Kết quả khảo sát này lại gióng lên một hồi chuông báo động về sự hồi sinh các loại giấy phép không cần thiết, cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), làm xấu đi môi trường kinh doanh tưởng như đã được cải thiện trong mấy năm qua.
Sau khi được thành lập theo quyết định của Thủ tướng cuối tháng 9.2006, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sau đây gọi tắt là Tổ công tác) đã cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) rà soát 289/320 loại GPKD và các hình thức khác nhưng có tính chất như giấy phép (GP) mà Tổ này tập hợp được. Trên cơ sở xem xét tính hợp pháp, tính cần thiết, tính cụ thể, hợp lý, hiệu quả... đồng thời đối chiếu với các luật, pháp lệnh, nghị định hiện hành, Tổ công tác đã lên một danh mục 59 GP kiến nghị cần phải bãi bỏ. Trong số này, Tổ kiến nghị bãi bỏ hoàn toàn 41 GP, số còn lại được bãi bỏ và chuyển sang quản lý bằng hình thức "thông báo" hoặc điều kiện kinh doanh không phải GP. Trong số GP đề nghị bãi bỏ có một số "giấy" đáng chú ý như: GP cung cấp dịch vụ ứng dụng công nghệ internet trong viễn thông cấp cho OSP viễn thông của ngành bưu chính viễn thông (BCVT), GP khắc dấu của Bộ Công an, văn bản "xác nhận đáp ứng điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ" để cung cấp trò chơi trực tuyến trong Thông tư liên tịch số 60 giữa Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ BCVT và Bộ Công an...
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đồng thời là Thư ký Tổ công tác cho biết, việc đề nghị bãi bỏ số GP bất hợp lý nêu trên vì số GP đó là không cần thiết và không có căn cứ pháp lý, trái với quy định về thẩm quyền ban hành quy định về GPKD. Hoặc một số GP ban hành dựa trên các văn bản đã hết hiệu lực pháp lý. Nhiều GP không còn cần thiết vì "chồng chéo" với các GP khác hoặc chỉ là "GP cành" trong "GP cây"... Tổ công tác đồng thời kiến nghị bổ sung, sửa đổi với 230 GP còn lại do có không ít GP trong số này đã không xác định được cụ thể, rõ ràng về hoạt động kinh doanh được quản lý bằng "giấy" cũng như phạm vi hiệu lực; không tương thích với các quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành...
Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, VCCI cũng tiến hành một cuộc rà soát và phát hiện 37 GPKD bất hợp lý, ban hành trái Luật Doanh nghiệp và nhiều luật, pháp lệnh hiện hành, nhiều GP được "đẻ" ra mà không có căn cứ pháp lý rõ ràng. "Có 35% số GP là không cần thiết, hiểu theo nghĩa bảo vệ lợi ích công cộng; có 89% số GP có vấn đề về trình tự thủ tục", ông Huỳnh nói. Lấy ví dụ về văn bản xác nhận "đáp ứng điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ" về kinh doanh trò chơi trực tuyến trong Thông tư liên tịch số 60, ông Huỳnh cho rằng, cách mà các cơ quan quản lý áp đặt về điều kiện kỹ thuật rồi hạn chế giờ chơi game hiện nay là "không đem lại hiệu quả quản lý nào đáng kể" và chỉ gây khó khăn, làm cản trở sự phát triển của một ngành dịch vụ giải trí mới hình thành. "Hạn chế giờ chơi thì người chơi lại chuyển sang chơi game online quốc tế, thay vì chơi 1 nhân vật, 1 game thì người chơi lại chơi nhiều game, nhiều nhân vật khác nhau", ông Huỳnh nói. Theo ông Huỳnh, cung cách quản lý bằng GP như vậy là "không hiệu quả và không nên làm" và người ta hoàn toàn có thể thay thế bằng những công cụ khác, bằng quá trình đào tạo, giáo dục, sự chăm sóc của gia đình...
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh để nhằm hạn chế việc các bộ, ngành tùy tiện ban hành các GP "con", "cành", "nhánh"... dường như lại đang đi vào giai đoạn khó khăn. Tuy đã đưa ra được danh mục các GP cần bãi bỏ hoặc chuyển đổi nhưng Tổ công tác cũng cần phải có một thời gian dài nữa để tranh luận với các bộ, ngành về việc bãi bỏ hay không bãi bỏ chúng. Chỉ có những GP nào mà việc bỏ hay không gây ý kiến tranh cãi sẽ được trình Thủ tướng quyết định.
Đáng tiếc là vừa qua, dự thảo nghị định về trình tự, thủ tục ban hành việc cấp GP, vốn được đại đa số DN đồng tình đã không được thông qua vì Chính phủ đã có kế hoạch ban hành một đạo luật về vấn đề này cũng nhằm để việc kiểm soát GP chặt chẽ hơn. Theo luật gia Trần Hữu Huỳnh, hiện nay, rất cần có một cơ chế, công nghệ về đánh giá tác động của quy phạm pháp luật, có một cơ chế để các văn bản, GP trước khi ban hành có sự tham vấn trước đối tượng điều chỉnh, một cơ chế để người ta có thể khởi kiện lại cơ quan quản lý khi có những quy định, GP tùy tiện đặt ra, vi phạm quyền lợi hợp pháp của người dân và DN.
M.Q
Bình luận (0)