Chàng hiệp sĩ chiến thắng bệnh ung thư

28/01/2007 22:34 GMT+7

Một chàng trai vừa tốt nghiệp ĐH, tương lai rộng mở phía trước bỗng đột ngột phát hiện mình bị ung thư xương. Cứ ngỡ cú sốc đầu đời này sẽ quật ngã chàng trai ấy, nhưng ngược lại nó trở thành bước ngoặt để anh vươn lên sống có ích cho bản thân và giúp ích cho người khác. Chàng trai viết nên câu chuyện đẹp như cổ tích ấy tên là Trịnh Công Thanh - Hiệp sĩ Công nghệ thông tin 2005 và là ông chủ trẻ của Công ty Du lịch Rồng Việt.

Tình yêu cuộc sống

"Đầu năm 2002, khi vừa ra trường, đang hăm hở bước vào đời với những mong ước rất bình thường là có công việc ổn định, lập gia đình, đỡ đần các em và chăm sóc bố mẹ già thì tôi phát hiện mình bị mắc chứng ung thư. Tôi rất buồn vì hỏi bất kỳ một chuyên gia tư vấn y tế nào cũng đều được trả lời rằng, bệnh ung thư không chữa khỏi được, rằng tôi sẽ sống không quá 2 năm nữa..." - Trịnh Công Thanh nhớ lại. Tôi hỏi: "Lúc này anh có sợ chết không?". Anh Thanh nói rất dứt khoát: "Tôi không sợ chết, nhưng cảm thấy chua xót vì tôi là con cả trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ đã  rất vất vả để nuôi tôi ăn học và ai sẽ là người thay tôi trả những món nợ gia đình đã vay? Tôi nhất định phải sống, phải trở thành một người có ích, ít nhất là cho gia đình mình". Anh Thanh ngừng trong giây lát, rồi kể tiếp: "Tỉnh dậy sau khi phẫu thuật, tôi phải tìm cách sống chung với khuyết tật, nhưng đó chỉ là điều nhỏ nhoi so với nỗi sợ hãi luôn ám ảnh -  mình là một bệnh nhân ung thư, mình sẽ chết bất cứ lúc nào". Tôi hỏi: "Để quên đi bệnh tật, anh thường làm gì?". Anh Thanh bộc bạch: "Tôi tập trung vào học tin học, vì tin chắc nó sẽ giúp tôi nhiều hơn khi ra viện, khi hòa nhập vào đời sống cộng đồng sau này. Tôi dành dụm tiền mua các cuốn sách tin học để tự học. Tôi học tin học căn bản, mạng truyền thông và thiết kế web. Khó khăn là không có máy tính để thực hành những gì đã học nên thỉnh thoảng tôi xin ra ngoài và kiểm chứng những gì mình học được tại các tiệm internet công cộng, bù lại tôi học tập rất say mê và tập trung. Chính tình yêu cuộc sống mãnh liệt và khao khát có thời gian để cống hiến cho gia đình và xã hội đã giúp tôi đứng lên".

Sống cho mình và người khác

"Không có gì thuộc về con người mà lại xa lạ với chúng ta - đó là câu châm ngôn mà tôi tâm đắc nhất" - Trịnh Công Thanh

Xuất viện, mất một bên chi nhưng Thanh đã đứng vững và bắt đầu cuộc sống mới có ích cho bản thân và giúp những người đồng cảnh ngộ. Năm 2003, Thanh làm tình nguyện viên cho tổ chức Diễn đàn người khuyết tật và bắt tay xây dựng diễn đàn trực tuyến cho người khuyết tật www.vndisability.net-www.nguoikhuyettat.org với mong muốn đơn giản là tạo sân chơi, chia sẻ tình cảm, hiểu biết cho những người cùng cảnh ngộ. Cũng trong năm đó, Thanh tham gia cuộc thi "Ngày sáng tạo VN" do Ngân hàng thế giới tổ chức và lọt vào chung kết với dự án "Hà Nội dành cho mọi người - Du lịch không rào cản". Dự án này nhằm vận động các công trình du lịch, các nhà hàng khách sạn... dành lối đi riêng cho người khuyết tật. Năm 2004 và 2005, Thanh cùng cô bạn Bích Ngọc chung  tay xây dựng chuyên trang dành cho các nạn nhân chất độc da cam www.vndioxin.net, đồng thời lập ra nhóm thiện nguyện Ước mơ xanh Hà Nội để hỗ trợ trẻ em nghèo, người khuyết tật và những nạn nhân chất độc da cam. Với vỏn vẹn 7 thành viên ban đầu, đến nay nhóm đã có gần 200 thành viên và đã mở rộng địa bàn hoạt động sang tỉnh Hà Tây. "Tôi luôn ý thức rằng muốn làm tình nguyện, muốn giúp đỡ người khác, trước tiên mình phải nuôi được chính mình. Đó là lý do sau khi dự án "Hà Nội dành cho mọi người" kết thúc, tôi đã xin vào làm tại Tập đoàn Hi-tek (Mỹ) và được đề bạt vào vị trí trưởng phòng kỹ thuật. Để tránh tình trạng bị quá tải, làm nhiều việc mà rốt cuộc chẳng việc nào ra hồn, tôi phải sắp xếp hợp lý công việc trong ngày và cố gắng hoàn thành. Còn lại thời gian rảnh sẽ dồn sức lực cho các hoạt động tình nguyện", Thanh tâm sự.

Gần đây nhất, tháng 4.2006, Thanh thành lập Công ty Du lịch Rồng Việt - một bước chuyển mới trên bước đường sắp tới.  "Anh có tin mình sẽ thành công khi công ty du lịch của anh không dính dáng đến công nghệ thông tin?", tôi hỏi. "Tôi luôn nghĩ Trường ĐH Luật Hà Nội cho tôi một tầm nhìn rộng và trang bị cho tôi những kỹ năng phân tích và nghiên cứu một vấn đề nào đó, còn công nghệ thông tin cũng chỉ là một công cụ, một thứ vũ khí chứ không phải là một nghề, chính vì vậy tôi không khó khăn lắm khi chuyển sang làm trong môi trường du lịch. Rồng Việt hiện nay cung cấp các dịch vụ du lịch nhỏ, mang tính cách thời vụ và lấy ngắn nuôi dài. Tôi có 6 cộng sự và rất mong muốn được mở rộng quy mô để thành công lớn hơn và hỗ trợ được nhiều người khuyết tật hơn", anh Thanh không giấu giếm mong ước. Nói về phương châm sống, anh Thanh tự bạch: "Không có những gì thuộc về con người mà lại xa lạ với chúng ta - đó là câu châm ngôn mà tôi tâm đắc nhất. Tính cách cởi mở, sẻ chia và chân thành có thể đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong cuộc sống cũng như trong công việc".

V.A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.