"Gia đình tôi dù làm gì, bận rộn thế nào nhưng suốt từ 20 năm nay vẫn không bao giờ bỏ qua ngày tảo mộ. Ra đốt cho cha mẹ tôi một nén hương, làm cỏ, lao chùi lại mộ phần để ông bà như được ăn Tết cùng con cháu" - chị Loan (ngụ Tân Bình) vừa bày sắp nhang đèn vừa cho biết. Đã thành thói quen, cứ 5h30 sáng là chị, chồng chị cùng hai đứa nhỏ khởi hành để còn về kịp giờ đến cơ quan. Do hai ông bà mất khác năm nên phần mộ cũng nằm xa nhau, chị và ông xã chia nhau mỗi người mỗi đầu bày đồ cúng, đốt nhang rồi đổi chỗ cho nhau.
Anh Tư Hải - người coi sóc khoảng gần 100 ngôi mộ ở khu vực này - cho biết: "Người Việt có thói quen đi tảo mộ nên những ngày này không khác gì những ngày Tết ở nghĩa trang. Nhộn nhịp tấp nập hương khói suốt từ sáng đến tối mịt". Đó cũng là dịp để những người sinh sống ở nghĩa trang có thêm thu nhập. Anh Hải cũng cho biết thêm: "So với vài năm trước đây, tình trạng dân giang hồ, côn đồ thường xuyên có mặt để làm tiền bà con trong những ngày cuối năm này đã giảm đi khá nhiều. Đa phần nghĩa trang chỉ còn lại những người quản lý chăm sóc các phần mộ, quanh năm bám trụ ở đây".
|
Với diện tích hơn ba mươi héc ta, nghĩa trang Bình Hưng Hòa là một trong những nghĩa địa lớn nhất ở TP.HCM với hơn hai chục chục ngàn ngôi mộ. Dịp tảo mộ, thanh minh có rất nhiều người đến để đốt nhang, lau chùi. Nhiều ngôi mộ bị bỏ hoang cũng được ấm lòng hơn khi những người quản trang hay một vài khách thập phương đốt cho nén nhang, hay đốt cho vài tờ giấy tiền vàng bạc.
Ở nghĩa trang là vậy, người ra kẻ vào tấp nập suốt từ sáng đến tối. Còn những ngôi mộ được xây cất ở đất ruộng, chôn dọc quốc lộ 1A thì vắng vẻ hơn nhưng luôn được thân nhân chăm sóc một cách cực kỳ kỹ lưỡng. Có mặt ở xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, chúng tôi chứng kiến gia đình chị Hai Lành đang sửa sang lại mộ phần cho hai ông bà nội ngoại. Theo chị, đây là đời con cháu thứ hai đi tảo mộ hằng năm để tưởng nhớ về ông bà.
|
Vài năm trước đây, khi cậu chị còn sống, chính ông là người dẫn con cháu về đây mỗi năm để tưởng nhớ tổ tiên. Khi cậu mất, chị cùng các con của cậu bắt đầu đảm nhận bổn phận thiêng liêng này. Đến từ lúc 7h sáng, cả gia đình 4-5 người thay phiên chùi rửa, kỳ cọ, rồi cả sơn phết, cúng kiến. Công việc đến gần 11h trưa mới hoàn tất để rồi anh em họp mặt hàn huyên sau một năm tản mác làm việc, kiếm sống.
Gần mộ phần được xây xựng khang trang của ông bà chị Hai Lành là những đụn đất nhỏ, chẳng bia mộ, tên tuổi cũng được gia đình chị phát quang sạch sẽ hơn. "Năm nào gia đình tôi chăm sóc mộ ông bà xong cũng giúp những người hàng xóm này cùng ăn tết luôn" - chị Lành cho biết.
|
Như cái nghĩa cái tình sẵn có, truyền thống tảo mộ hằng năm là một hoạt động đầy ý nghĩa trước lúc đón Xuân của người Việt ở khắp mọi miền đất nước.
Thành Trung
Bình luận (0)