẳng biết kêu than với ai, đơn giản chẳng có ai đứng ra bảo vệ họ. Ai cũng bận bịu mưu sinh cơm áo gạo tiền và không để ý lắm đến những vụ việc diễn ra thường ngày này.
Cho đến khi sinh viên Vũ Anh Tuấn bị bọn đầu trọc giết hại, nhiều người Việt mới cảm thấy sợ hãi, bấp bênh với cuộc sống không lấy gì làm ổn định ở xứ này. Báo chí vào cuộc, nhiều người lên tiếng chỉ trích Chính phủ Nga không đảm bảo được an ninh cho người nước ngoài ở đây. Vụ đầu trọc giết chết một bé gái 2 tuổi người Tadzikistan ngay trước mặt ông bố hay vụ bắn chết sinh viên người Senegal ngay trên đường phố Saint-Peterburg đã khiến nhiều người nước ngoài lo sợ về tình hình an ninh. Nhiều người Việt đã rời Nga trở về lập nghiệp trong nước, cho dù có người đã để lại đây cả một quãng đời tươi đẹp của mình để về nước với tiếc nuối, hoài niệm. Những người ở lại mưu sinh vẫn phải hằng ngày đối mặt với nhiều nguy cơ mà rủi ro lớn nhất là họ buộc phải về nước vĩnh viễn.
Đã khốn đốn, bấp bênh với cuộc sống mưu sinh hằng ngày, nay với luật mới về lao động nhập cư ở Nga đánh thẳng vào cộng đồng người nước ngoài tại Nga, người Việt và người Trung Quốc sẽ là những nạn nhân "đau" nhất. Bằng cách này, Chính phủ Nga đang buộc hàng triệu người nước ngoài, trong đó có người Việt, phải trở về cố hương. (Còn tiếp)
G.C
Bình luận (0)