Năng lực vẫn còn hạn chế.
Mở đầu buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo - Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn: “Nền giáo dục của chúng ta còn yếu kém, những năm qua, chúng ta vẫn chưa làm tốt công tác dự báo về nhu cầu xã hội để có hướng đào tạo cho phù hợp. Điều này khiến cho tỷ lệ nhân lực được đào tạo hàng năm còn mất cân đối”.
Theo Uỷ ban điều tra giáo dục, những năm qua, sinh viên ngành công nghệ thông tin chỉ chiếm 15%, sư phạm chiếm 40%, kinh tế 17%, đáng chú ý số lao động phổ thông (chưa qua đào tạo) chiếm rất lớn. Sự đào tạo “khập khiểng” mất cân đối đã không đáp ứng được nhu cầu phát triển xã hội.
PGS.TS Dương Đức Lân – Phó tổng Cục Dạy nghề cho biết, tính hết 2006, cả nước có 1915 cơ sở dạy nghề (công lập chiếm 64%) với khoảng 8.000 giảng viên, giáo viên…, nhưng tốc độ phát triển dạy nghề còn khác biệt giữa các vùng, miền.
Thực tế cho thấy, nhu cầu học nghề đang tăng nhưng khả năng tiếp nhận của các cơ sở còn hạn chế bởi cơ sở vật chất, thiết bị, giáo viên còn thiếu. Theo điều tra, hiện còn 20% phòng học và 30% xưởng thực hành cho học viên, sinh viên là nhà cấp 4, và chỉ khoảng 25% trường được trang bị thiết bị công nghệ thuộc diện khá, còn lại chỉ ở mức trung bình. Ông Lân cho rằng, hệ thống pháp luật về giáo dục còn chồng chéo, cần phân cấp triệt để về cơ chế, chính sách, tài chính nhằm phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường, các cơ sở…
Theo Tổng cục Du lịch - ngành mũi nhọn trong thời kỳ hội nhập, nhu cầu đòi hỏi nhân lực là rất lớn, nhân lực có ý nghĩa quyết định. Dự kiến từ nay tới 2010, ngành Du lịch cần khoảng 330 - 400 ngàn lao động có trình độ để phát triển. Tuy nhiên, theo đánh giá đến 2010, khả năng đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch trong cả nước mới đáp ứng khoảng 99 ngàn lao động. Lãnh đạo ngành Du lịch kiến nghị, ngành giáo dục cần có cuộc cải tổ mạnh mẽ trong việc xã hội hoá Giáo dục - Đào tạo du lịch. Cần xây dựng thị trường cung cấp dịch vụ đào tạo, có hệ thống kiểm tra đánh giá giáo viên, giảng viên và cần xác định học sinh, sinh viên là trọng tâm của khách hàng, khắc phục tình trạng hành chính hoá trong nghiên cứu, giảng dạy.
Nỗi lo nhập khẩu lao động
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc - Trưởng phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, chưa bao giờ vấn đề giáo dục lại “nóng” như hiện nay, bởi chính sự bất cập về cung - cầu. Theo ông Lộc, cần đào tạo nhân lực có chất xám, kỹ năng và thái độ. Nhà tuyển dụng cần những lao động có chất xám được trang bị phù hợp với nhu cầu mà họ tuyển dụng.
Hiện nay, những người được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng vẫn chưa đảm bảo được chất lượng như mong muốn. Dưới góc độ cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung, để Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 như mục tiêu mà Chính phủ đề ra, chúng ta cần có nhân lực đáp ứng. Nguồn nhân lực ở đâu? - Ông Lộc lo ngại.
Bộ Giáo dục - Đào tạo ký thoả ước với các nhà tuyển dụng - Ảnh: Ngọc Thọ |
Ông Arjan Koeslag - Chủ tịch Dự án giáo dục đại học Việt Nam - Hà Lan cho rằng, các trường đại học - cao đẳng cần phải hiểu về thị trường lao động để có phương pháp giảng dạy cho hợp lý. Sinh viên cần có điều kiện thực hành và thực tập trong chương trình đào tạo để tạo ra mối quan hệ khắng khít giữa ngành giáo dục và các công ty cũng như tại một số cơ sở tuyển dụng lao động.
Ngoài ra, các cán bộ có năng lực của công ty, cơ quan tiếp nhận lao động có thể làm cán bộ thỉnh giảng trong những môn chuyên ngành. Việc đánh giá chất lượng đào tạo được thực hiện thông qua Hội đồng, cần có thêm đại diện các cơ sở sử dụng lao động. Sự đóng góp từ các cơ sở sử dụng lao động sẽ gia tăng tính phù hợp và chất lượng đào tạo.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã ký kết các hợp đồng thoả thuận hợp tác đào tạo giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tổng cục Du lịch, phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam và các Trường với các doanh nghiệp.
Sự kiện này có thể coi là một “mốc son” đánh dấu sự cải tổ mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục trong thời gian tới và đây cũng là cột mốc đánh dấu chặng đường phát triển đầy tiềm năng của công tác đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam.
Ngọc Thọ
Bình luận (0)