Cuộc nghiên cứu được tiến hành trên 800 người lớn tuổi trong khoảng thời gian 4 năm. Các bác sĩ đã mổ tử thi 90 trong số những người tham gia nghiên cứu đã qua đời trong khoảng thời gian kể trên để tìm các bằng chứng liên quan đến bệnh Alzheimer, chẳng hạn như các mảng protein bám xung quanh các tế bào thần kinh.
Cuộc nghiên cứu được tiến hành ở Mỹ, do Giáo sư Robert Wilson và các đồng nghiệp tại Trường đại học Rush (Mỹ) tiến hành. Hằng năm, những người tình nguyện tham gia đánh về về tình trạng của mình thông qua những gợi ý như: “Tôi thường xuyên cảm thấy bị bỏ rơi” hoặc “Tôi đã trải qua cảm giác trống rỗng trong lòng”. Từ đó, những người này được “cho điểm” dựa trên mức độ cô độc mà họ cảm thấy.
Nhóm cảm thấy cô độc nhất, ở mức điểm 3,2, có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao gấp 2,1 lần so với nhóm ở mức điểm thấp nhất: 1,4.
Giới chuyên môn nhận định kết quả cuộc nghiên cứu kể trên đã phủ định giả thuyết cho rằng tình trạng cô độc là một phản ứng của chứng mất trí nhưng ngược lại, cô độc chính là nguy cơ khiến cho trí nhớ của người ta suy giảm.
“Chúng ta cần phải nhận thức được rằng tình trạng cô độc không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc mà còn ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta nữa”, Giáo sư Wislson nhấn mạnh.
Đoan Nhật (Theo BBC)
Bình luận (0)