Chung quanh hoạt động của ngành điều Việt Nam

11/02/2007 23:49 GMT+7

Báo Thanh Niên số ra ngày 1.2.2007 có đăng bài Rối ren ngành điều Việt Nam. Sau đó, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) GS-TS Phạm Văn Biên đã có thư gửi Báo Thanh Niên để trao đổi về vấn đề này cũng như cung cấp thông tin về hoạt động của VINACAS. Để rộng đường dư luận, Báo Thanh Niên xin đăng nội dung bức thư này.

Trong những năm qua, mặc dù công tác bận rộn nhưng khi theo dõi những hoạt động phong phú, đa dạng của Báo Thanh Niên, tôi rất vui mừng vì những kết quả tốt đẹp mà báo đạt được. Ẩn chứa đằng sau những kết quả ấy là một tấm lòng và tinh thần trách nhiệm với con người, với xã hội. Riêng với tôi, tờ Báo Thanh Niên cũng là một người bạn hằng ngày. Chính vì vậy tôi thật sự băn khoăn khi đọc bài báo Rối ren ngành điều Việt Nam đăng trên Báo Thanh Niên ngày 1.2 vừa qua.

Là một nhà khoa học lâu năm về Nông học và Bảo vệ thực vật, tôi đã tiến hành nhiều nghiên cứu về cây điều cũng như những cây trồng khác... Với cương vị là Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Mam (KHKTNNMN) và là nhà nghiên cứu về cây điều, tôi tham gia làm thành viên chính thức của Hiệp hội Điều từ năm 1996 và cũng ngay năm đó trúng cử là Ủy viên BCH Hiệp hội Điều Việt Nam, liên tục đến nay đã là năm thứ 12. Ngày 28.2.2006 (khi tôi vẫn đương nhiệm Viện trưởng Viện KHKTNNMN), Hiệp hội Điều tổ chức đại hội toàn thể nhiệm kỳ VI. Thời gian đó tôi phải đi công tác xa và không dự đại hội được. Khi về TP.HCM, tôi nhận được thông báo là đại hội đã phân tích, chọn lựa và bầu tôi làm Chủ tịch Hiệp hội. Thực lòng mà nói tôi cũng không muốn nhận nhiệm vụ này vì lúc đó tôi đang rất bận với cương vị Viện trưởng, lại là Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư, Ủy viên Hội đồng chính sách khoa học công nghệ quốc gia và bao nhiêu công việc khoa học khác nữa. Tuy nhiên, do sự đã rồi và nhiều anh em trong Hiệp hội cũng động viên tôi ráng góp sức xây dựng hiệp hội lớn mạnh nên cuối cùng tôi cũng đồng ý nhận lời và điều hành Hiệp hội từ tháng 3.2006, với mong muốn đem tâm huyết của mình cố gắng đóng góp vào việc phát triển Hiệp hội trong thời kỳ hội nhập.

Thực sự, trong hai năm qua ngành điều Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Do những nguyên nhân khách quan và chủ quan ở đầu vào (thị trường nguyên liệu trong nước) và đầu ra (thị trường xuất khẩu nhân điều) nên riêng trong năm 2005, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều đã lỗ 1.000 tỉ đồng. Trong hoàn cảnh đầy khó khăn ấy, BCH Hiệp hội và các hội viên đã xây dựng được hướng phát triển chiến lược, bền vững, chủ động hội nhập và từng bước triển khai các nhiệm vụ chiến lược đó: Giống điều mới và hệ thống biện pháp kỹ thuật thâm canh điều do các nhà khoa học đưa ra và được nông dân áp dụng rộng rãi, năng suất điều bình quân toàn quốc từ 400 kg/ha (năm 2000) đã nhảy vọt lên 1.060 kg/ha (năm 2005) và hiện nay chúng tôi đang hướng tới mục tiêu 1.500 kg/ha sau vài năm nữa (đây sẽ là năng suất cao vào loại hàng đầu thế giới). Một số cải tiến về máy cắt vỏ hạt điều tự động đang được hoàn chỉnh. Công nghệ hấp hơi nước ngày càng được áp dụng rộng rãi và cải tiến liên tục. Hiệp hội đang kiến nghị với các Bộ, các địa phương để xin được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu các vấn đề này. Sau nhiều năm hoạt động, lần đầu tiên Hiệp hội Điều tổ chức được trong năm 2006 hai chuyến đi xúc tiến thương mại ở ngoài nước (ở Mỹ vào tháng 10.2006, 20 hội viên VINACAS đã làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu và chế biến điều trực thuộc AFI (Hiệp hội công nghiệp thực phẩm Hoa Kỳ) và gây tiếng vang tốt ở thị trường Mỹ; Ở Trung Quốc vào tháng 12.2006 giúp các doanh nghiệp hội viên nắm chắc thêm thị trường này).

Đặc biệt, theo lời mời của Chủ tịch Hiệp hội Điều VN, đoàn đại biểu của CEPCI (Hội đồng xúc tiến xuất khẩu điều Ấn Độ) gồm 30 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều hàng đầu của Ấn Độ đã sang thăm VN từ 22-26.1.2007 và có nhiều nội dung hoạt động phong phú. Hai bên đã ký Bản thỏa thuận xúc tiến việc thành lập Hiệp hội Điều thế giới mà VN cùng với Ấn Độ, Brazil sẽ trở thành những thành viên sáng lập. Các bên sẽ trao đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau và có các biện pháp tác động vào thị trường điều thế giới.

Những kết quả trên có được là nhờ Hiệp hội đã duy trì một nền nếp sinh hoạt đều đặn. Trong năm 2006, Hiệp hội đã họp toàn thể 3 lần, BCH đã làm việc 10 lần để bàn bạc những công việc hệ trọng của Hiệp hội. Riêng thường trực BCH có tới 9 lần, đi thăm hội viên, tiếp xúc và hội thảo với các ngân hàng như Incombank, Techcombank... tìm giải pháp tăng gấp đôi lượng vốn vay cho các doanh nghiệp ngành điều trong thời gian tới để tăng năng lực cạnh tranh về vốn cho các DN trong hội nhập.

Với cố gắng của Hiệp hội có những biện pháp tác động đến tình hình thu mua điều nguyên liệu 2006 và sự cố gắng của các hội viên, năm nay nhiều đơn vị đã không còn lỗ, thậm chí một số DN đã bắt đầu có lãi. Bức tranh tổng thể của ngành điều đã có nhiều nét sáng sủa, đáng mừng, khẳng định bước phát triển đúng hướng của ngành. Nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục xin gia nhập Hiệp hội. Kiến nghị của một vài hội viên về công tác tổ chức Hiệp hội cũng đang được xem xét và đã báo cáo xin ý kiến Bộ Nội vụ bằng văn bản.

Khi nêu những ý kiến trên để báo xem xét và hiểu thêm về ngành điều, vấn đề mà tôi mong muốn lớn hơn là làm sao để uy tín tờ Báo Thanh Niên trong lòng bạn đọc, vai trò Báo Thanh Niên trong xã hội ngày càng lớn hơn nhờ chất lượng tốt, thông tin nhanh chóng và chính xác của các bài báo.

Mong Báo Thanh Niên tích cực phối hợp với Hiệp hội Điều VN để kịp thời đưa những thông tin khẳng định hình ảnh và vị thế hiện nay của ngành điều VN đến với bạn đọc trong nước và thế giới.

Trân trọng

GS - TS Phạm Văn Biên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.