Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang: Vì sao liên tục xảy ra tử vong?

06/02/2007 22:21 GMT+7

Trong thời gian gần đây, tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang đã xảy ra nhiều trường hợp trẻ sơ sinh và sản phụ tử vong một cách bất thường khiến gia đình nạn nhân uất ức, khiếu nại, cho rằng có liên quan đến "trình độ chuyên môn" hoặc "y đức kém". BS Trương Thị Phương (ảnh) - Giám đốc Bệnh viện giải thích:

- Không phải chúng tôi tìm cách biện luận nhưng bệnh viện thì phải có tỷ lệ tử vong cho phép...

* Nhưng có những trường hợp đặc biệt làm người dân bức xúc. Chẳng hạn có người phải điều trị vô sinh mất 7-8 năm. Khi nhập viện được kiểm tra và cho là "bình thường", nhưng vừa sanh xong thì bị sự cố?

- Trường hợp này gọi là "nguy cơ cao" vì bà mẹ lớn tuổi và khi điều trị vô sinh có thể đứa trẻ có rất nhiều bệnh lý tiềm ẩn. Cụ thể như chị Phòng Thị Phương H. ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, nhập viện ngày 31/12/2006, được chẩn đoán là "thai 40 tuần, bình thường, chuyển dạ theo dõi ối rỉ". Nhưng đến sáng 6/1/2007, bác sĩ trực phát hiện ối bị vỡ, có dấu hiệu suy thai cấp nên chỉ định mổ. Mổ được bé gái 3,5 kg, bác sĩ chẩn đoán bé bị suy hô hấp cấp, nên chuyển sang khoa Nhi, nhưng bé tử vong ngay sau đó.

* Vậy trường hợp này có liên quan đến trách nhiệm của bệnh viện không?

- Có. Sản phụ bị "suy thai cấp" nhưng đã nhập viện cả tuần, được theo dõi bằng máy vẫn không phát hiện, đến chiều 5/1 các bác sĩ vẫn ghi nhận là "tim thai tốt"...

* Như vậy có phải là do chuyên môn yếu?

- Không đúng. Vì mỗi ngày kiểm tra bằng máy một lần nhưng vẫn không phát hiện.

* Còn trường hợp chị Lê Thị Bé Ch., ở xã Hữu Đạo, Châu Thành?

 - Trường hợp này cũng là con đầu lòng, nhập viện ngày 3/1/2007, đến sáng 4/1 thì chuyển dạ. Do sản phụ "rặn" yếu nên bé bị bướu huyết thanh, đặt giác hút kéo ra không được nên phải mổ. Khi mổ ra "bé còn hồng hào, thở tốt" nhưng bác sĩ chẩn đoán sẽ có suy hô hấp nhẹ nên chuyển sang khoa Nhi, sau đó thì tử vong.

* Thế nhưng trước đó bệnh viện khám, theo dõi cho là bình thường?

- Trước đó thì bình thường, nhưng khi chuyển dạ thì có dấu hiệu "suy thai cấp". Cũng có thể là do chuyển dạ kéo dài. Trường hợp này nếu tiên lượng tốt, chỉ định mổ ngay thì có thể sẽ khác.

* Vậy bác sĩ giải thích sao về trường hợp vừa mới xảy ra?

- Chị Huỳnh Lê Yến L. ở TP Mỹ Tho, nhập viện vào lúc 16h30 ngày 25/1 trong tình trạng "thiểu ối nặng" nên được chỉ định mổ. Khi khám thấy sản phụ có một cái bướu to ở cổ. Nhưng khi đo tim mạch, nghe tim phổi đều bình thường và trường hợp này có khám thai định kỳ tại bệnh viện. Sản phụ được BS Vũ Mai Hồng mổ xong lúc 19h30 ngày 25/1, cho ra một bé nặng 3,1 kg. Lúc đó cô trưởng khoa có bồng con cho người nhà xem mặt và thông báo là "mẹ khỏe".

Sau khi đưa ra phòng hồi sức, khoảng 2 giờ sau thì sản phụ tỉnh, cô trưởng khoa còn bồng em bé cho chị xem mặt và chị còn nựng con "rất là bình thường". Đến khoảng 5h sáng, khi nữ hộ sinh chăm sóc sản phụ bên cạnh thì nghe tiếng gọi. Cô quay lại thì thấy sản phụ khó thở nên chạy báo bác sĩ trực. Chỉ trong tíc tắc thì bệnh nhân tím tái, thở rất nhanh, mạch không bắt được. Ngay lúc đó bác sĩ cho đặt nội khí quản, chích thuốc nhưng sản phụ đã ngưng tim. Đến 10h sáng thì sản phụ tử vong nhưng đã chết lâm sàng từ khoảng 5h sáng.

* Thế trường hợp này được kết luận do đâu?

- Chúng tôi đã cho mời bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ và bác sĩ gây mê của Bệnh viện đa khoa Tiền Giang tới. Các nguyên nhân do băng huyết sau khi sanh hoặc do tai biến gây mê được loại trừ. Dự đoán có thể là "đột tử do tai biến mạch máu não" nhưng không kết luận được vì gia đình không cho giải phẫu tử thi.

* Nhưng có dư luận cho rằng có thể do sốc nước biển vì bác sĩ bỏ trực, trong khi sản phụ kêu cứu không ai nghe?

- Nếu sốc nước biển hoặc sốc thuốc thì vẫn có thể "kéo ra" được và sốc thuốc thì có triệu chứng. Còn việc bác sĩ bỏ về nhà chắc chắn là không có. Người trực đêm đó là BS Trần Thu Cúc và phòng hồi sức còn có hai nhân viên trực. Nếu bệnh nhân có kêu thì sẽ nghe được vì nguyên tắc là 15-20 phút các nhân viên trực phải đo huyết áp. Vì vậy khẳng định không phải do lơ là, bỏ bệnh nhân.

* Chỉ từ tháng 7/2006 đến nay đã có 5 sản phụ và nhiều trẻ sơ sinh bị tử vong, vậy có phải là cao?

- Chính xác là 3 chớ không phải 5 sản phụ như thông tin trên báo. Riêng trường hợp chị Phan Thị Kim L. mổ bắt con, có nguy cơ rất cao, bệnh viện cũng đã đề phòng. Khi sự cố xảy ra, chị này nhóm máu A-B, là nhóm máu cực hiếm. Về nguyên tắc có thể truyền nhóm máu O, nhưng khi truyền thì bị sốc, nên phải ngưng truyền để hồi sức. Đây là trường hợp bất khả kháng.

Hoàng Phương
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.