Cảnh giác với xe tay ga "nhái"

07/02/2007 23:08 GMT+7

Những ngày giáp Tết, tại các cửa hàng kinh doanh xe máy ở TP.HCM như khu Lý Tự Trọng (Q.1), Nguyễn Tri Phương, An Dương Vương (Q.5), Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận)... rất nhiều khách hàng tìm đến mua, đổi xe tay ga cao cấp để du xuân. Trước "trận đồ bát quái" với hàng chục nhãn hiệu, mẫu mã vàng thau lẫn lộn, những người tiêu dùng ít kinh nghiệm rất dễ mua phải xe tay ga "nhái".

Cuối tháng 11.2006, vợ chồng bà Phạm Thị Cúc (ngụ ở đường Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) quyết định sắm một  xe tay ga xịn.  Sau hơn 1 giờ khảo sát khu chợ xe Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận), bà Cúc ghé vào một cửa hàng lớn.

Tham khảo giá cả, mẫu mã các loại xe tay ga đang trưng bày, bà Cúc quyết định chọn mua chiếc @Stream (sản phẩm của Honda sản xuất tại Trung Quốc) với giá 27,5 triệu đồng, bao trọn gói. Khoảng 10 ngày sau, bà Cúc đã có giấy đăng ký hợp lệ của chiếc xe mà vợ chồng bà đã trực tiếp chọn màu, khui thùng ráp xe tại chỗ và dẫn thẳng về nhà.

Thế nhưng khi mới chạy hơn 400 km, gia đình có việc cần tiền đột xuất buộc bà Cúc phải bán xe gấp. Người mua trả ngay giá 23,8 triệu đồng do thấy xe còn quá "cứng". Thế nhưng, khi bà Cúc đưa xem giấy đăng ký xe, những người mua xe phát hiện đây không phải là @Stream mà là SDH-125, một loại xe của Trung Quốc giống y hệt @Stream, giá bán trên thị trường chỉ khoảng 20 triệu đồng/xe.

Chưa tin, bà Cúc lấy giấy đăng ký của mình so sánh với giấy đăng ký của chiếc Honda@Stream chính hiệu mà người mua cho xem thì quả có sự khác biệt rõ rệt về kiểu số máy, số khung, dung tích, nhãn hiệu. Đến lúc này bà Cúc mới nhớ lại, ngay từ đầu cửa hàng bán xe cho bà đã có dấu hiệu lập lờ: Không bán ngay cho khách mà đợi đến hôm sau mới gọi điện thoại đồng ý bán, đưa khách ký vội giấy biên nhận mua bán khi họ đang theo dõi việc ráp xe, không giao hóa đơn tài chính, hồ sơ xe... mà chỉ viết giấy biên nhận; khi xét xe để làm giấy không cho chủ xe tham gia với lý do phải đi "cửa sau", nhờ "dịch vụ" này kia.....

Ngay lập tức bà Cúc ra cửa hàng yêu cầu trả lại chiếc Honda@Stream "nhái" này. Nơi bán liền trưng ra giấy biên nhận có chữ ký của chồng bà, trong đó thể hiện vợ chồng bà đã đồng ý mua xe... SDH-125 chứ không phải xe Honda@Stream.

Biết mình đã "sập bẫy", bà Cúc đành cắn răng đồng ý để cửa hàng thu lại chiếc xe với giá  23 triệu đồng. Tuy nhiên khi chuẩn bị giao tiền thì cửa hàng này trở mặt, không chịu thu lại chiếc xe. Quá bức xúc, bà Cúc đã phản ánh lên Văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng phía Nam nhờ can thiệp. Chỉ khi đó, cửa hàng này mới chịu thu lại chiếc xe với giá chỉ 21 triệu đồng.

Thị trường đang tràn ngập các kiểu xe ga "nhái" đủ nhãn hiệu cao cấp như Dylan, SH, @Stream, Spacy, PS... Chỉ những người tiêu dùng dày dạn kinh nghiệm mới có thể phát hiện chúng là hàng nhái, giả. Theo anh H., đại diện cửa hàng xe máy T. ở đường Nguyễn Tri Phương (Q.5), xe tay ga "nhái" có giá chỉ khoảng 20-40 triệu đồng/xe.

Chẳng hạn, chiếc Dyor Trung Quốc mẫu mã y chang chiếc Dylan có giá 29,9 triệu đồng trong khi Dylan giá không dưới 4.500 USD; chiếc ESH (Hàn Quốc) giá khoảng 30 triệu đồng trong khi SH "xịn" trên 6.000 USD. Hay mới nhất là Honda PS giá bán khoảng 6.700 USD trong khi hàng nhái có giá chưa đến một nửa... "Người mua xe ít kinh nghiệm cần tìm đến các cửa hàng uy tín hoặc nhờ người rành về xe máy đi cùng khi mua xe, nếu không nguy cơ mua nhầm xe nhái là rất lớn", anh H. nói.

T.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.