Theo chỉ định của UBND tỉnh, Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Quảng Nam chịu trách nhiệm cung ứng trang thiết bị dạy học lớp 10 cho các trường THPT. Tuy nhiên đến thời điểm này, Trường THPT Lê Quý Đôn ở thành phố Tam Kỳ vẫn chưa ký được hợp đồng mua sắm thiết bị dạy học năm học 2006-2007 với công ty. Với số tiền 56 triệu đồng được giao, nhà trường không thể mua đủ số lượng, danh mục thiết bị theo văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT vì thiếu khoảng 7 triệu đồng. Ông Võ Văn Ngọc, kế toán Trường THPT Lê Quý Đôn nói: "Làm việc với công ty mấy lần nhưng chúng tôi cũng không dám ký hợp đồng, vì Sở GD-ĐT giao cho chúng tôi mua chừng đó số lượng thiết bị với chừng đó tiền. Bây giờ tự dưng công ty bắt chúng tôi phải ký hợp đồng thêm 13% thặng số nữa thì tiền đâu chúng tôi trả?".
Theo Quyết định số 2689 ngày 27.11.2006 của Sở Tài chính tỉnh, giá mua thiết bị bằng giá thẩm định cộng thêm 13% thặng số. Thặng số ở đây có nghĩa là số tiền trừ vào các khoản chi phí vận chuyển thiết bị, tập huấn sử dụng, bảo trì thiết bị và những chi phí liên quan trực tiếp khác. Tuy nhiên, trong kế hoạch phân bổ kinh phí và danh mục thiết bị cho các trường - và cụ thể là trong văn bản số 2541 ngày 30.11.2006 của Sở GD-ĐT hướng dẫn mua sắm thiết bị - chỉ giao kinh phí theo giá thẩm định chứ không có kinh phí thặng số 13%. Ông Đoàn Ngọc Ân - Giám đốc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Quảng Nam cho biết mặc dù đã giải thích với các trường rằng 13% thặng số sẽ do Sở GD-ĐT thanh toán sau nhưng các trường đều không chịu ký hợp đồng.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có 10 trường THPT trên tổng số 43 trường có thỏa thuận hợp đồng với Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Quảng Nam về việc mua sắm thiết bị dạy học. Trong số đó, có trường mua theo kiểu cắt bớt các danh mục để cân đối số tiền còn lại vào thặng số 13% với lý giải: làm như thế thì chắc chắn hơn. Có trường thảo vào hợp đồng là "sẽ thanh toán 13% thặng số khi nào Sở GD-ĐT cấp bổ sung kinh phí thặng số". Với bản hợp đồng như thế nên Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Quảng Nam cũng không dám ký!
Mặc dù UBND tỉnh đã có quyết định phân bổ kinh phí và công văn đề nghị triển khai thực hiện việc mua sắm thiết bị cho kịp phục vụ năm học mới từ tháng 7.2006, nhưng 4 tháng sau các cơ quan chức năng mới có kết quả thẩm định giá thiết bị dạy học và mãi đến 30.11.2006, Sở GD-ĐT mới có văn bản hướng dẫn các phòng GD-ĐT, trường THPT tiến hành mua sắm thiết bị.
Không thiếu tiền và cũng không thiếu trang thiết bị, nhưng nhiều trường đành phải "dạy chay học chay" chỉ vì một văn bản hướng dẫn không rõ ràng.
Dương Hoàng Anh
Bình luận (0)