9 giờ sáng, khu Đại Nội - Hoàng thành Huế đông đúc người tham quan. Dưới tán cây thông gần 200 năm tuổi trong khuôn viên Hiển Lâm Các, nơi tôn vinh công trạng các đời vua triều Nguyễn, hàng trăm SV tay cầm máy ghi âm, cổ đeo máy ảnh vây lấy một hướng dẫn viên đang giới thiệu về khu di tích này, một số khác thoăn thoắt tốc ký trên cuốn sổ tay, rồi cẩn thận chụp hình. Đó là một trong những hình ảnh rất ấn tượng trong chuyến thực tập kéo dài một tuần của 150 SV khoa Ngữ văn Trung Quốc trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM tại miền Trung.
Tranh thủ thưởng thức món bánh đập ở phố cổ Hội An |
"Bọn mình đến miền Trung để tìm hiểu, ghi chép về những di tích của các vua chúa ngày xưa, cũng như nghiên cứu những tài liệu Hán tự ở đó và sẵn tiện làm chuyến du lịch miền Trung luôn mặc dù hơi oải một chút vì thời gian khá ngắn" - Trang Công Phát, một thành viên của đoàn thực tập cho biết. Các sinh viên như những gã du mục, phần lớn thời gian đều ngồi trên xe, mỗi nơi cả đoàn chỉ dừng lại nửa ngày để nghỉ ngơi, nơi dừng lâu nhất là 2 ngày 2 đêm. "Thậm chí, vừa ngồi trên xe từ sáng đến chiều lại phải tập leo núi Ngũ Hành Sơn để tiếp tục "công tác thực địa", tối về ê ẩm hết trơn, nhưng tất cả đều rất vui vì được mở mang tầm nhìn, ai cũng thấy mình lớn hơn một chút và đoàn kết với nhau hơn" - bạn Mã Tuyết Ngọc, SV lớp 041TQ chia sẻ.
Đêm ở Quy Nhơn, dạo quanh các con phố tối gần khu chợ lớn nhất miền Trung vừa bị thiêu rụi, chúng tôi cảm nhận một nỗi buồn bao trùm lấy nơi này. Dường như người dân ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng với cú sốc lớn vừa qua. Song, chúng tôi cũng đã có dịp thưởng thức món bún chả nổi tiếng nơi này.
Khi dừng lại ở Quảng Nam, xe tấp vào một quán cơm dọc đường, một số SV thấy thức ăn ở đây không hợp vệ sinh cho lắm nên đã sang quán khác nằm bên kia đường, nhưng đã bị các "bảo kê" trong quán chặn lại và đòi 20.000 đồng tiền nước (mặc dù các bạn này vẫn chưa ăn uống gì). "Mình cũng đã bị bọn nó đòi tiền nhưng nhất quyết không đưa, rồi quay lại xe ngồi cho yên chuyện. Từ nhỏ đến lớn mới biết mùi cơm tù, không ngờ bây giờ mà vẫn còn tình trạng này. Đây cũng là bài học nhớ đời" - Minh Hiếu tỏ vẻ bất bình nói.
Ghi chép chữ Hán cổ tại chùa Thiên Mụ (TP Huế) |
Nhưng rồi tất cả cũng qua, chúng tôi lại tiếp tục tiến thẳng Hội An. Khu phố cổ nổi tiếng này đón chúng tôi bằng cơn mưa nhẹ lành lạnh nhưng dễ chịu. Cả 150 thực tập sinh lại kéo nhau đến các di tích, nhà cổ để săn ảnh và ghi chép tài liệu. Những hướng dẫn viên ở khu phố cổ phải tháo mồ hôi hột trước hàng trăm câu hỏi hóc búa của SV. "Mình rất đỗi ngạc nhiên và thầm khâm phục cấu trúc nhà cửa tại đây khi biết rằng trong các cơn bão dữ dội ở miền Trung vừa qua, phố cổ vẫn không bị ảnh hưởng đáng kể, các mái ngói có vẻ như yếu ớt cũ kỹ kia vẫn "cố thủ" vững chãi một cách lạ thường như bao thế kỷ qua" - Quế Trân, một SV trong đoàn thực tập trầm trồ. Cô nàng này cũng tỏ ra khá tinh tế khi nhận xét, ở phố cổ Hội An dường như dân Tây còn nhiều hơn cả dân ta, song vì nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch và mô hình thì khá trùng lặp nhau nên nơi này vẫn thừa thừa và thiếu thiếu cái gì đó... Sau một ngày chạy tới chạy lui hết chùa Cầu đến các ngôi nhà cổ, chúng tôi lại cùng nhau thưởng thức món bánh đập, cao lầu rồi mì Quảng... Tất cả đều rất tuyệt vời.
Thế là một tuần lễ cũng đã qua rất mau. 7 ngày đủ để biết thế nào là sự ngoạn mục và hiểm nguy của đèo Hải Vân, thế nào là sự uy nghi của cung đình Huế, thế nào là cao lầu, mì Quảng Hội An, bún chả Quy Nhơn...
T.Q
Bình luận (0)