Có một ngôi trường vì nụ cười

05/02/2007 21:41 GMT+7

Từng nghe anh chàng quá giang đi vòng quanh thế giới Ludovic nhắc tới ngôi trường mang tên PSE nên khi có dịp đến thủ đô Phnom Penh (Campuchia), chúng tôi đã tìm đến nơi cưu mang gần 5.400 trẻ mưu sinh từ những bãi rác này.

Tấm lòng đôi vợ chồng Pháp

Những người dân sống quanh khu Village Trea, Stung Mean Chey hay nhắc đến câu chuyện về một đôi vợ chồng người Pháp cùng 4 người con thực hiện chuyến du lịch vòng quanh thế giới, đã ghé thăm Phnom Penh và tình cờ chứng kiến cảnh những trẻ em nghèo phải vất vả kiếm sống, đối diện nguy hiểm tại những bãi rác ở khu vực này vào năm 1995. Để rồi sau đó, hai vợ chồng quyết định ở lại hẳn để giúp đỡ những trẻ em kém may mắn ấy khi lập nên ngôi trường mang tên PSE (viết tắt của Pour un Sourire d'Enfant) để cưu mang 75 trẻ đầu tiên.

Đến nay ngôi trường đã cưu mang gần 5.400 trẻ và tên của hai vợ chồng người Pháp - ông, bà Christian và Marie Francedes Pallières, đã trở nên thân thuộc với người dân trong vùng. Chúng tôi đã may mắn gặp được ông bà trong thời gian ngắn trước khi cả hai trở về Pháp để vận động quỹ từ thiện. "PSE hoạt động chủ yếu dựa trên nguồn quỹ từ thiện vận động được từ Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Thụy Sĩ... Cuối mỗi năm, chúng tôi trở về Pháp để thực hiện chương trình gây quỹ từ bạn bè, người quen... Với khẩu hiệu "mỗi nhà hảo tâm cưu mang một trẻ", mỗi khi có thêm người nào cam kết tài trợ là chúng tôi mở rộng cửa đón thêm các em mới", Christian cho biết.

Từ nguồn quỹ này, Christian và Marie đã mở rộng nhiều hoạt động tại PSE như: chăm sóc sức khỏe, nuôi ăn và xóa mù chữ cho hơn 1.000 trẻ ngay tại trường, đồng thời hỗ trợ lương thực cho gia đình những trẻ quá khó khăn và dạy nghề cho các bà mẹ; hỗ trợ hơn 2.000 trẻ có hoàn cảnh khó khăn đến trường; dạy nghề cho hơn 500 thanh thiếu niên rồi tập trung vào các cơ sở hướng nghiệp tại Siem Riep, Sihanouk Ville... Ngoài ra, PSE cũng nhận được hỗ trợ từ Chương trình Lương thực thế giới (WFP) để cung cấp hàng trăm suất ăn miễn phí và chăm sóc sức khỏe mỗi ngày cho nhiều trẻ ngay tại bãi rác. Trong khuôn viên PSE còn có một nhà hàng nhỏ để các học viên thực tập và một cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm thủ công để tạo thêm nguồn quỹ cho trường.

Cứ khoảng tháng 8 hằng năm lại có đoàn tình nguyện từ Pháp đến sống và sinh hoạt trong 1 tháng cùng những trẻ mưu sinh ngay tại các bãi rác gần trường để tìm hiểu và giúp đỡ về tâm lý. "Những ngày lang thang để ghi hình lại cảnh sống nơi bãi rác, chúng tôi không thể cầm lòng trước cảnh các em vất vưởng kiếm ăn, lớn lên trong bệnh tật, thất học và đối diện với bao nguy hiểm, trong đó có cả cái chết. Chúng tôi quyết định phải giúp các em biết cách tự bảo vệ mình và có được một cuộc sống tốt hơn", Christian và Marie thổ lộ.

Và câu chuyện của Sinoun

Điều đặc biệt khác ở PSE mà chúng tôi có dịp ghi lại là câu chuyện về Sinoun - người hướng dẫn chúng tôi tham quan ngôi trường. Nhìn cô gái trẻ thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp đang phụ trách cửa hàng thủ công, đồng thời làm nhân viên hướng dẫn, chúng tôi không ngờ rằng trước đây cô cũng từng là một đứa trẻ kiếm sống ở bãi rác từ năm lên 9.

 "Tôi đã có 3 năm trời lăn lóc cùng bạn bè, từng chứng kiến những người bạn nhỏ của mình qua đời vì gặp tai nạn ngay tại bãi rác. Sau đó tôi được nhận vô PSE vào năm 1995, rồi may mắn được học hết lớp 12 và được giữ lại trường làm việc. Gia đình tôi cũng nhận được hỗ trợ cần thiết để vượt qua khó khăn. Đến giờ, ngoài ngoại ngữ, tôi đã hoàn tất khóa nghiệp vụ thư ký ngắn hạn ngay tại đây", Sinoun cho biết. Ánh mắt cô gái trẻ ánh lên niềm vui khi nói về công việc tại nơi mà mình từng gắn bó.

Không chỉ có Sinoun, 4 người khác có cùng hoàn cảnh như cô cũng được tạo điều kiện ăn học và ở lại PSE làm việc như anh chàng Chan Samedi hay cô bạn Srey Neang hiện đang theo học tại ĐH Hoàng gia Phnom Penh. "Tôi đã may mắn có cơ hội để thay đổi cuộc đời mình nên cũng muốn giúp những người khác tìm thấy cơ hội như thế. Đó là điều quan trọng nhất để tôi tiếp tục ở lại nơi này trước lời mời làm việc từ những nơi khác", lời bộc bạch chân thành của Sinoun khi tiễn chân chúng tôi đã để lại cảm xúc ấm áp trong những ngày cuối năm...

V.A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.